SPEAR 3 - Cuộc “tiểu cách mạng” có khả năng thay đổi cuộc chơi
Xác tên lửa vác vai hiện đại của Nga được tìm thấy ở Syria / Hé lộ tên lửa mới “bí ẩn” của Trung Quốc khiến Mỹ dè chừng
Tên lửa không đối đất SPEAR 3
Nhằm đổi mới kho vũ khí của các máy bay chiến đấu, từ năm 2005, Không quân Hoàng gia Anh đã khởi động chương trình mang tên Selected Precision Effects at Range - SPEAR (tạm dịch là Hiệu ứng Chính xác Chọn lọc Tầm xa), với sự tham gia của nhiều cơ quan nghiên cứu và công ty. Một trong năm nội dung chương trình SPEAR là phát triển một tên lửa dẫn đường không đối đất mới tích hợp đầu điều khiển đa chế độ, có tầm bắn không dưới 100km, ký hiệu SPEAR Capability 3.
Năm 2010, Bộ Quốc phòng Anh và Tập đoàn MBDA (công ty cổ phần của Tập đoàn Airbus (37,5%), BAE Systems (37,5%) và Leonardo - Finmeccanica đồng nắm giữ (25%)) đã ký kết một số hợp đồng về phát triển các loại vũ khí khác nhau, một trong số đó là tên lửa không đối đất SPEAR Cap. 3. Việc thiết kế SPEAR 3 tiếp tục cho đến năm 2015, sau đó là lắp ráp tên lửa để thử nghiệm. SPEAR 3 là vũ khí không quân được thiết kế để tấn công các mục tiêu mặt đất, cố định và di động (xe tăng và xe bọc thép, bệ phóng tên lửa, boongke, đài radar và khẩu đội phòng không), và trong tương lai, có thể là tên lửa chống hạm (tàu chiến) …
SPEAR 3 có thân hình trụ dài 1,8m, đường kính 180mm, khối lượng dưới 100kg, sử dụng động cơ tuốc bin phản lực TJ-150-3, có tốc độ bay cận âm (nhưng không được tiết lộ); theo một số ước tính, có thể đạt được tầm bắn 140-150km. Các cửa hút gió nằm ở hai bên thân tên lửa và không có phần nhô ra; ở đuôi có ba cánh lái; bộ phận che đầu được chế tạo từ vật liệu trong suốt để đảm bảo hoạt động của đầu tìm kiếm kết hợp, sử dụng cả ngày lẫn đêm. Ngòi nổ tên lửa có thể được lập trình theo một số tùy chọn để tác động đến mục tiêu.
Ngoài ra, có thể gắn phần chiến đấu có sức công phá lớn hơn so với đầu đạn phân mảnh thông thường nhưng giảm thiệt hại tài sản xung quanh mục tiêu. Được dẫn đường bởi một hệ tìm kiếm đa chế độ (dùng sóng milimet và thiết bị tìm kiếm laser bán tích cực), theo nguyên lý quán tính ING hoặc hệ định vị toàn cầu GPS và liên kết dữ liệu, SPEAR 3 có thể thực hiện các đòn tấn công độc lập với độ chính xác cao. SPEAR 3 có thể sử dụng nguyên lý "bắn và quên" hoặc trao đổi dữ liệu liên tục, bao gồm tính năng nhắm mục tiêu lại trong khi bay.
MBDA và Không quân Hoàng gia tổ chức lần phóng thử đầu tiên vào tháng 3/2016 từ máy bay chiến đấu Eurofighter, tuy nhiên, tháng 5/2016, giới chức Anh đã quyết định tên lửa SPEAR 3 chỉ sử dụng từ máy bay tiêm kích-ném bom F-35B. Tiếp theo hợp đồng phát triển vũ khí trị giá 150 triệu bảng vào năm 2016 là hợp đồng 411 triệu bảng vào năm 2019 để tích hợp SPEAR 3 lên F-35. Đầu năm 2021, hợp đồng sản xuất và trình diễn trị giá 550 triệu bảng Anh (tương đương 750 triệu USD) đã được ký kết, theo đó, MBDA sẽ đưa SPEAR 3 vào hoạt động từ F-35 vào năm 2025.
Theo MBDA, hợp đồng hỗ trợ hơn 700 việc làm tại Anh, bao gồm việc tạo ra 190 đầu việc công nghệ có tay nghề cao trong thiết kế hệ thống, điều khiển hướng dẫn và điều hướng và kỹ thuật phần mềm này, sẽ bắt đầu trong vòng 18 tháng. Thời gian bắt đầu giao hàng dự kiến vào năm 2023. SPEAR 3 sẽ đạt được Khả năng hoạt động ban đầu (IOC) như là vũ khí không đối đất chính của F-35B Không quân và Hải quân Hoàng gia trong vòng bảy năm tới. Hợp đồng giúp tiết kiệm 1,2 tỷ bảng Anh cho nền quốc phòng Anh, cho phép tối đa hóa tiềm năng xuất khẩu các loại vũ khí tiên tiến, bao gồm SPEAR 3.
Các phương án tiềm năng khác
Trên cơ sở SPEAR 3, có thể tạo ra các sản phẩm khác, ví dụ, tên lửa gây nhiễu SPEAR-EW- thay vì một đầu đạn và một đầu dò thông thường, nó nên mang theo một trạm tác chiến điện tử Britecloud cho các nhiệm vụ tác chiến điện tử (EW) và Chế áp/Tiêu diệt Phòng thủ Đường không của Kẻ thù (SEAD/DEAD). Khối lượng dư dôi được dùng để nạp nhiên liệu, tăng tầm bay gấp hai lần. Biến thể này được công bố lần đầu vào năm 2019 và đang được MBDA hợp tác với Leonardo phát triển, sẽ tích hợp EW thu nhỏ với bộ nhớ tần số vô tuyến kỹ thuật số (DRFM).
DRFM được coi là một trong những công nghệ phát hiện và gây nhiễu điện tử tiên tiến nhất hiện nay, có khả năng gây nhiễu nhằm tăng khả năng sống sót của thiết bị phóng và cung cấp khả năng SEAD. Mạng cho phép SPEAR 3 sử dụng trọng tải DRFM theo bầy để bão hòa hệ thống phòng không Chống Tiếp cận/Từ chối Khu vực (A2AD). SPEAR-EW là một khả năng mới mang tính cách mạng, cùng với SPEAR3, đánh dấu sự thay đổi cơ bản về khả năng thực hiện nhiệm vụ của không quân trước các hệ thống phòng không đối phương.
SPEAR-EW có thể được phóng ở tầm xa hoặc bay qua một khu vực, thực hiện công việc của nó như một thiết bị gây nhiễu dự phòng hoặc một mồi nhử để phóng qua vùng trời đang tranh chấp hoặc cho phép máy bay xác định vị trí phòng không của đối phương và thực hiện SEAD/DEAD. Việc bổ sung SPEAR-EW vào dòng các tên lửa tấn công SPEAR hiện có sẽ tăng đáng kể khả năng và lực lượng mà không cần lặp lại việc nghiên cứu và tích hợp nền tảng.
Tên lửa cũng có thể biến thành bom lượn có điều khiển SPEAR-Glide bằng cách loại bỏ động cơ và sửa đổi thiết bị điện tử điều khiển. Phần thể tích dôi ra có thể được sử dụng để tăng khối lượng chất nổ nhằm tăng khả năng công phá mục tiêu. MBDA cũng đề xuất chế tạo tên lửa cho hạm đội - phiên bản được phóng từ một bệ phóng thẳng đứng đa năng để tấn công các mục tiêu trên mặt nước hoặc ven biển. Triển vọng nối mạng để sử dụng khả năng bầy đàn tên lửa SPEAR cũng đang được phát triển.
Hiện tại, SPEAR 3 chỉ được trang bị cho các tiêm kích-ném bom F-35B, đánh dấu một bước tiến quan trọng về sức mạnh tấn công của F-35B Anh. Nhưng nhiều khả năng SPEAR 3 cũng có thể được tích hợp cho máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon của Không quân Hoàng gia. Ngoài ra, có một yêu cầu đầy tham vọng là cả Ý và Đức - các đối tác của Anh trong chương trình Typhoon) đang thể hiện sự quan tâm đến vũ khí này. Eurofighter Typhoon, nó có thể mang tới 16 tên lửa loại này, trong khi F-35B có thể mang tới 8 quả trong khoang chứa vũ khí bên trong và các tên lửa xa hơn trên cánh.
F-35B được quan tâm nhiều hơn vì một số lý do - nó sẽ được sẽ trang bị cho đồng thời cả Hải quân và Không quân Hoàng gia Anh, bố trí SPEAR3 bên trong cho phép máy bay duy trì khả năng tàng hình; các hàng không mẫu hạm Prince of Wales và Queen Elizabeth, mỗi chiếc có thể chở tới 40 máy bay F-35B trên boong sẽ là một lực lượng rất đáng gờm. Với sự kết hợp độc đáo khả năng tàng hình, radar tiên tiến, công nghệ cảm biến và SPEAR3, F-35 sẽ bảo vệ tàu sân bay khỏi tàu chiến, tàu ngầm, máy bay và tên lửa của đối phương. Gần đây, người ta cũng đề cập, trong tương lai, tên lửa SPEAR 3 sẽ có thể được tích hợp cho máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo Tempest.
Một xu hướng phát triển mới của vũ khí được ghi nhận
Các thành tựu của phương Tây trong việc phát triển vũ khí hàng không một lần nữa chứng tỏ sự ra đời một xu hướng mới của vũ khí - thu nhỏ các phương tiện sát thương hàng không (миниатюризация авиационныx средств поражения - АСП - ASP). Tên lửa cồng kềnh đang dần trở thành dĩ vãng; đang được thay thế bằng vũ khí có khối lượng tương đối nhỏ của đầu đạn được bù lại bằng độ chính xác cao nhất. Cùng với một số lượng lớn đạn như vậy, chúng có thể giải quyết, nếu không nói là tất cả, rất nhiều nhiệm vụ mà không quân chiến đấu phải đảm nhận.
Cuộc xung đột Nagorno-Karabakh gián tiếp cho thấy không nhất thiết phải dùng bom hiệu chỉnh KAB-1500 (КАБ-1500) nặng hơn 1 tấn, hoặc tên lửa "khổng lồ" Kh-59 "Gadfly" (Х-59 «Овод») để giành chiến thắng. Loại bom nhỏ có dẫn đường chính xác cao của Mỹ GBU-53/B StormBreaker gần như là một vũ khí tuyệt vời với các khả năng tấn công các mục tiêu trên biển hoặc trên bộ ở khoảng cách xa và trong điều kiện thời tiết bất lợi. SPEAR3 có thể tạo cho các máy bay chiến đấu của NATO khả năng cao hơn nữa do tầm bay xa hơn và tăng tính linh hoạt khi sử dụng. Các ASP dù nhỏ cũng trở thành vũ khí gần như “chiến lược”, có khả năng quyết định kết cục của cuộc chiến.
End of content
Không có tin nào tiếp theo