Su-47 Berkut bất ngờ xuất hiện tại triển lãm MAKS 2019, dấu hiệu khôi phục dự án?
Nguyên mẫu thử nghiệm của tiêm kích tàng hình cánh ngược Su-47 Berkut đã bất ngờ được đưa tới khu trưng bày tĩnh trong khuôn khổ triển lãm hàng không quốc tế Moskva - MAKS 2019.
Tiêm kích tàng hình Su-57 sẽ được trang bị phiên bản mini của tên lửa Kh-47M2 Kinzhal / Tiêm kích bí ẩn MiG-144 tiếp tục "tái xuất" tại triển lãm hàng không MAKS 2019
Giới truyền thông quốc tế lúc này có lẽ đang liên tưởng tới lời nói của cựu Tư lệnh không quân Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev hồi năm 2017 rằng Sukhoi sẽ không bỏ qua thành tựu hiếm có thu được từ dự án Su-47.
“Dự án chưa được thực hiện đến cùng. Công việc không bị đình hoãn, lý thuyết đang được nghiên cứu, tôi nghĩ rằng với thời gian chúng ta sẽ trông thấy máy bay này”. Dự án Su-47 là “một bước tiến lớn”, ông Bondarev nói thêm.
Khi đó đã có nhiều ý kiến dự đoán rằng Nga có thể sớm tiếp tục công việc hoàn thiện chiếc tiêm kích tàng hình cánh ngược của mình, việc mang nó tới triển lãm MAKS 2019 liệu có phải chỉ dấu cho nhận định trên?
Theo một số nguồn công khai, Su-47 Berkut nguyên gốc là dự án tiêm kích trên hạm tiên tiến do viện thiết kế Sukhoi phát triển. Máy bay có cánh hình mũi tên ngược, kết cấu sử dụng nhiều vật liệu composite.
Ban đầu, thiết kế được phát triển như một mẫu tiêm kích với cánh hình mũi tên ngược cho không quân Liên Xô trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu ngành từ năm 1983, nhưng bị đóng lại vào năm 1988.
Sau đó, hải quân Liên Xô trở thành đơn vị đặt hàng dự án này. Sau khi Liên Xô sụp đổ và khủng hoảng ở Nga trong thập niên 1990, kinh phí nhà nước bị cắt và dự án được tiếp tục chỉ nhờ nguồn kinh phí của bản thân Sukhoi.
Máy bay đã được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm hàng không MAKS 1999 với tên gọi S-37 Berkut, sau đó tới triển lãm MAKS 2001 nó được đặt tên là Su-47 Berkut.
Thiết kế cánh ngược về phía trước mang lại rất nhiều lợi thế về lực nâng, cho khả năng cơ động cao, duy trì góc tấn lớn ở tốc độ rất thấp, quãng đường cất hạ cánh ngắn hơn. Thiết kế này từng được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ hàng không.
Tuy nhiên, chưa một mẫu máy bay cánh ngược nào được đi vào phục vụ như một chiến đấu cơ thực thụ, tất cả chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm công nghệ cho dù khái niệm này đã ra đời trên 70 năm.
Với kết cấu cánh ngược, luồng không khí hướng vào bên trong tạo ra mô men xoắn rất lớn tại góc chữ V giữa cánh và thân máy bay. Mô men xoắn này tạo ra lực đủ lớn để bẻ gãy cánh của máy bay khi bay ở tốc độ cao.
Đây chính là lý do lớn nhất giải thích tại sao không một thiết kế chiến đấu cơ cánh ngược nào được đưa vào sử dụng rộng rãi trong quân đội các nước trên thế giới.
Mặc dù sự ra đời của vật liệu composite với độ bền cơ học cao hơn rất nhiều lần nhưng vẫn không hoàn toàn loại bỏ được các nguy cơ tiềm ẩn xảy ra nứt hoặc gãy cánh khi bay ở tốc độ cao.
Mặt khác, thiết kế cánh ngược đòi hỏi kết cấu khung máy bay phải rất vững chắc để chịu được lực kéo của cánh máy bay, điều này khiến chi phí chế tạo tăng lên rất nhiều lần.
Chính vì vậy, cơ hội cho tiêm kích Su-47 tái xuất được các chuyên gia đánh giá không mang tính thực tế, việc người Nga mang nó tới triển lãm MAKS 2019 chỉ nhằm mục đích trưng bày đơn thuần mà thôi.
Theo Việt Dũng/An ninh Thủ đô
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo
Việc Bộ Quốc phòng Nga đưa nguyên mẫu thử nghiệm của "Đại bàng vàng" Su-47 Berkut từ kho lưu trữ tới khu trưng bày của triển lãm hàng không MAKS 2019 đã khiến giới quan sát cảm thấy rất bất ngờ.