Quốc tế

Sự chuyển đổi của các lực lượng vũ trang Đức: Thách thức và tác động

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine, quân đội Đức hướng tới việc tái tập trung vào bảo vệ lãnh thổ và an ninh tập thể, vốn được coi cốt lõi hoạt động trong nhiều thập kỷ.

Tháp pháo UT30MK2 của Israel có gì mới? / Uy lực radar đa nhiệm ELM-2084 của Israel

Chú thích ảnhXe tăng Leopard của quân đội Đức trong 1 cuộc tập trận. Ảnh: Bundeswehr

Theo báo cáo phân tích mới nhất có tiêu đề "Bước ngoặt: Sự thay đổi mô hình của quân đội Đức" của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) được công bố mới đây, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách quốc phòng của Đức. Sau ba mươi năm cắt giảm quân số, quân đội Đức nhận thấy mình ở mức năng lực cực kỳ thấp, đúng lúc một cuộc xung đột cường độ cao liên quan đến một cường quốc lần đầu tiên nổ ra ngay trước cửa ngõ châu Âu kể từ năm 1945.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận “bước ngoặt” trên bằng cách phát động một chương trình lớn nhằm tái trang bị cho các lực lượng vũ trang của Đức. Nhưng sự thay đổi này là một phần của xu hướng lâu dài hơn khởi nguồn sau hồi chuông cảnh tỉnh đầu tiên vào năm 2014, tiếp đó Đức bắt đầu xây dựng lại sức mạnh quân sự của mình một cách thăm dò.

Dưới áp lực của Mỹ trong việc chia sẻ gánh nặng quốc phòng, chính phủ mới nhậm chức vào năm 2021 đã đưa vào thỏa thuận liên minh một chiến lược an ninh quốc gia và tăng chi tiêu quân sự. Cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy những quyết định này, kết hợp giữa nhu cầu cấp thiết về cung cấp vũ khí với tốc độ dần dần của chương trình tái vũ trang dài hạn.

Để thực hiện kế hoạch tái vũ trang này, chính phủ của Thủ tướng Scholz đã thành lập một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro, được dành riêng hoàn toàn cho việc mua sắm trang thiết bị mới cho quân đội. Ngoài việc hiện đại hóa năng lực, quỹ trên được thành lập dựa trên tham vọng to lớn trong NATO. Liên minh Bắc Đại Tây Dương vẫn là khuôn khổ cơ bản cho quân đội Đức, cả ở cấp độ khái niệm và học thuyết.

Ngoài ra, sự chuyển đổi được củng cố bởi một mạng lưới hợp tác song phương mạnh mẽ. Đầu tiên và quan trọng nhất trong số này chắc chắn là với Mỹ. Mối quan hệ này được Berlin vun đắp một cách thận trọng bất chấp những căng thẳng gây ra bởi sự thất vọng của Mỹ trước những thiếu sót của Đức trong các vấn đề quốc phòng.

 

Tuy nhiên, quân đội Đức đang phải đối mặt với ba thách thức cơ cấu lớn. Đầu tiên là mức độ sẵn sàng chiến đấu thấp do những hạn chế về vấn đề bảo trì và quy trình triển khai không đầy đủ.

Vấn đề thứ hai liên quan đến nguồn nhân lực: mặc dù có kinh phí để đảm bảo cho hơn 20.000 nhân lực bổ sung, quân đội Đức không thể tuyển dụng và giữ chân nhân sự của mình. Quy mô dân số đang suy giảm của Đức và nhận thức về một lực lượng thiếu vốn và trang bị kém đã làm suy yếu đáng kể khả năng giữ chân các tân binh.

Thác thức thứ ba nằm ở vấn đề chiến lược khi các lực lượng vũ trang Đức vẫn đang nỗ lực để có thể đảm nhận các nhiệm vụ mới của một quân đội sẵn sàng can dự và tham chiến.

Tóm lại, với việc thành lập quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro, quân đội Đức được hưởng lợi từ một cơ hội chưa từng có, vừa trang bị cho mình các trang thiết bị hiện đại vừa khôi phục uy tín của mình đối với các đồng minh, chủ yếu là Mỹ. Nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, tính bền vững của quá trình chuyển đổi này vẫn còn bỏ ngỏ, xét đến sự biến động của dư luận và rủi ro của các vấn đề chính trị và nhu cầu đối với việc ổn định tài chính công.

Mục tiêu của Chính phủ Đức là biến quân đội nước này trở thành một lực lượng mạnh ở châu Âu, nhưng cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi cán cân sức mạnh trên lục địa này, ngay cả khi điều đó xảy ra trong khuôn khổ đa quốc gia và trên cơ sở hợp tác. Sự chuyển đổi của quân đội Đức cũng sẽ tác động nhất định đối với an ninh châu Âu và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm