Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (2/9): Xe bắc cầu bọc thép hiện đại MTU-90 bị bắn hạ?

Quân sự thế giới hôm nay (2/9) có những nội dung sau: Xe bắc cầu bọc thép hiện đại MTU-90 bị bắn hạ?; tiêm kích F-15EX Eagle II hoàn thành giai đoạn thử nghiệm; Nga đưa tàu ngầm hạt nhân Generalissimus Suvorov tới Hạm đội Thái Bình Dương.

Tạp chí Forbes: Ukraine muốn Mỹ chuyển giao tên lửa hành trình JASSM để sử dụng cho tiêm kích F-16 / Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 31/8

* Xe bắc cầu bọc thép hiện đại MTU-90 bị bắn hạ?

Một đoạn video đăng tải mới đây được cho là về một cuộc tấn công vào ban đêm bằng phương tiện bay không người lái của một đơn vị đặc biệt của Ukraine gần Bakhmut khiến 1 xe tăng T-80, 1 pháo tự hành 2S1 Gvozdika và đặc biệt là 1 xe MTU-90 bị phá hủy. MTU-90 là xe bắc cầu bọc thép tiên tiến nhất của Nga, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng quân sự nước này trong vận chuyển trang thiết bị qua các vật cản nước.

Quân sự thế giới hôm nay (2-9): Xe bắc cầu bọc thép hiện đại MTU-90 bị bắn hạ?
Một chiếc xe bắc cầu bọc thép MTU-90M sử dụng khung xe tăng T-90S. Ảnh: Rosoboronexport

Sử dụng khung thân xe tăng chiến đấu chủ lực T-90, xe bắc cầu bọc thép MTU-90 là một phương tiện kỹ thuật quân sự được thiết kế để vượt qua các địa hình hiểm trở như mương, sông hẹp và địa hình gồ ghề. MTU-90 có một biến thể cải tiến có tên gọi MTU-90M được thiết kế dựa trên nền tảng của T-90S. Phiên bản MTU-90M dùng để bắc cầu qua chướng ngại đến 19m và có khả năng chịu tải trọng lên tới 60 tấn. Quân đội Nga bắt đầu sử dụng MTU-90M vào năm 2013 và phiên bản này cũng được các quốc gia khác, bao gồm cả Azerbaijan, mua.

MTU-90M có tổng trọng lượng khoảng 47,5 tấn, trong đó cầu nặng khoảng 11,4 tấn. Tính năng nổi bật của xe bắc cầu bọc thép này là khả năng triển khai cầu nhanh như chớp với chỉ từ 2,5 đến 3 phút ngay cả trong những điều kiện bất lợi nhất. Đáng chú ý, MTU-90M được trang bị lớp giáp giống với phiên bản chiến xa tiên tiến nhất của Nga là T-90SMBT nhằm đảm bảo an toàn cho kíp xe. Ngoài ra, xe bắc cầu này còn được trang hệ thống khí tài trinh sát hóa học, sinh học và phóng xạ (NBC) cho phép nó hoạt động ở khu vực bị ô nhiễm. Với khả năng chịu tải cầu lên tới 60 tấn và phạm vi hành trình 550km, nó có thể phục vụ các phương tiện quân sự hạng nặng trên các địa hình khó khăn.

Hình ảnh MTU-90. Nguồn: dailymotion.com

MTU-90M có chiều dài 9,6m, rộng 3,55m và cao 3,92m, được trang bị động cơ diesel V-84MS công suất 840 mã lực, có thể đạt tốc độ tối đa 60km/h. MTU-90M thậm chí có thể vượt qua chướng ngại vật dưới nước bằng cách lặn và lái dưới nước bằng ống thở.

* Tiêm kích F-15EX Eagle II hoàn thành giai đoạn thử nghiệm

Không quân Mỹ giữa tuần này thông báo, máy bay chiến đấu F-15EX Eagle II đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm và đánh giá quan trọng với việc phóng thành công các loại đạn không đối không và không đối đất.

 

Dữ liệu thu thập được từ cuộc thử nghiệm có thể mở ra khả năng sản xuất toàn bộ phiên bản mới nhất của máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư do Boeing sản xuất này.

Hai chiếc F-15EX thử nghiệm đã ném bom tấn công trực tiếp chung, bom có đường kính nhỏ và tên lửa không đối đất trong cuộc tập trận Combat Hammer kết thúc vào ngày 25-8 tại Căn cứ Không quân Hill ở Utah.

Quân sự thế giới hôm nay (2-9): Xe bắc cầu bọc thép hiện đại MTU-90 bị bắn hạ?
Hai máy bay chiến đấu F-15EX Eagle II trở về sau nhiệm vụ thử nghiệm trên Vịnh Mexico. Ảnh: militarytimes

Lực lượng không quân cho biết, các loại vũ khí được sử dụng trong cuộc thử nghiệm đại diện cho các loại vũ khí không đối không và không đối đất có tầm bắn xa nhất trong kho vũ khí của quân đội Mỹ. Những lần phóng thử thành công đánh dấu việc hoàn thành giai đoạn thử nghiệm tích hợp và đánh giá đầu tiên của F-15EX.

Các tiêm kích F-15EX Eagle II đã tham gia 19 sự kiện để kiểm tra khả năng phối hợp của chúng với máy bay thế hệ thứ năm và bắn các loại đạn không đối không và không đối đất khác.

Theo không quân nước này, các dữ liệu thu thập được sẽ được phân tích kỹ trước khi đưa ra quyết định có sản xuất quy mô lớn hay không trong những tháng tới.

 

* Nga đưa tàu ngầm hạt nhân Generalissimus Suvorov tới Hạm đội Thái Bình Dương

Navyrecognition dẫn thông tin của Hãng thông tấn TASS của Nga cho biết, tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borey-A Generalissimus Suvorov đã bắt đầu di chuyển từ Hạm đội Phương Bắc đến Hạm đội Thái Bình Dương ở Bán đảo Kamchatka. Quá trình di chuyển dự kiến sẽ kéo dài khoảng 2 tuần.

Trước đó, các hãng thông tấn Nga đưa tin, Generalissimo Suvorov sẽ tăng cường cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Hạm đội Thái Bình Dương Nga tại căn cứ tàu ngầm Rybachiy ở Bán đảo Kamchatka.

Generalissimus Suvorov thuộc thế hệ tàu ngầm hạt nhân thứ tư của dự án 955A (Borei-A) cải tiến được thiết kế bởi Cục Thiết kế Kỹ thuật Hàng hải Trung ương Rubin. Tàu được đặt ky tại Nhà máy đóng tàu Sevmash (thuộc Tập đoàn đóng tàu United) ở Tây Bắc nước Nga ngày 26/12/2014 và trở thành một phần của Hải quân Nga vào năm 2022. Generalissimus Suvorov có chiều dài 170m và rộng 13,5m với lượng giãn nước 14.720 tấn khi nổi và 24.000 tấn khi lặn.

Quân sự thế giới hôm nay (2-9): Xe bắc cầu bọc thép hiện đại MTU-90 bị bắn hạ?
Tàu ngầm Generalissimus Suvorov thuộc dự án 955A của Nga. Ảnh: Regnum

Hệ thống đẩy của tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Borey-A này bao gồm một lò phản ứng hạt nhân OK-650B, cung cấp năng lượng cho một tuabin hơi nước AEU dẫn động một trục đơn, cho phép tàu ngầm đạt tốc độ 46km/giờ.

 

Tàu ngầm Generalissimus Suvorov được trang bị 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa R-30 Bulava. Mỗi tên lửa có thể mang theo từ 6 đến 10 đầu đạn hạt nhân được tích hợp hệ thống dẫn đường, có khả năng cơ động điều chỉnh độ cao, thay đổi hướng di chuyển. Ngoài ra, tàu còn có 6 ống phóng ngư lôi 533mm.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm