Quốc tế

Quân sự thế giới hôm nay (9/9): Armenia cáo buộc Azerbaijan huy động quân đội ở khu vực biên giới

Quân sự thế giới hôm nay (9/9/2023) có những nội dung sau: Mỹ giải thích lý do luân chuyển binh sĩ ở Niger; Armenia cáo buộc Azerbaijan huy động quân đội ở khu vực biên giới,...

Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 6/9 / Quân sự thế giới hôm nay (7/9): Không quân Mỹ thử tên lửa Minuteman III

* Mỹ giải thích lý do luân chuyển binh sĩ ở Niger

Trên trang chủ của mình, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo rằng các lực lượng Mỹ đóng tại Niger đang chuyển từ Căn cứ không quân số 101 gần thủ đô Niamey sang Căn cứ không quân số 201 ở Agadez, miền trung quốc gia Tây Phi này.

Quân sự thế giới hôm nay (9-9): Armenia cáo buộc Azerbaijan huy động quân đội ở khu vực biên giới
Binh sĩ Mỹ tại Căn cứ không quân số 201 ở Agadez, Niger. Ảnh: Air Force Reserve Command

The Hill dẫn lời Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh nêu rõ trong cuộc họp báo rằng, động thái trên chỉ đơn giản là một biện pháp phòng ngừa. “Không có mối đe dọa nào đối với quân đội Mỹ và không có mối đe dọa bạo lực trên thực địa... Thế trận lực lượng của chúng tôi không thay đổi”, bà Singh cho biết thêm.

Trong khi đó, phía Lầu Năm Góc cũng xác nhận rằng, Mỹ đã rút “một số nhân viên không cần thiết và nhà thầu quân sự khỏi Niger” và chỉ một số ít binh sĩ Mỹ ở lại Căn cứ không quân số 101 ở Niamey. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc sẽ có bao nhiêu quân nhân Mỹ thuộc diện “không cần thiết” sẽ rời Niger, thì vị quan chức trên từ chối trả lời. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định việc tái bố trí lực lượng của Mỹ ở Niger “không liên quan” đến việc quân đội Pháp chuẩn bị rút một phần khỏi quốc gia Tây Phi này.

Trước đây, binh sĩ Mỹ tại Niger có sứ mệnh giúp lực lượng nước này chống khủng bố và xây dựng năng lực quân sự, nhưng tất cả sứ mệnh đó buộc phải dừng lại sau cuộc đảo chính quân sự ở Niger mới đây.

Mặc dù không ủng hộ quân đội tiếp quản quyền lực từ một nhà lãnh đạo hoặc chính phủ được bầu cử dân chủ, song chính quyền Washington tới nay vẫn không coi việc chính quyền quân sự Niger bắt giữ Tổng thống Mohamed Bazoum là một cuộc binh biến. Thay vào đó, Mỹ vẫn muốn thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao bởi các căn cứ ở Niger đóng vai trò quan trọng đối với quân đội xứ cờ hoa nhằm thực hiện nhiều nhiệm vụ trinh sát, theo dõi và thu thập thông tin tình báo về những điểm nóng trong khu vực Tây Phi.

* Armenia cáo buộc Azerbaijan huy động quân đội ở khu vực biên giới

 

DW đưa tin, Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia “tố” Azerbaijan đã tập trung lực lượng dọc theo khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh và ở biên giới với Armenia trong vài ngày qua. Cùng lúc, phía Armenia nhận định Azerbaijan đang “có ý định thực hiện một hành động khiêu khích quân sự mới” ở Nagorno-Karabakh.

Quân sự thế giới hôm nay (9-9): Armenia cáo buộc Azerbaijan huy động quân đội ở khu vực biên giới
Armenia cáo buộc Azerbaijan huy động quân đội ở khu vực biên giới. Ảnh minh họa: The National

Bộ Ngoại giao Azerbaijan đã phản đối những tuyên bố này, đồng thời yêu cầu Armenia phải từ bỏ các yêu sách đối với lãnh thổ của Azerbaijan, chấm dứt các hành động khiêu khích quân sự-chính trị và ngừng tạo ra trở ngại cho tiến trình hòa bình.

Armenia và Azerbaijan gần đây đã xảy ra xung đột vào năm 2020, liên quan tới vùng đất Nagorno-Karabakh, nơi có đa số người Armenia sinh sống. Lệnh ngừng bắn năm đó đã dẫn đến việc Azerbaijan giành lại lãnh thổ trong khu vực.

Ở một diễn biến liên quan, chính phủ Armenia cho biết, họ sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ từ ngày 11 đến 20/9.

* Những tính năng đặc biệt của lưới ngụy trang Barracuda

 

Defense News cho biết, nhà thầu quốc phòng Saab của Thụy Điển vừa giới thiệu công nghệ mới mang tên Bề mặt chọn lọc tần số màn hình ngụy trang siêu nhẹ (ULCAS-FSS) dành cho lưới ngụy trang công nghệ cao Barracuda.

Quân sự thế giới hôm nay (9-9): Armenia cáo buộc Azerbaijan huy động quân đội ở khu vực biên giới
Lưới ngụy trang Barracuda sẽ có thêm tính năng đặc biệt mới. Ảnh: EDR Magazine

Lưới ngụy trang Barracuda có bề ngoài dạng lưới vải đặc biệt, với khả năng hấp thụ bức xạ nhiệt của các xe bọc thép và có khả năng “tàng hình”, không phản xạ tia radar. Vì vậy hình ảnh xuất hiện trước radar hay các hệ thống theo dõi của đối phương rất mờ và thậm chí không nhìn thấy.

Tuy nhiên, biện pháp bảo vệ này cũng là “con dao hai lưỡi” vì tín hiệu liên lạc và tín hiệu GPS không thể xuyên qua lớp lưới ngụy trang, buộc binh lính phải rời khỏi khu vực ẩn nấp để thực hiện một số nhiệm vụ liên lạc nhất định hoặc phải để lộ ăng-ten ra ngoài phương tiện để gửi và nhận thông tin. Điều này khiến họ dễ bị bộc lộ trước các cảm biến trinh sát và quan sát của đối phương, từ đó gây mất an toàn đến người và phương tiện.

Đoạn video về lưới ngụy trangBarracuda. Nguồn: Saab

Theo công bố ban đầu của Saab, ULCAS-FSS được làm từ vật liệu đặc biệt, hoạt động như một bộ lọc để cho phép các tần số vô tuyến nhất định có thể “đi xuyên qua” lưới ngụy trang, đồng thời còn tăng cường khả năng “tàng hình” trước radar đối phương.

ULCAS-FSS sẽ được ra mắt lần đầu tiên tại Triển lãm quốc phòng DSEI ở London, diễn ra từ ngày 12 đến 15/9, sau đó sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm