Số phận lênh đênh của Su-27 sau khi Liên Xô tan rã
Ukraine 'bất lực' khi vũ khí viện trợ sắp đến hạn bảo trì, Mỹ vẫn bỏ ngỏ / Tổng thư ký NATO: Ukraine được phép dùng F-16 tấn công lãnh thổ Nga
Sau khi Liên Xô tan rã vào tháng 12/1991, quân đội Mỹ đã tiếp cận được nhiều loại công nghệ vũ khí có độ nhạy cảm cao của Liên Xô thông qua việc mua lại từ các quốc gia kế thừa mới độc lập. Quá trình này đã bắt đầu từ năm 1989, sau khi Khối Hiệp ước Warsaw tan rã, nhằm đảo ngược kỹ thuật để thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa các hệ thống vũ khí của Mỹ và các hệ thống vũ khí của Liên Xô.
Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là sự phát triển của tên lửa không đối không AIM-9X với khả năng nhắm mục tiêu ở tầm xa, tấn công mục tiêu ở những góc cực cao bằng cách sử dụng tín hiệu từ ống ngắm gắn trên mũ bảo hiểm của phi công - một khả năng mà chỉ tên lửa R-73 của Liên Xô được triển khai bởi máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 khi đó có.
Mặc dù những chiếc MiG-29 mà Không quân Mỹ đối mặt ở Iraq năm 1991 không có tên lửa R-73, nhưng những chiếc được bố trí ở Đông Đức đã có. Do đó, R-73 đã được các chuyên gia Mỹ nghiên cứu kỹ lưỡng giúp phát triển tên lửa AIM-9X.
Su-27 của Không quân Ukraine.
Kế hoạch của Mỹ
Sau khi Liên Xô giải thể, các máy bay chiến đấu hàng đầu của họ như MiG-29 và Su-27 đã được mua lại vào những năm 1990 từ các quốc gia kế thừa là Moldova và Belarus để thử nghiệm và huấn luyện ở Mỹ.
Mục đích thứ yếu của việc mua lại máy bay từ Moldova là làm hỏng thương vụ Iran mua MiG-29 từ quốc gia này. Iran khi đó cũng đang sở hữu những chiếc MiG-29 từ Liên Xô và đang tìm cách mở rộng hơn nữa đội bay của mình, nhưng kế hoạch này đã bị phá sản khi Washington gây áp lực thành công với Moskva để ngừng bán thêm.
Việc Belarus bán hai chiếc Su-27 cho Mỹ là một phần trong kế hoạch của nước này, nhằm loại bỏ các tài sản tác chiến trên không mà nước này không còn đủ khả năng để duy trì. Ngoài Su-27, Belarus cũng phải loại bỏ cả những chiếc MiG-25BM, còn những chiếc máy bay chiến đấu tấn công Su-24M cũng bị đưa vào kho và một phần sau đó phải bán cho Sudan.
Su-27 vẫn được Belarus sử dụng nhưng đã phải ngừng hoạt động vào năm 2012 do chi phí vận hành quá cao, khiến không quân nước này phải dựa vào những chiếc MiG-29 kém năng lực hơn để phòng không.
Máy bay chiến đấu Su-30SM của Không quân Nga (trên cùng) và Su-35.
Sau khi mua hai chiếc Su-27 của Belarus, Mỹ đã chuyển chúng tới Khu vực 51 cho mục đích thử nghiệm. Công ty tư nhân Terralliance Technologies cũng đã tìm cách mua lại những chiếc Su-27 để tái sử dụng chúng cho mục đích thăm dò dầu khí.
Công ty này đề ra mục tiêu tìm kiếm và thăm dò dầu khí trên toàn cầu, vì vậy họ cần một chiếc máy bay tầm xa phù hợp cho việc lập bản đồ và có thể chứa được các cảm biến lớn.
Su-27 khi đó có tầm bay xa và có khả năng mang bộ cảm biến lớn hơn so với bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác của các nước phương Tây. Ngoài ra, sự sẵn có của Su-27 cũng được cho là một yếu tố để công ty Terralliance Technologies lựa chọn, bởi Ukraine khi đó đang sở hữu hơn 70 khung máy bay.
