Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (10/8): Máy bay chiến đấu Su-35 và trực thăng Ka-52 tác chiến chống khủng bố

Quân sự thế giới hôm nay (10/8) có những nội dung chính sau: Máy bay chiến đấu Su-35 và trực thăng Ka-52 diễn tập tác chiến chống khủng bố; Lục quân Mỹ hướng đến sản xuất 1 triệu quả đạn pháo mỗi năm; Nhà máy đóng tàu Karachi hạ thủy tàu hộ tống lớp Babur.

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 8/8 / Quân sự thế giới hôm nay (9/8): Máy bay siêu thanh X-59 QuessT ra mắt với thiết kế đặc biệt

* Máy bay chiến đấu Su-35 kết hợp trực thăng Ka-52 trình diễn khả năng chống khủng bố

Ngày 9/8 trang Bulgarian Military đưa tin trong tuần đầu tiên của tháng 8, lực lượng Không quân Nga đã phối hợp tập trận chống khủng bố vào ban đêm cùng quân đội Syria, sử dụng nhiều máy bay chiến đấu và trực thăng chiến đấu trong đó có Su-35 và Ka-52 Alligator. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận về cuộc tập trận này giữa hai quốc gia.

Theo kịch bản cuộc tập trận, các lực lượng tham gia đã nhanh chóng phối hợp đáp trả một cuộc tấn công của các tay súng khủng bố chiếm đóng một khu dân cư. Trên thực tế, từ năm 2015 đến 2017, các lực lượng Nga và Syria đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động tác chiến tương tự, trực tiếp chống lại tổ chức khủng bố IS và nhiều nhóm khủng bố khác trên lãnh thổ Syria.

Máy bay chiến đấu Su-35 kết hợp trực thăng Ka-52 trình diễn khả năng chống khủng bố. Nguồn: RT

Trong cuộc tập trận đêm này, Không quân Nga đã triển khai máy bay Su-35 và trực thăng Ka-52với nhiệm vụ “tiêu diệt các phương tiện bọc thép và vị trí phòng thủ của các lực lượng khủng bố”. Máy bay chiến đấu tấn công Su-24M cũ hơn cũng được điều động cho các nhiệm vụ không đối đất.

Su-35 có khả năng không chiến cao, được triển khai rộng rãi trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đối phó với nhiều loại máy bay chiến đấu, máy bay không người lái và trực thăng khác của phương Tây. Máy bay chiến đấu này cũng được sử dụng để chế áp hệ thống phòng không đối phương. Năm 2022, Iran đã đặt mua máy bay chiến đấu Su-35của Nga và trong năm nay Không quân Nga cũng đã nhận 2 lô máy bay Su-35.

* Lục quân Mỹ đặt mục tiêu sản xuất 1 triệu quả đạn pháo mỗi năm

Theo Defense One, kỹ thuật sản xuất mới đang được cải thiện và hướng đến giúp Lục quân Mỹ đạt mục tiêu sản xuất 85.000 quả đạn pháo 155mm mỗi tháng, bắt đầu từ năm tài chính 2025. Đây là thông tin do Trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm Doug Bush thông tin trước báo giới ngày 8/8 vừa qua.

Việc thúc đẩy sản xuất này là nhằm giúp kịp thời viện trợ cho Ukraine đồng thời bổ sung vào kho vũ khí của Mỹ. Ông Doug Bush cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được năng lực sản xuất này để đảm bảo viện trợ cho Ukraine, bổ sung cho chính kho đạn của chúng tôi và hỗ trợ các quốc gia đồng minh khác. Đó là lý do chung mà chúng tôi thực hiện việc nâng cao năng suất này. Hãy thử làm phép tính với hơn 80.000 quả đạn pháo/tháng thì sẽ có khoảng một triệu quả đạn pháo sẽ được sản xuất trong một năm”.

 

Pháo binh Ukraine sử dụng lựu pháo D-30 trong tác chiến ở Bakhmut. Ảnh: Getty Images

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất cung cấp đạn pháo 155mm cho Ukraine. Đạn pháo là loại vũ khí ít phức tạp hơn nhiều so với các loại vũ khí khác được phát triển và sử dụng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng Mỹ và các đồng minh vẫn đang phải vật lộn để tăng năng suất. Ông Doug Bush cho biết, khó khăn bắt đầu từ việc phát triển những dây chuyền sản xuất mới chế tạo các bộ phận kim loại cho quả đạn. “Chúng tôi đang có các nguồn lực, đã ký kết các hợp đồng và làm việc thực sự nỗ lực và chặt chẽ với các đối tác trong ngành để vượt qua các rào cản nhằm đạt được mục tiêu gia tăng sản lượng”.

Theo ông Doug Bush, các kỹ thuật sản xuất mới có sự hỗ trợ của máy tính đang giúp giảm mức độ phức tạp và thời gian sản xuất các loại đạn pháo mới. Mỹ cũng sẽ tăng cường sản xuất các loại vũ khí tinh vi hơn đã được chứng minh có giá trị trên chiến trường, trong đó có đạn tuần kíchchống tăng LASSO.

* Ngày 9/8, Military Leak đưa tin Nhà máy đóng tàu Karachi đã hạ thủy tàu hộ tống lớp Babur (còn gọi là lớp MILGEM) thứ 4 theo dự án PN MILGEM giữa Hải quân Pakistan và Nhà máy đóng tàu M/s ASFAT của Thổ Nhĩ Kỳ ký kết năm 2018. Theo hợp đồng, 2 trong tổng số 4 tàu hộ tống lớpBabur được đóng tại Nhà máy đóng tàu Hải quân Istanbul và 2 chiếc còn lại được đóng tại Nhà máy đóng tàu Karachi.

Phát biểu nhân dịp này, Thủ tướng Pakistan đánh giá cao sự hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà máy đóng tàu M/s ASFAT (Thổ Nhĩ Kỳ) và Karachi (Pakistan) và Hải quân Pakistan trong việc nỗ lực phối hợp thực hiện thành công dự án PN MILGEM và chúc mừng các bên đã hạ thủy thành công con tàu.

Tàu hộ tống lớp Babur PNS TARIQ 283. Ảnh:ASFAT.

Tại lễ hạ thủy, Đô đốc Muhammad Amjad Khan Niazi, Tham mưu trưởng Hải quân Pakistan, nhấn mạnh: Tàu hộ tống trong chương trình PN MILGEM sẽ tăng cường đáng kể tiềm lực tác chiến cho Hải quân Pakistan, góp phần vào giữ vững hòa bình và an ninh khu vực. Hải quân Pakistan luôn đặt chính sách nội địa hóa lên hàng đầu và do đó Đô đốc Muhammad Amjad Khan Niazi rất hài lòng khi được thấy những tàu chiến hiện đại được đóng ngay trong nước.

 

Theo Naval News, tàu hộ tống lớp Babur theo chương trình PN MILGEM biên chế cho Hải quân Pakistan sử dụng công nghệ tiên tiến nhất gồm hệ thống chỉ huy và kiểm soát mới nhất điều khiển các loại vũ khí và cảm biến hiện đại. Dự kiến, 4 tàu hộ tống lớp Babur theo chương trình sẽ được trang bị hệ thống phòng không Albatros NG của MBDA và tên lửa hạm đối đất và hạm đối hạm Harbah. Tàu hộ tống lớp Babur sử dụng một động cơ tuabin khí LM2500 kết hợp hai động cơ diesel, đem lại tổng công suất lực đẩy 31.600Kw.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm