Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (3/9): Tên lửa hạt nhân “bất bại” Sarmat bắt đầu báo động trực chiến

Quân sự thế giới hôm nay (3/9) có những nội dung sau: Nga đưa siêu tên lửa RS-28 Sarmat vào trực chiến, Triều Tiên phóng tên lửa hành trình.

Vì sao Mỹ loại bỏ hàng ngàn tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-52 Lance? / JAS-39 Gripen sắp tham chiến có điểm nổi trội nào so với MiG-29 và Su-27?

* Nga đưa siêu tên lửa RS-28 Sarmat vào trực chiến

Ngày 2/9, hãng thông tấn TASS dẫn lời Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga (Roscosmos) Yury Borisov cho biết, các hệ thống siêu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat đã được đưa vào trạng thái sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong quân đội Nga. Tuy nhiên, ông Borisov không nêu cụ thể thời điểm tổ hợp này sẽ được triển khai.

TASS cũng cho biết, động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hồi tháng 6, Nga sẽ sớm triển khai hệ thống tên lửa Sarmat và mô tả Sarmat là “siêu vũ khí”, khiến kẻ địch phải “suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động”. Đây sẽ là nhân tố chính trong năng lực răn đe hạt nhân của nước này và là lý do để nối lại các cuộc đàm phán thực sự về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Quân sự thế giới hôm nay (3-9): Tên lửa hạt nhân “bất bại” Sarmat bắt đầu báo động trực chiến
Hệ thống siêu tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat. Ảnh: The Times of India.

Theo Cục Thiết kế tên lửa Makeyev - đơn vị phát triển Sarmat, đây là hệ thống tên lửa triển khai từ giếng phóng hiện đại của Nga, được trang bị đạn tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và hệ thống đa đầu đạn, nhằm thay thế dòng R-36M2 Voyevoda vốn hoạt động trong lực lượng tên lửa chiến lược Nga từ năm 1988.

Dự án Sarmat được Nga khởi động năm 2011 và là một trong 6 “siêu vũ khí” đượcTổng thống Putingiới thiệu đầu năm 2018. Mỗi quả đạn tên lửa Sarmat dài 35,5m, có đường kính 3m, mang lượng nhiên liệu nặng 178 tấn và đạt tầm bắn trên 18.000km, tức là có thể vươn đến hầu hết mọi địa điểm trên trái đất. Đầu đạn cơ bản của Sarmat mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, được trang bị nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương.

Siêu tên lửa RS-28 Sarmat của Nga. Nguồn: Bloomberg Television.

Dự kiến sẽ có 46 hệ thống tên lửa Sarmat được bàn giao cho quân đội Nga, được đặt trong giếng phóng của tên lửa R-36M2 Voyevoda giúp tiết kiệm nguồn lực và thời gian triển khai. Giớichuyên gia nhận định, hệ thống này sẽ trở thành một lá chắn đáng tin cậy cho Nga trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu vô cùng phức tạp.

* Triều Tiên phóng tên lửa hành trình

Theo Yonhap, ngày 2/9, quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng một số tên lửa hành trình về phía biển Hoàng Hải vào khoảng 4 giờ sáng cùng ngày (giờ địa phương) nhưng không nêu chi tiết vụ phóng.

 

Quân sự thế giới hôm nay (3-9): Tên lửa hạt nhân “bất bại” Sarmat bắt đầu báo động trực chiến
Một bản tin truyền hình phát ngày 2/9 tại Seoul, Hàn Quốc về một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP

“Trong khi tăng cường giám sát và cảnh giác cao độ, quân đội của chúng tôi đang duy trì trạng thái luôn luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các lực lượng Mỹ”, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo.

Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) đã triệu tập cuộc họp khẩn sau vụ phóng tên lửa. Yonhap dẫn lời một quan chức tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, cuộc họp do Phó cố vấn An ninh quốc gia Lim Jong-deuk chủ trì nhằm thảo luận các biện pháp để quân đội duy trì trạng thái sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng.

Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra vài ngày sau khi Hàn Quốc và Mỹ vừa kết thúc cuộc tập trận thường niên lớn Lá chắn Tự do Ulchi, vốn bị Triều Tiên lên án và coi là cuộc diễn tập xâm lược.

* Belarus và Ba Lan tranh cãi về vụ trực thăng vi phạm không phận

Ngày 2/9, Reuters cho biết Belarus đã cáo buộc Ba Lan vi phạm biên giới, sau khi một trực thăng quân sự được cho là đã bay vào lãnh thổ nước này vào ngày 31/8.

 

Hình ảnh do Belarus công bố, cáo buộc chiếc Mi-24 của Ba Lan vượt qua biên giới nước này. Nguồn: Hindustan Times.

Theo đó, Ủy ban Biên giới Nhà nước Belarus cho biết, chiếc Mi-24 của Ba Lan đã vượt qua biên giới Belarus “ở độ cao cực thấp, bay khoảng 1.200m vào sâu lãnh thổ Belarus trước khi đổi hướng quay lại”.

Phía Belarus đã công bố một đoạn clip ngắn được cho là ghi lại khoảnh khắc chiếc trực thăng vượt qua biên giới giữa Belarus và Ba Lan khi đang quay lại không phận Ba Lan. Trong một tuyên bố được hãng thông tấn chính thức BelTA của Belarus trích dẫn, Bộ Ngoại giao Belarus cho biết họ đã triệu tập đại biện lâm thời Ba Lan và yêu cầu một cuộc điều tra.

Tuy nhiên, Trung tá Jacek Goryszewski, người phát ngôn Bộ chỉ huy tác chiến của lực lượng vũ trang Ba Lan, đã phủ nhận bất kỳ sự cố nào như vậy và cho rằng đây là sự khiêu khích từ phía Belarus.

* Airbus, KAI bắt đầu sản xuất trực thăng vũ trang hạng nhẹ cho quân đội Hàn Quốc

Theo Defense News, Airbus Helicopters và Korea Aerospace Industries (KAI) đã bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay trực thăng vũ trang hạng nhẹ (LAH) mà hai bên phát triển chung.

 

Theo Korea Herald, Hàn Quốc đã ký kết hợp đồng trị giá 302 tỷ won, tương đương 229 triệu USD, sản xuất lô trực thăng LAH đầu tiên nhưng không nêu số lượng cụ thể.

Quân sự thế giới hôm nay (3-9): Tên lửa hạt nhân “bất bại” Sarmat bắt đầu báo động trực chiến
Máy bay trực thăng vũ trang hạng nhẹ (LAH), do KAI phát triển cho Quân đội Hàn Quốc. Ảnh: Defense News

Trực thăng LAH, dựa trên nền tảng Airbus H155, sẽ thay thế các phi đội trực thăng AH-1S Cobra và MD 500 đã lỗi thời của lực lượng vũ trang Hàn Quốc. KAI sẽ sản xuất máy bay tại cơ sở của mình ở Sacheon, Hàn Quốc, trong khi Airbus Helicopters chịu trách nhiệm cung cấp các thiết bị cần thiết phục vụ quá trình sản xuất hàng loạt.

Theo người phát ngôn của Airbus, Belinda Ng, 10 chiếc trực thăng đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Quân đội Hàn Quốc vào tháng 12/2024, trong khi các đơn đặt hàng tiếp theo sẽ hoàn thành trong thập kỷ tới.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm