Quốc tế

Tại sao máy bay quân sự Nga lại được phép tiếp cận không phận Mỹ?

Tuần qua, một chuyến bay huấn luyện thông thường của các máy bay tuần thám hải quân/săn ngầm hạng nặng của Hải quân Nga Tu-142 đã tạo ra tình huống so kè trên không khi tiếp cận không phận Bắc Mỹ.

Xe tăng Nga sẵn sàng vượt biên giới Gruzia uy hiếp Thổ Nhĩ Kỳ? / "Radar bay" A-100 của Nga dù rất mạnh nhưng Mỹ vẫn "kê gối ngủ ngon" vì sao?

Chuyến bay huấn luyện theo thông lệ

Các máy bay tuần tra/ném bom Tu-142 (tên mã NATO: Bear-F và Bear-J) được Liên Xô phát triển và chế tạo trong những năm 1960 với mục tiêu chống lại các mục tiêu tàu chiến và tàu ngầm của đối phương từ trên cao. Dòng máy bay ném bom này của Nga được trang bị nhiều phương tiện trinh sát, viễn thám hiện đại, cũng như hàng loạt vũ khí tấn công tầm xa uy lực. Ở biến thể mới nhất, máy bay Tu-142 được trang bị hệ thống sonar thủy âm có thể săn tìm tàu ngầm ở những khu vực sâu nhất trên đại dương.

Dự trữ hành trình bay tới 10.000km, 9 tấn vũ khí mang theo và 11 thành viên phi hành đoàn, mỗi máy bay Tu-142 giống như một “chiến hạm” săn ngầm trên không. Hải quân Nga hiện còn duy trì hoạt động của 22 chiếc máy bay ném bom loại này và sử dụng chủ yếu cho nhiệm vụ huấn luyện và trinh sát.

Máy bay chiến đấu F-22 Raptor hộ tống máy bay trinh sát Tu-142MR.
"Chuyến hộ tống" của máy bay F-22 bị gián đoạn với sự xuất hiện của máy bay tiêm kích hạng nặng Mig-31 của Không quân Nga.

Thông tin về máy bay Tu-142 một lần nữa được chú ý trong tuần qua khi Bộ chỉ huy Phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) phát hiện 2 chiếc Tu-142MR của Hải quân Nga đang hướng tới bờ biển Alaska. Các máy bay Nga đã tiếp cận không phận quốc tế trên Biển Beaufort, phía bắc Alaska trong 4 giờ với khoảng cách gần nhất là 50 hải lý (97km). Điều này đã buộc Mỹ và Canada phải điều máy bay chiến đấu tiếp cận và hộ tống 2 chiếc Tu-142.

Sau vụ việc, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, phi đội Tu-142 đã thực hiện chuyến bay huấn luyện và tuân thủ các thông lệ quốc tế. Khi thực hiện chuyến bay, các máy bay Nga không mang vũ khí và không gây ra mối đe dọa với quốc gia khác. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết thêm, trong quá trình tiếp cận, các máy bay tiêm kích của Mỹ và Canada có hành động chuyên nghiệp. Họ chỉ hộ tống và theo dõi biên đội phi cơ Nga, không gây ra bất kỳ căng thẳng nào.

Thực tế, việc máy bay quân sự Nga tiếp cận không phận Mỹ không phải là hiếm gặp trong quá khứ, thậm chí máy bay trinh sát của Nga còn được bay sâu vào trong không phận nước Mỹ để làm nhiệm vụ giám sát đặc biệt theo Hiệp ước Bầu trời mở vẫn đang còn hiệu lực.

Thu thập thông tin tình báo công khai

Hiệp ước Bầu trời mở được coi là bước giám sát lẫn nhau giữa Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay với Mỹ, sau khi hai bên đạt được một loạt thỏa thuận về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược. Hiệp ước Bầu trời mở nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát hoạt động quân sự, kiểm soát việc tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí để củng cố lòng tin giữa các quốc gia tham gia hiệp ước. Nga và mỹ có quyền tiến hành các chuyến bay giám sát trên không phận của nhau, nhưng phải thông báo trước 72 giờ để nước chủ nhà có thời gian phản hồi và chuẩn bị.

Hiệp ước Bầu trời mở được coi là thiết chế quan trọng giúp các bên giám sát lẫn nhau.

Sau khi có hiệu lực từ năm 1992, Hiệp ước Bầu trời mở cho phép máy bay trinh sát quân sự của Nga và Mỹ với hệ thống viễn thám hiện đại được bay qua lãnh thổ của nhau. Tuy nhiên, lộ trình bay và các thông tin thu thập được mỗi chuyến bay trinh sát phải được công khai cho đại diện cả hai bên.

Để đảm bảo không có yếu tố bất ngờ có thể ảnh hưởng tới hiệp ước, trước mỗi chuyến bay trinh sát, đại diện quân sự Nga và Mỹ sẽ hội kiến thông báo về các khu vực, vật thể quân sự mà máy bay trinh sát có thể thu được. Các chuyến bay trinh sát được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu trong suốt lộ trình. Tính tới thời điểm hiện tại đã có hơn 1.200 chuyến bay trinh sát theo Hiệp ước Bầu trời mở được thực hiện.

Hiện tại, Hiệp ước Bầu trời mở đang có nguy cơ đổ vỡ khi Mỹ đang cân nhắc việc rút lui. Động thái trên của Mỹ đang vấp phải sự phản đối của các quốc gia NATO tại châu Âu. Đồng minh của Mỹ cho rằng việc Hiệp ước Bầu trời mở bị hủy bỏ sẽ làm mất đi một kênh giám sát quân sự công khai nhằm kiềm chế và dự đoán năng lực quân sự của Nga.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm