Tàu ngầm hạt nhân Suffren niềm hy vọng của Hải quân Pháp
Tàu ngầm Suffren lớp Barracuda có khả năng chống tàu mặt nước, tàu ngầm, thu thập thông tin tình báo và thực hiện các hoạt động đặc biệt.
Hồ sơ cảnh sát quốc tế: Bí mật xung quanh vụ cháy tàu ngầm AS-31 “Losharik” ở Nga / Hồ sơ cảnh sát quốc tế: Bí ẩn chưa có lời giải vụ tai nạn tàu ngầm thảm khốc nhất Hải quân Nga
Khả năng hoạt động cực êm
Tàu ngầm Suffren lớp Barracuda (“Cá nhồng vây ngắn”) là tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN), do Tập đoàn đóng tàu Naval Group và Orano (Pháp) chế tạo để thay thế các tàu ngầm lớp Ruby có trong biên chế từ thập niên 1980 của Hải quân Pháp. Được khởi đóng từ năm 2007, Suffren sẽ được thử nghiệm trước khi chính thức bàn giao vào giữa năm 2020 và đóng vai trò chủ chốt duy trì sức mạnh của Hải quân Pháp trong nhiều thập niên tới.
Ngày 12/7/2019, tại thành phố cảng Cherbourg đã diễn ra buổi hạ thủy tàu ngầm Suffren - sản phẩm có bước đột phá cao về cả công nghệ và chiến lược - với sự hiện diện của Tổng thống Pháp Macron, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Parly và người đồng cấp Australia Reynolds. Dù chưa tàu ngầm nào thuộc lớp Barracuda được đưa vào hoạt động nhưng Pháp đã thiết kế phiên bản cải biên Barracuda Block 1A sử dụng động cơ điện- diesel để xuất khẩu cho Hải quân Australia 12 chiếc với trị giá hợp đồng 50 tỉ AuD (50 tỉ đô la Australia).
Suffren là chiếc đầu tiên trong loạt 6 tàu ngầm được chế tạo theo chương trình Barracuda có tổng giá trị gần 9 tỷ euro mà theo kế hoạch, ba chiếc tiếp theo sẽ được hoàn thành vào năm 2025, hai chiếc cuối sẽ gia nhập Hải quân Pháp vào năm 2029 và phục vụ ít nhất đến năm 2060. Theo tờ Navy Recognition, 6 tàu ngầm này sẽ được đặt theo tên các đô đốc và thủy thủ nổi tiếng của Pháp, lần lượt là Suffren, Duguay-Trouin, Tourville, Duquesne, De Grasse, Dupetit-Thouars.
Các tàu ngầm mới được cho có trọng tải gấp đôi và nhờ sử dụng công nghệ tiên tiến kèm theo khả năng tự động hóa tốt hơn, cho phép giảm thuỷ thủ đoàn 10 - 15 người so với các tàu ngầm lớp Ruby hiện tại của Pháp. Tàu ngầm Barracuda sử dụng động cơ đẩy hạt nhân K15 (đang dùng trên tàu sân bay Charles de Gaulle và các tàu ngầm mang tên lửa đường đạn lớp Triomphant) kết hợp động cơ hơi nước và điện.
Theo Naval Technology, Barracuda được xem là phiên bản thu nhỏ của tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Triomphant, có chiều dài 99,5m, lườn rộng 8,8m, mớm nước khi nổi là 7,3m, lượng giãn nước khi nổi là 4.765 tấn (khi lặn là 5.300 tấn), lặn sâu tối đa 350m, tốc độ 46 km/giờ, có thể hoạt động liên tục 70 - 90 ngày mà không cần tiếp tế (so với 45 - 60 ngày của tàu lớp Ruby); thủy thủ đoàn 60 người, bao gồm 15 người nhái.
Theo một số tài liệu, Barracuda có điểm mạnh so với các đối thủ là được trang bị hệ thống bơm phun gồm một máy bơm ly tâm và ống xả, để di chuyển thay cho chân vịt. Khi hoạt động, máy bơm sẽ hút nước từ phía trước và đẩy ra phía sau, tạo lực đẩy tàu về phía trước. Hệ thống này có ưu điểm giúp tàu di chuyển cực êm - gấp 10 lần so với tàu Ruby, không tạo ra bọt khí như sử dụng chân vịt. Ngoài ra, nó còn giúp tàu cơ động hơn vì vòi phun có thể tạo ra lực đẩy vector, loại trừ nguy cơ vướng lưới hay các vật dụng khác do không sử dụng chân vịt.
Theo Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Pháp (DCNS), tốc độ chạy không ồn của Barracuda lên đến 46km/h - vận tốc mà không tàu ngầm hiện tại nào có thể vượt qua. Hệ thống thanh ngang chuyên dụng Saint-André mà các lớp tàu ngầm trước đây chưa có cũng đem lại thêm cho Suffren 30% khả năng cơ động và điều hướng chính xác hơn so với lớp Ruby. Nhà sản xuất còn lắp trên võ tàu một lớp gạch có khả năng hấp thụ sóng âm giúp tàu khó bị phát hiện hơn. Sự kết hợp giữa hệ thống bơm phun cùng gạch chống âm giúp Barracuda có khả năng tàng hình rất cao.
Sức mạnh vượt trội
Tàu ngầm tấn công hạt nhân Barracuda được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ như tác chiến chống ngầm, chống tàu mặt nước, tấn công các mục tiêu trên bờ và đất liền - một trong những nhiệm vụ trọng yếu của hải quân Pháp trong chiến tranh hiện đại, hỗ trợ hoạt động tác chiến của lực lượng đặc biệt, thu thập tình báo, hộ tống tàu sân bay hoặc các liên đội tác chiến đổ bộ tấn công (LHD) và hộ tống các lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới SSBN. Trên tàu còn có khoang chứa một tàu lặn mini có thể chở người nhái dùng cho các nhiệm vụ đặc biệt.
Suffren - tàu ngầm đầu tiên của lớp Barracuda; Nguồn ảnh: Naval Group. |
Lò phản ứng hạt nhân của các tàu ngầm lớp Barracuda công suất 200.000 mã lực có một số cải tiến so với các tàu ngầm loại Ruby, đặc biệt khi không cần tiếp nhiên liệu và sửa chữa tuổi thọ của nó đã tăng lên từ 7 đến 10 năm. Ngoài ra, tàu còn được trang bị hai máy phát điện, hai động cơ điện dự phòng đủ mạnh để Barracuda có thể trở về cảng nhà từ bất kỳ nơi nào trên đại dương khi động cơ hạt nhân gặp sự cố. Kết cấu khung thân Barracuda được bổ sung 21 vòng thép để tăng thêm độ cứng, hệ thống bánh lái hình chữ X giúp tàu xử lý tốt hơn trong quá trình nổi lên và và lặn xuống.
Suffren được trang bị hệ thống vũ khí quy ước hiện đại và mạnh: Ngư lôi hạng nặng F21 lắp đầu nổ PBX B2211 - biến thể của mẫu Black Shark do Italy sản xuất, đơn giá 2,4 triệu USD/quả, tầm bắn 50km với tốc độ bơi 93km/h - được đánh giá có hiệu suất đánh trúng mục tiêu cao bậc nhất thế giới; Tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm MdCN được công ty MBDA phát triển dành riêng cho Hải quân Pháp, nặng 1,4 tấn, dài 6,5m, trang bị động cơ phản lực
Microturbo với tốc độ 800km/h, tầm bắn hơn 1.000km, độ chính xác cực cao nhờ hệ thống dẫn đường hỗn hợp (tự dẫn quán tính, đo đạc địa hình, radar chủ động, đầu dẫn hồng ngoại, GPS), đơn giá 3,3 triệu USD/quả, có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương; Tên lửa hành trình chống tàu tầm ngắn SM39 Exocet trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và radar, sử dụng nhiên liệu rắn, tầm bắn 70km; Thủy lôi FG29.
Suffren được trang bị các thiết bị điện tử tối tân, hệ thống cảm biến điện tử có thể hoạt động ở chế độ chủ động hoặc thụ động, hệ thống định vị thủy âm mảng pha đa chức năng do tập đoàn Thales của Pháp chế tạo (gồm: sonar Thales S-CUBE, hệ thống sonar phát hiện - tránh ngư lôi và chướng ngại vật, hệ thống sonar chặn băng thông Thales VELOX-M8, hệ thống sonar dẫn đường Thales Nuss-2F MK2), hệ thống thông tin liên lạc liên kết dữ liệu chiến thuật Data Link 11 và 16, và hệ thống quản lý chiến đấu tích hợp SYCOBS… cho phép đối phó hiệu quả với nhiều mối đe dọa khác nhau.
Chương trình Barracuda cũng đánh dấu một bước đột phá trong lịch sử tàu ngầm bằng loại bỏ kính tiềm vọng và thay thế bởi cột buồm đa trục quang học - điện tử, được gắn camera có độ phân giải cao, camera tăng cường ánh sáng và camera hồng ngoại nhằm phục vụ cho các thông tin chung và khi nổi lên mặt nước, có khả năng sử dụng gần như tất cả các tần số liên lạc, kể cả liên lạc vệ tinh quân sự phục vụ nhiệm vụ tình báo, nhờ đó, với các vùng đang diễn ra chiến sự, Suffren có thể tiếp cận rất gần bờ biển để trinh sát mà không bị phát hiện.
Barracuda được báo chí Pháp mệnh danh là “viên ngọc công nghệ” và giới chuyên gia đánh giá là một trong những tàu ngầm nguyên tử tiên tiến, nguy hiểm nhất thế giới. Với những cải tiến về thiết kế và vũ khí, khi đi vào hoạt động, Barracuda sẽ là loại tàu ngầm hạt nhân tấn công hiện đại nhất châu Âu, có thể duy trì sức mạnh vượt trội của Hải quân Pháp trong vòng 50 năm với khả năng tác chiến và thực thi các nhiệm vụ trên biển, cũng như hỗ trợ các lực lượng đồng minh trong các chiến dịch trên toàn cầu.
Theo Lê Ngọc/VOV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo
Chương trình dài hạn chế tạo tàu ngầm Barracuda. Ảnh: Naval Group.