Hai chiếc Su-27 của Ukraine được mua cho mục đích này với giá chỉ 22 triệu USD, sau đó được tháo rời và sửa đổi để tích hợp hệ thống điện tử hàng không của phương Tây.
Su-27 sau khi Liên Xô tan rã
Những chiếc Su-27 bắt đầu được đưa vào sử dụng trong Lực lượng Vũ trang Liên Xô từ năm 1984 và nhiều lô sản xuất được tạo ra tại Ukraine, những chiếc Su-27 được bán cho công ty Terralliance Technologies đều được chế tạo vào năm 1988 và là hai trong số những mẫu mới nhất trong kho của Ukraine.
Máy bay chiến đấu Su-27 cũng đã được Nga xuất khẩu rộng rãi trong những năm 1990, với hơn 100 chiếc sang Trung Quốc và một số chiếc sang Việt Nam, Ethiopia và Eritrea. Nhưng đến những năm 2000, sự ra đời của máy bay chiến đấu Su-30 mới hơn, với chi phí vận hành thấp hơn và hiệu quả hơn đã khiến Su-27 dần bị lãng quên.
Máy bay Su-27 được sửa đổi của công ty Terralliance.
Đối với Ukraine, những chiếc Su-27 mà nước này được kế thừa từ Liên Xô cũng không thực sự cần thiết, bởi ngân sách quốc phòng hạn chế và mối quan hệ với cả Nga và phương Tây vẫn tích cực vào thời điểm đó.
Đến năm 2009, năm mà những chiếc Su-27 được Terralliance đưa vào thử nghiệm chuyến bay đầu tiên sau khi sửa đổi, tuy nhiên công ty này đã hết kinh phí và những chiếc máy bay này chưa bao giờ được sử dụng để thăm dò dầu khí, chúng sau đó được bán cho chính phủ Mỹ.
Các máy bay chiến đấu Su-27 của Terralliance sau đó được vận hành bởi Công ty Hỗ trợ Không quân Chiến thuật, công ty cung cấp các dịch vụ hàng không đối phương theo hợp đồng cho quân đội Mỹ.
Su-27 và các biến thể của nó là Su-30 và J-11 của Trung Quốc vào thời điểm đó là trụ cột cho phi đội của tất cả các lực lượng không quân hàng đầu nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của phương Tây, bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Algeria...
Mặc dù dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Su-27 được kỳ vọng sẽ được thay thế từ đầu những năm 2000 bởi máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không thế hệ thứ năm MiG-1.42, nhưng sự suy thoái của nền kinh tế và lĩnh vực công nghệ Nga trong những năm 1990 đã ngăn cản điều này trở thành hiện thực, khiến chương trình này phải chấm dứt vào năm 2001 sau nhiều năm trì hoãn.
Su-27 của Ukraine và MiG-29 của Moldova tại Bảo tàng Không quân Mỹ.
Su-27 hết thời?
Bốn mươi năm sau khi Su-27 lần đầu tiên được đưa vào sử dụng, Không quân Nga ngày nay vẫn tiếp tục dựa vào các biến thể hiện đại hơn của Su-27 để duy trì khả năng chiến đấu của mình, với ba mẫu riêng biệt là Su-30, Su-34 và Su-35.
Tuy nhiên, dòng Su-27 đã không còn là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ như những năm 2000, bởi các phi đội của Trung Quốc hiện nay đã được thay thế bởi các máy bay chiến đấu hạng nặng thế hệ thứ năm J-20 tiên tiến hơn.
Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc và một số khách hàng xuất khẩu chuẩn bị bắt đầu vận hành FC-31 - thiết kế thế hệ thứ năm có trọng lượng trung bình và cũng được coi là vượt trội hơn nhiều so với bất kỳ phiên bản Su-27 nào.
Kết quả là nhu cầu sử dụng Su-27 ngày càng hạn chế cho vai trò huấn luyện đã khiến những chiếc Su-27 cũ của Không quân Ukraine bị đưa về Phòng trưng bày Chiến tranh Lạnh tại bảo tàng ở Căn cứ Không quân Wright-Patterson vào năm 2023.
End of content
Không có tin nào tiếp theo