Quốc tế

Sự hỗn loạn từ bên trong nước Mỹ

Chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ thời Tổng thống Donald Trump không phải là khó. Song, cũng rất dễ trở thành chủ quan và phiến diện nếu ta chỉ xem xét các vấn đề trong một giai đoạn ngắn ngủi.

Tại sao Nga thay thế máy bay vận tải ngang ngửa C-130 Mỹ? / Nga, Mỹ cần tránh chạy đua vũ trang không giới hạn

Bá quyền tự nhiên

Nước Mỹ đã chính thức trở thành siêu cường duy nhất của thế giới khi Liên Xô sụp đổ, tuy nhiên họ đã nắm giữ vai trò “sen đầm quốc tế” từ rất lâu trước đó. Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với tư cách là nước thắng trận đồng thời là nước thu lợi nhất về mặt kinh tế, việc nước Mỹ trở thành một trong hai cực quyền lực của thế giới là điều hiển nhiên.

Vị thế đó và cái khoảnh khắc được gọi là “khoảnh khắc đơn cực” khi Liên Xô sụp đổ đã xác lập bá quyền toàn cầu của Mỹ. Cái mà người ta vẫn gọi là "chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ" khiến phần lớn giới tinh hoa Mỹ nhận thức về bá quyền Mỹ như là một điều tự nhiên, một sứ mệnh được định trước.

Từ Triều Tiên, Việt Nam, Iraq cho đến Nam Tư, Mỹ đã đóng vai trò người giám sát thế giới của mình, đúng như những gì mà họ tin tưởng. Tuy nhiên, với sự vươn lên một cách tự nhiên của Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác, vị thế đó của nước Mỹ dần bị suy giảm.

Việc duy trì ngân sách quốc phòng khổng lồ, lớn hơn cả 5 quốc gia tiếp sau họ cộng lại, nước Mỹ tuy có được một uy thế chính trị toàn cầu nhưng cũng đồng thời tự đốt cháy số tiền đúng ra có thể được sử dụng cho việc đầu tư vào những lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng đã trở nên cũ kỹ, hệ thống phân phối thu nhập thiếu bền vững hay một hệ thống giáo dục, y tế đắt đỏ là những vấn đề nội tại của nước Mỹ. Có vẻ như chính Trung Quốc và các quốc gia khác lại mạnh tay đầu tư vào nhiều lĩnh vực có ích cho xã hội hơn, trong lúc Mỹ ưu tiên đầu tư vào việc xây dựng các liên minh địa chính trị và chuẩn bị đối phó với các nỗ lực thách thức vị thế bá chủ của họ.

Chính vì thế, họ cần một tổng thống như Donald Trump.

Tổng thống Donald Trump và nỗ lực đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Tổng thống Donald Trump và nỗ lực đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Vì sao ông Trump đắc cử?

Hãy nhớ, ông Donald Trump không phải là sự lựa chọn của giới tinh hoa Mỹ. Ông nhận được sự ủng hộ của đại chúng, những con người đang ngày ngày vật lộn với cuộc sống khó khăn và cần một người cho họ việc làm chứ không chỉ là sự an ủi. Đó chính là Donald Trump, một nhà kinh doanh thực dụng, một tỷ phú biết phải đầu tư tiền của mình vào đâu và làm thế nào kéo nền kinh tế Mỹ trở lại đà tăng trưởng.

Điều này thể hiện rõ ngay trong năm đầu cầm quyền, khi ông rút quân khỏi các khu vực, tập trung vào các thỏa thuận kinh tế và thậm chí có vẻ như bỏ quên thế giới. Nước Mỹ quay về giải quyết các vấn đề của mình và đã thu được kết quả. Giờ chúng ta thấy một nền kinh tế Mỹ đang phát triển trở lại nhanh chóng, lấy lại sức mạnh và tràn đầy sức sống.

Nhưng, ông Trump không thể chống đối lại tất cả giới tinh hoa Mỹ. Khi vị Tổng thống Mỹ muốn dùng những dòng tweet của mình để vượt mặt bộ máy chính trị cồng kềnh, ông sẽ bị chính bộ máy đó bóp nghẹt. Mike Pompeo - người bạn của Donald Trump, Ngoại trưởng đương nhiệm của Hoa Kỳ - trong một bài phát biểu khi mới nhậm chức đã nhấn mạnh việc xây dựng một chính sách đối ngoại của nước Mỹ với thứ gọi là “chủ nghĩa hiện thực” trong chính sách ngoại giao, thứ mà các chính quyền tiền nhiệm của George W. Bush và Barack Obama không có.

Theo Pompeo, chính sách ngoại giao của thời kỳ Donald Trump nhấn mạnh đến chủ nghĩa hiện thực, sự tự kiểm soát và tôn trọng. Pompeo khẳng định ông Trump không có ý định dùng vũ lực để phổ biến mô hình Mỹ. Thay vào đó, ông Trump muốn nước Mỹ trở thành một hình mẫu như đã từng. Ông nói: “Sự hấp dẫn khó cưỡng của mô hình Mỹ là thứ mà tôi quảng cáo hằng ngày".

 

Mô hình Mỹ khi đó sẽ đại diện bởi nền dân chủ, sự giàu có và thịnh vượng, nhận được sự ngưỡng mộ, yêu mến, đón nhận của mọi quốc gia vốn xa lạ với nó. Đây chính là mô hình ngoại giao mà chính quyền Donald Trump muốn và cần theo đuổi. Ông Pompeo nhấn mạnh: "Chúng ta không đi tìm quái vật để tiêu diệt. Chúng ta cần làm mới mình ở nhà".

Con quái vật trên gác mái

Thế nhưng, con quái vật Mỹ - với sức mạnh đã được trao từ bấy lâu - đã lại trỗi dậy. Với việc bổ nhiệm Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton - vốn là người phát ngôn của cựu Tổng thống Bush, người nổi tiếng vì sự hiếu chiến - chính quyền đương nhiệm bắt đầu đi theo những gì chính phủ tiền nhiệm của mình từng làm.

Từ khi John Bolton trở thành Cố vấn An ninh quốc gia vào tháng 4 năm ngoái, chính quyền của ông Trump bỗng nhiên bùng lên khao khát “thay đổi chế độ” ở khắp nơi trên thế giới.

Ở Venezuela, Mỹ đặt mục tiêu cho một kế hoạch nhằm lật đổ Tổng thống Maduro. Nhưng, những hành động can thiệp không đủ mạnh khiến mục tiêu thì lớn mà thành quả đạt được thì rất nhỏ, thậm chí dư luận bắt đầu quay trở lại chỉ trích Mỹ vì làm tình hình thêm rối ren, ảnh hưởng tới người dân Venezuela. Cho đến lúc này thì chính ông Trump cũng đang muốn lờ đi câu chuyện xoay quanh đất nước Nam Mỹ đó.

 

Ở Syria, mục tiêu của Mỹ cũng trở nên quá lớn và vô lý. Tổng thống Trump thực ra không muốn dính vào rắc rối từ thời người tiền nhiệm để lại, liên tục tỏ ý muốn rút quân khỏi Syria. Trong khi đó, giới chức Mỹ xác nhận rằng mục đích của Mỹ ở Syria là loại bỏ một lực lượng thân Iran chứ không phải hạ bệ Bashar Al Assad.

Mục tiêu này khó đạt được trên thực tế, kể cả khi huy động một lực lượng quân đội lớn đến Syria - điều mà Washington sẽ không làm, bởi nó không khác gì sự khiêu khích trực diện tam giác đồng minh thân thiết Nga - Iran - Syria.

Còn ở Iran, chính quyền của ông Trump thậm chí không có được một đường hướng thống nhất. Pompeo từng tuyên bố muốn Iran trở thành một “đất nước bình thường”. Song, tháng trước, Bolton cảnh báo lãnh tụ tinh thần - Giáo chủ Khamenei, ngay sau cuộc kỉ niệm 40 năm Cách mạng Iran, rằng: “Ông ta sẽ không còn nhiều dịp kỷ niệm nữa để tận hưởng”.

Bộ ba đứng đầu nước Mỹ còn nhiều bất đồng.

Trái lại, ông Trump ngỏ lời muốn thiết lập đường dây điện đàm với các lãnh đạo Iran. Với việc dường như không ai đảm trách chính vấn đề Iran, kết quả thấy được là một chính sách cấm vận không nhận được ủng hộ từ các đồng minh, làm phá bỏ những thỏa thuận cũ vốn đã khá tốt và giờ thì dù có muốn kéo Iran ngồi vào bàn đàm phán cũng không thể bởi vì không ai, kể cả người Iran, biết họ sẽ đàm phán về cái gì, với ai.

Một sự hỗn loạn từ chính phía Mỹ. Khi không có triển vọng đàm phán, việc nâng cao áp lực trở thành mục tiêu chính. Người ta cũng đã nói tới nguy cơ bùng nổ xung đột nhưng thực tế đây là một điều sẽ khó xảy ra nếu nhìn sang Venezuela và Syria.

 

Donald Trump không thích bị xem là yếu đuối nhưng đó chính là điều mà chính sách ngoại giao của ông mang lại vào lúc này. Nên, thay vì tập trung vào những điểm nóng, ông đi tìm những niềm vui. Màn chào hỏi ở vùng biên giới DMZ khiến cả thế giới hân hoan. Dù ai cũng biết sẽ không có chuyện giải giáp vũ khí hạt nhân hoàn toàn ở Triều Tiên nhưng hãy nhìn xem không khí ở bán đảo này đã trở nên tươi mới hơn như thế nào sau cái bắt tay đầu tiên ở Singapore.

Bất chấp cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên bị nhiều người chỉ trích là “vô ích” và “ngây thơ” thì từ đó đến nay quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc đã rất khác so với thời điểm cách đây một năm. Giọng điệu “lên gân” và những lời đe dọa dần nhường chỗ cho việc thận trọng nối lại những sự kết nối. Bán đảo Triều Tiên bắt đầu “sóng yên biển lặng” khiến cho sự chú ý trong khu vực dồn về phía Trung Quốc và Biển Đông.

Ông Trump có những mục tiêu đã xác lập từ chiến dịch tranh cử. Nhưng, cũng như bao vị tổng thống Mỹ khác, ông không thể làm mọi việc một mình. Mục tiêu ấy là “Nước Mỹ trên hết” nhưng dường như đang bị John Bolton làm chệch hướng. Ta sẽ xem, tình trạng này liệu còn tiếp tục, nếu ông Donald Trump đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai.

Theo Tử Yên/An ninh Thế giới
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm