Quốc tế

Quân đội Mỹ sẽ nhận tổ hợp Iron Dome đầu tiên ngay trong năm 2020

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, 2 tổ hợp phòng thủ tên lửa tầm thấp Iron Dome (Vòm sắt) sẽ được phía Israel bàn giao cho Lục quân Mỹ trong cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật: Cuộc đua đầy mạo hiểm của Nga và Mỹ / Bí ẩn việc Triều Tiên sở hữu 87 trực thăng MD500 của Mỹ

Đại diện Cơ quan thử nghiệm phòng thủ tên lửa phức hợp, Chuẩn tướng Brian Gibson cho biết, ngay sau khi được tiếp nhận, các tổ hợp vũ khí này sẽ tham gia các bài thử nghiệm tinh chỉnh kỹ thuật tại bãi thử White Sands ở bang New Mexico. Nếu vượt qua các bài thử nghiệm, trong đó có cả bài tập mô phỏng đối phó với tên lửa hành trình hiện đại, các tổ hợp Iron Dome sẽ được chuyển tới căn cứ Fort Bliss, bang Texas trong cuối năm 2021. Tại đây, chúng sẽ trở thành các đơn vị chiến đấu đầu tiên theo khái niệm tác chiến mới “Quân đội tích hợp không quân và phòng thủ tên lửa” của Lục quân Mỹ.

Quân đội Mỹ sẽ là quốc gia đầu tiên sau Israel được trang bị tổ hợp Iron Dome.

Israel nhận đề nghị cung cấp các tổ hợp phòng thủ tên lửa Iron Dome cho phía Mỹ vào năm 2019. Tuy nhiên, ngay khi hợp đồng được công bố, lãnh đạo chương trình Phát triển quân đội tương lai của Mỹ, tướng John Murray cho rằng, dòng vũ khí phòng thủ tên lửa của Israel sẽ không thể tích hợp vào hệ thống tác chiến hợp nhất của Mỹ. Vấn đề nghiêm trọng này phát sinh khi Israel từ chối cung cấp mã nguồn điều khiển của tổ hợp Iron Dome, mà chỉ cung cấp sản phẩm hoàn chỉnh. Chính vì áp lực này, Lầu Năm Góc đã phải cắt bớt 2 trong số 4 tổ hợp Iron Dome dự kiến đặt mua với giá trị khoảng 1 tỷ USD. Trong tương lai, Mỹ có thể phát triển dòng vũ khí phòng thủ tên lửa độc lập dựa trên các liên doanh với đối tác nước ngoài, trong đó có Israel.

Iron Dome hiện là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Israel. Trong gần một thập kỷ triển khai chiến đấu, các tổ hợp Iron Dome đã thực hiện tới hơn 2.000 nhiệm vụ đánh chặn với tỷ lệ thành công tới 90%. Mới đây, hãng chế tạo Rafael đã phát triển phiên bản cơ động của tổ hợp Iron Dome với tên mã I-Dome. Tổ hợp Iron Dome được cho là đối phó hiệu quả với các loại rocket, đạn pháo, đạn cối cỡ lớn bay theo đạn đạo. Ngoài ra, với một số sửa đổi về hệ thống điều khiển, Iron Dome có thể đóng vai trò như vũ khí phòng không tầm thấp.

Iron Dome đánh chặn thành công rocket tấn công lãnh thổ Israel từ dải Gaza.

Vấn đề chính đối với tổ hợp Iron Dome là chi phí sử dụng. Mỗi đạn tên lửa đánh chặn Tamir có giá 20.000 - 50.000 USD. Chúng được sử dụng để ngăn chặn các loại vũ khí có giá chỉ dưới 1.000 USD của các nhóm Hồi giáo vũ trang. Nhiều tướng lĩnh Israel cho rằng, mức chi phí này không phù hợp với một cuộc chiến tranh bất đối xứng.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm