Quốc tế

Tàu sân bay trực thăng độc nhất vô nhị của Hải quân Liên Xô

DNVN - Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, ngành đóng tàu quân sự Liên Xô đã cho ra đời vô số "kỳ quan công nghệ" để trang bị cho hải quân nước này mà tàu sân bay trực thăng lớp Moskva là một ví dụ tiêu biểu.

"Tướng Venezuela" kêu gọi quân đội lật đổ Tổng thống Maduro / Xe bọc thép Venezuela mang ra dẹp biểu tình mua từ... Trung Quốc

Moskva là thế hệ tàu sân bay đầu tiên đi vào hoạt động của Hải quân Liên Xô. Chúng được gọi là tàu sân bay trực thăng và có tên định danh là Dự án 1123 Kondor. Dự án này bao gồm tất cả 2 chiếc được đóng tại Nhà máy đóng tàu Mykolaiv bên bờ biển Đen (nay thuộc lãnh thổ Ukraine).

Việc thiết kế tàu được tiến hành vào năm 1959 theo yêu cầu của Đô đốc Sergey Gorshkov, mục đích là tạo ra một tàu săn ngầm chuyên nhiệm để chống lại tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo UGM-27 Polaris của NATO.

Ban đầu, các công trình sư dự kiến tàu sân bay trực thăng lớp Moskva sẽ có lượng giãn nước vào khoảng 8.000 tấn và mang theo được 10 trực thăng. Sau đó, nó được mở rộng với khả năng chuyên chở tới 14 trực thăng và còn có cả vũ khí tự vệ.

Chiếc đầu tiên của lớp mang tên Moskva được hạ thủy ngày 15/12/1962, bắt đầu hoạt động ngày 14/1/1965, vào biên chế ngày 25/12/1967. Trong khi đó, chiếc thứ hai cũng là tàu cuối cùng của lớp mang tên Leningrad hạ thủy ngày 15/1/1965, bắt đầu hoạt động ngày 31/7/1968 và chính thức vào biên chế ngày 26/2/1969.

Moskva không được coi là một tàu sân bay đúng nghĩa do không thể mang theo máy bay cánh cố định mà chỉ có thể triển khai hoạt động cho trực thăng. Chúng được thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ chống ngầm với vũ khí trang bị và cảm biến được tối ưu hóa.

Vai trò chủ yếu của tàu sân bay trực thăng lớp Moskva là để bảo vệ căn cứ tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo của Liên Xô, chống lại sự xâm nhập của tàu ngầm tấn công phương Tây, giữ vị trí kỳ hạm của lực lượng đặc nhiệm chống tàu ngầm.

Với vai trò như trên, tàu sân bay trực thăng lớp Moskva thực chất phải được phân loại là “tuần dương hạm hạng nặng mang trực thăng” theo đúng cách gọi của Hải quân Liên Xô.

Tàu sân bay trực thăng Leningrad lớp Moskva tại thời điểm năm 1990

Tàu sân bay trực thăng Leningrad lớp Moskva tại thời điểm năm 1990

Các tàu sân bay trực thăng lớp Moskva có chiều dài 189 m; chiều rộng 23 m; mớn nước 13 m; lượng giãn nước tiêu chuẩn 14.950 tấn, lượng giãn nước đầy tải 17.500 tấn; thủy thủ đoàn 850 người.

Động cơ turbine khí đã được xem xét để lắp đặt cho tàu, nhưng do chưa từng được thử nghiệm đầy đủ trên một chiến hạm lớn như vậy nên cuối cùng các turbine hơi nước áp lực cao tương tự như loại lắp trên tuần dương hạm Kynda đã được chỉ định.

Mặc dù có tổng công suất lên tới 100.000 mã lực (75.000 kW) nhưng hệ thống động lực của Moskva được coi là một nỗi thất vọng lớn, gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng và đã phải xây dựng lại vào năm 1973 sau khi gặp phải một vụ cháy.

 

Tàu có khả năng chạy với vận tốc tối đa 31 hải lý/h (57 km/h) và tốc độ hành trình lớn nhất là 24 hải lý/h (44 km/h), tầm hoạt động đạt 14.000 hải lý (25.982 km) khi chạy ở tốc độ 12 hải lý/h (22 km/h).

Hệ thống điện tử của tàu gồm radar cảnh giới đường không Top Sail, Head Net; 2 radar điều khiển hỏa lực tên lửa phòng không Head Light; 2 radar điều khiển hỏa lực pháo Muff Comb; 2 radar dẫn đường Don 2; sonar tần số thấp Moose Jaw và Mare Tail.

Trực thăng săn ngầm Ka-25 hoạt động trên tàu sân bay Leningrad

Trực thăng săn ngầm Ka-25 hoạt động trên tàu sân bay Leningrad

 

Vũ khí trang bị của tàu sân bay lớp Moskva bao gồm 2 ray phóng đôi của tên lửa phòng không SA-N-3 Goblet (phiên bản hải quân của SA-6), 2 pháo 57 mm nòng đôi, 1 bệ phóng SUW-N-1 của tên lửa chống ngầm FRAS-1, 2 bệ phóng rocket chống ngầm RBU-6000 và 10 ngư lôi 533 mm.

Tàu mang theo được 18 trực thăng săn ngầm Ka-28 Hormone hoặc trực thăng đa dụng Mi-8 Hip, sàn đáp phía sau cho phép 6 trực thăng có thể hoạt động cùng lúc.

Với cấu hình vũ khí như trên, có thể thấy tàu sân bay trực thăng lớp Moskva có nhiều nét tương đồng với các khu trục hạm mang trực thăng lớp Shirane hay Hyuga của Nhật Bản hơn cả, khi cùng được thiết kế để làm kỳ hạm của một biên đội tác chiến chống ngầm.

 

So sánh với Mistral, Wasp hay Ameria thì Moskva không có hình dáng gần với một tàu sân bay đúng nghĩa, không thể đảm nhiệm chức năng của một tàu đổ bộ tấn công. Nó mang theo được ít trực thăng hơn nhưng lại có hỏa lực vượt trội hoàn toàn.

Cả hai tàu Moskva và Leningrad đều đã "nghỉ hưu" và bị tháo dỡ trong các năm 1997 và 1995 mà không được lưu giữ làm bảo tàng nổi, đây là điều vô cùng đáng tiếc đối với một kỳ quan công nghệ của Liên Xô trước kia.

Vũ khí - khí tài
Phong Vũ (Tham khảo Wikipedia)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm