Quốc tế

Tên lửa "át chủ bài" của Hàn Quốc khiến Triều Tiên phải run sợ?

DNVN - Nếu như Triều Tiên tự hào sở hữu “bộ sưu tập” tên lửa đạn đạo uy lực thì Hàn Quốc cũng sẵn sàng biện pháp đáp trả bằng tên lửa hành trình chính xác cao.

Lộ diện tàu ngầm tên lửa đạn đạo thế hệ mới của Triều Tiên / Mỹ cùng lúc phát triển 9 dự án tên lửa siêu thanh thách thức Nga - Trung

Mới đây Triều Tiên lại tiếp tục thực hiện vụ phóng thử nghiệm đối với tên lửa đạn đạo chiến thuật thế hệ mới mà theo giới chuyên môn nhận định chính là biến thể sửa đổi từ 9M723 Iskander-M của Nga, vũ khí này sẽ đóng vai trò “quân tiên phong” trong trường hợp nổ ra xung đột với Hàn Quốc.

Nhưng ở chiều ngược lại, Seoul cũng cho thấy họ không phải là đối tượng dễ bị bắt nạt khi đã âm thầm chuẩn bị sẵn số lượng lớn tên lửa hành trình để sẵn sàng đáp trả, trong đó “át chủ bài” được xác định là loại Taurus nhập khẩu từ Đức.

Theo Bộ quốc phòng Hàn Quốc, trong cuộc tập trận diễn ra trên bầu trời khu vực Taean, tỉnh Nam Chungcheong hồi tháng 9/2017, tiêm kích F-15K của không quân nước này đã phóng tên lửa Taurusvượt qua quãng đường khoảng 400 km, bắn trúng mục tiêu giả định ở vùng biển ngoài khơi Gunsan, tỉnh Bắc Jeolla.

Tính năng đáng gờm của tên lửa Taurus khiến Hàn Quốc tự tin cho rằng nó sẽ trở thành "cơn ác mộng" của Triều Tiên.

Tên lửa hành trình đối đất Taurus của Hàn Quốc được phóng đi từ tiêm kích F-15K. Ảnh: Chosun.

Tên lửa hành trình đối đất Taurus của Hàn Quốc được phóng đi từ tiêm kích F-15K. Ảnh: Chosun.

Taurus KEPD 350 là loại tên lửa hành trình đối đất tầm xa do Taurus Systems GmbH - một công ty liên doanh giữaMBDA Deutschland GmbH (Đức) vớiSaab Bofors Dynamics (Thụy Điển) hợp tác chế tạo.

Đặc điểm đáng chú ý nhất của Taurus là nó được cấu tạo bởi vật liệu hấp thụ sóng radar cùng hình dáng đặc biệt cho khả năng tàng hình rất cao, vượt ngoài khả năng phát hiện và đánh chặn của phòng không Triều Tiên.

Cơ cấu dẫn đường áp dụng trên KEPD 350 là sự kết hợp giữa chế độ bay theo quán tính (INS), định vị dựa trên hình ảnh (IBN), đi kèm quan sát toàn cảnh (TRN) và còn kết nối với hệ thống định vị toàn cầu MIL-GPS, cho độ chính xác gần như tuyệt đối.

Tên lửa có chiều dài 5,1 m; đường kính thân 1,08 m; sải cánh 2,06 m, nặng 1.400 kg. Động cơ phản lực cánh quạt đẩy Williams P8300-15 giúp Taurus đạt tốc độ tối đa Mach 0,95; tầm bắn trên 500 km khi bay bám địa hình ở độ cao chỉ 30 - 40 m.

 

Đầu đạn trọng lượng 500 kg của Taurus được thiết kế với cơ cấu nổ giữ chậm, tận dụng động năng của tên lửa để xuyên sâu vào trong hầm ngầm, công sự vững chắc rồi mới phát nổ mục đích gia tăng tối đa thiệt hại.

Tên lửa Taurus bắn trúng mục tiêu giả định với độ chính xác tuyệt đối. Ảnh: Yonhap.

Tên lửa Taurus bắn trúng mục tiêu giả định với độ chính xác tuyệt đối. Ảnh: Yonhap.

Không quân Hàn Quốc đặt hàng tổng cộng 170 quả tên lửa loại này, trong năm 2018 họ đã nhận đủ số lượng theo hợp đồng và đang cân nhắc mua thêm 90 quả nữa, phiên bản Taurus dành cho Seoul được cho là đã bị giảm tầm bắn xuống còn 400 km.

 

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, theo nhận xét của nhiều chuyên gia quân sự thì bộ đôi tiêm kích F-15K Slam Eagle cùng tên lửa Taurus KEPD 350 sẽ là lực lượng xung trận đầu tiên. Với vận tốc 1.163 km/h, vũ khí này đủ sức vươn tới bất cứ mục tiêu nào của Triều Tiên trong vòng 15 phút nếu được bắn đi từ Seoul.

Sở hữu những tính năng ưu việt kể trên, các căn cứ hạt nhân, cơ sở chỉ huy tác chiến, hay thậm chí hầm trú ẩn của lãnh đạo Triều Tiên đều có thể bị Taurus tiêu diệt một cách dễ dàng. Đây chính là thứ vũ khí mà Bình Nhưỡng phải cảm thấy "run sợ" nhất nếu xung đột quy mô lớn giữa hai miền bùng phát.

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm