Quốc tế

Rộ tin em và chú của thái tử Salman mưu đồ đảo chính: Điều gì xảy ra trong "trò chơi vương quyền" ở Saudi?

Nhiều hãng truyền thông phương Tây báo cáo 3 thành viên cấp cao của hoàng gia Saudi Arabia đã bị bắt giữ vào hôm thứ Sáu, 6/3.

Đô đốc Ukraine phàn nàn vì Kalibr tràn ngập Biển Đen / Tổng thống Putin "cao tay": Tàu chiến, máy bay Nga đã dập tắt "những cái đầu nóng" ở Thổ Nhĩ Kỳ

Reuters và New York Times dẫn các nguồn tin cho biết, hai thành viên cấp cao của gia đình hoàng gia Saudi Arabia, gồm hoàng tử Ahmed bin Abdulaziz - em trai của Quốc vương Salman - và Mohammed bin Nayef, cháu của Quốc vương, người bị phế truất khỏi ngôi vị Thái tử vào năm 2017.

Hoàng tử Nawaf bin Nayef, em trai hoàng tử Mohammed bin Nayef, được cho là cũng bị bắt giữ.

Các nguồn tin của Reuters tiết lộ các nhân vật cấp cao của hoàng gia bị Thái tử Mohammed bin Salman cáo buộc mưu phản, cụ thể là "liên hệ với các thế lực nước ngoài, bao gồm Mỹ và các bên khác, nhằm tiến hành đảo chính".

"Trò chơi vương quyền" ở Saudi

Theo RT (Nga), không dễ dàng để có thể xác minh được báo cáo liên quan đến cung đình Saudi Arabia vốn có nhiều bí mật. Tuy vậy, trong khi thông tin về các vụ bắt giữ cấp cao hồi tuần qua không được Riyadh lên tiếng xác nhận, đây không phải là trường hợp đầu tiên tình huống này diễn ra.

Thái tử bin Salman, thường được gọi là MBS, đã từng bước củng cố địa vị trong danh sách kế vị ngai vàng từ năm 2017, sau vụ thái tử bin Nayef bị phế truất. MB được cho là nhà quyết sách trên thực tế hiện nay tại Saudi Arabia trong nhiều vấn đề quan trọng.

Sau khi giành được ngôi vị quyền lực, thái tử 34 tuổi đã khởi động chiến dịch chống tham nhũng khiến hàng loạt thành viên cao cấp của hoàng gia cùng các doanh nhân tầm cỡ của Saudi bị "giam lỏng" nhiều ngày tại khách sạn 5 saoRitz Carlton ở thủ đô Riyadh.

RT cho hay, nhiều nhân vật đã được trả tự do sau khi hoàn trả cho vương quốc số tiền hàng tỉ USD bị cáo buộc chiếm dụng.

Rộ tin em và chú của thái tử Salman mưu đồ đảo chính: Điều gì xảy ra trong trò chơi vương quyền ở Saudi? - Ảnh 2.

Quốc vương Salman của Saudi Arabia trò chuyện với hoàng tử Mohammed Bin Nayef (Ảnh tư liệu: Algaloud/Courtesy of Saudi Royal Court via REUTERS)

Có hay không sự can thiệp của "nước ngoài"?

Giống như nhiều vương triều ở vùng Vịnh, Saudi Arabia cũng chứng kiến không ít những biến động cung đình, bao gồm sự kiện năm 2017 đưa MBS tới vị trí Thái tử. Tuy nhiên, vai trò của Mỹ trong những diễn biến tại Saudi vẫn là một câu hỏi mở - theo nhà phân tích khu vực Trung Đông thuộc Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga (RIAC), ông Ruslan Mamedov.

Theo ông Mamedov, "người Mỹ" như được đề cập trong báo cáo của Reuters cũng có những phe phái và nghị trình riêng của họ, tương tự như hoàng gia Saudi.

"Thái tử MBS và cha mình có mối liên hệ mật thiết với những người [Mỹ] đã đi lên nắm quyền lực cùng với chính quyền [tổng thống Mỹ Donald] Trump," Mamedov nói với RT.

Có nhiều giả thuyết về những thế lực tại Mỹ có thể can thiệp vào tình hình các nước, như Lầu Năm Góc và Bộ chỉ huy trung tâm (CENTCOM), Cơ quan tình báo trung ương (CIA), hay thậm chí là đảng Dân chủ. Mamedov cho rằng các đối thủ của ông Trump tại Mỹ có thể nhìn nhận kế hoạch chống lại thái tử Saudi như một cách thức nhằm gián tiếp đánh bại Trump để giành vị trí tổng thống, trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ sẽ diễn ra sau 8 tháng nữa.

 

"Có rất nhiều không gian để suy đoán bởi chúng ta chỉ có những báo cáo nguồn tin mở về vấn đề này," ông bình luận. "Điều có thể chắc chắn là đã có bất đồng bên trong giới tinh hoa của Saudi và hệ quả là sự tái phân chia của cải và quyền lực giữa các phe phái... Thái tử MBS đã củng cố được quyền lực và có lẽ ai đó không hài lòng với điều này."

Trong khi đó, chuyên gia Sergey Balmasov từ Viện nghiên cứu Cận Đông tại Moskva (Nga) nhận xét, những nghi vấn về sự can thiệp của nước ngoài đối với sự vụ hoàng gia Saudi có thể chỉ là một cái cớ.

Balmasov chỉ ra, Mỹ có ảnh hưởng lớn đối với quân đội và tình báo Saudi Arabia nhờ nhiều thập kỷ hỗ trợ Riyadh trong hoạt động đào tạo, huấn luyện. Ông tin rằng nếu Mỹ là bên thực sự có ý đồ tác động để tạo ra thay đổi trong vương triều Saudi thì "lúc này có thể một người khác đã ngồi trong cung điện".

"Nếu Mỹ thực sự cần điều đó thì một cuộc đảo chính không đổ máu đã diễn ra rồi, và tôi tin chắc là nhiều người Mỹ thậm chí còn không để ý đến nó," chuyên gia Nga nói.

Boris Dolgov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Ả Rập và Hồi giáo của Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng ngay cả khi thái tử MBS bị đánh giá là đứng sau những quyết định không sáng suốt - như phát động cuộc chiến hao tổn ở Yemen hay vướng vào mâu thuẫn ngoại giao với Qatar, ông vẫn là một nhân vật đầy quyền lực tại quê nhà và "thay thế" MBS là điều rất khó.

 

"Hãy chờ xem các hoàng tử có bị buộc tội chính thức hay không và buộc tội gì," Dolgov trả lời RT. "Saudi có những đạo luật nghiêm khắc, nhưng tôi không nghĩ rằng các thành viên hoàng tộc sẽ hứng chịu hoàn toàn sức nặng của luật pháp."

Rộ tin em và chú của thái tử Salman mưu đồ đảo chính: Điều gì xảy ra trong trò chơi vương quyền ở Saudi? - Ảnh 3.

Saudi Arabia công bố hình ảnh Quốc vương Salman đọc tài liệu trong buổi đón tiếp các đại sứ mới bổ nhiệm đến nước này, ngày 8/3/2020 (Ảnh: AP)

Lời cảnh cáo đến các thế lực chống lại thái tử

Nguồn tin ẩn danh của hãng AP (Mỹ) tiết lộ, vụ bắt giữ tuần qua là một thông điệp cảnh báo gửi đến những thành viên hoàng tộc còn có thái độ bất mãn, rằng: Nếu hoàng tử Ahmed có thể bị bắt giữ thì bất kỳ hoàng tử nào cũng có thể bị bắt.

Hoàng tử Ahmed bin Abdulaziz, chú của thái tử MBS, được xem là nhân vật mà những người không mong muốn thái tử lên nắm ngai vàng có thể hướng đến - nguồn tin nói với AP.

 

Hoàng tử Ahmed cũng được đánh giá là có những lập trường bất đồng với thái tử. Một video lan truyền năm 2018 cho thấy ông xuất hiện trước người biểu tình ở London năm và lên tiếng chỉ trích Quốc vương cùng thái tử về cuộc chiến ở Yemen.

Thái tử MBS đã đạt được thành công trong vài năm ngắn ngủi và gạt bỏ được sự cạnh tranh của nhiều thành viên hoàng gia lớn tuổi, cũng như giàu kinh nghiệm hơn ông. Ông cũng đã tiến hành cuộc cải tổ quy mô đối với các cơ quan an ninh của nước này.

Theo AP, cựu thái tử Mohammed bin Nayef được cho là nhận được sự tin cậy từ giới chức tình báo Mỹ nhờ quan hệ hợp tác trong cuộc chiến chống lại tổ chức al-Qaeda những năm trước. Trong vai trò Bộ trưởng nội vụ, ông bin Nayef từng là nhân vật được nể sợ trong nước, nhưng đã bị tước quyền lực và bị giám sát chặt chẽ sau khi mất vị trí thái tử 3 năm trước.

Dù sự ủng hộ của Quốc vương Saudi đối với con trai mình được nhận định là vững chắc, hoàng tử Ahmed và bin Nayef vẫn được xem là nằm trong số "chướng ngại" còn sót lại trên con đường tới ngai vàng gần như chắc chắn của thái tử.

Trong khi thông tin về các vụ bắt giữ làm dấy lên đồn đoán về sức khỏe của Quốc vương Salman, hãng thông tấn Saudi Press Agency ngày 8/3 đã công bố hình ảnh nhà vua chủ trì nghi thức nhậm chức của các đại sứ mới được bổ nhiệm của Ukraine và Uruguay tại Saudi.

 

Theo báo The Guardian (Anh), động thái trên diễn ra sau khi các hoàng tử bị bắt giữ đã được trả tự do vào cuối ngày 8/3. Một nguồn tin của tờ này nói rằng các hoàng tử đã bị các trợ lý của tòa án triều đình thẩm vấn kể từ khi bị đưa đi khỏi nhà.

Cũng theo Guardian, các quan chức Saudi (giấu tên) nói Quốc vương là người đã đích thân ký lệnh bắt giữ - một động thái hiếm thấy nhằm vào những nhân vật hoàng gia cấp cao.

Trang Middle East Eye ngày 8/3 dẫn các nguồn tin, cho rằng vụ bắt giữ mới đây có thể nhằm giúp quá trình chuyển giao quyền lực tại Saudi cho thái tử MBS diễn ra suôn sẻ hơn, trong bối cảnh hội nghị cấp cao G20 sẽ được tổ chức tại Riyadh vào tháng 11 năm nay.

Các nguồn tin còn hé lộ, MBS lo ngại tổng thống Mỹ Donald Trump có khả năng không tái đắc cử, còn tất cả ứng cử viên từ phe Dân chủ hiện nay đề có thái độ không thân thiện đối với ông.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm