Tên lửa bố trí dưới đáy biển Skif - thành tựu quốc phòng ít được biết đến của Nga
Tên lửa phòng không Nga hoàn hảo đến mức F-35 cũng có thể gặp vấn đề / Thái Lan mua tên lửa 'bắn và quên' của Israel
Tên lửa đạn đạo Skif - huyền thoại hay hiện thực
Ý tưởng bố trí cố định tên lửa đạn đạo dưới đáy các vùng nước nảy sinh vào giữa những năm 60 thế kỷ trước, nhưng không có dự án phát triển cụ thể nào được thực hiện. Sức hấp dẫn của việc đặt các vũ khí chiến lược dưới đáy biển là sự bí mật hoàn toàn về các căn cứ và khả năng ít bị phát hiện bởi hải quân của đối phương. Điều này cũng sẽ làm giảm đáng kể chi phí liên quan đến việc bảo vệ chúng. Tại Mỹ, ý tưởng này đã bị từ bỏ, ưu tiên cho tổ hợp dựa trên các hầm phóng.
Ở Liên Xô và về sau là Nga, việc phát triển loại tên lửa mới bố trí tại đáy các vùng nước (đáy biển, đáy đại dương, đáy hồ…) dưới mật danh "Skif" (“Скиф”), được bảo mật nghiêm ngặt bắt đầu vào đầu những năm 1990 trên cơ sở ý tưởng và phác thảo của những năm 80. Tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu lỏng mang đầu đạn hạt nhân bố trí dưới đáy biển, đáy hồ Skif được phát triển bởi Phòng thiết kế Rubin (St. Petersburg) và Trung tâm Tên lửa Quốc gia mang tên Viện sĩ Makeev (Miass) theo đặt hàng của Bộ Quốc phòng.
Nhưng không giống bất cứ loại nào trong bộ ba hạt nhân (tên lửa đạn đạo bố trí trên mặt đất, trên biển (tàu ngầm) và trên không), Skif không được tích hợp cho tàu ngầm, mà chỉ đơn giản là nằm trong một container chứa dưới đáy biển. Từ năm 2005, các thí nghiệm đầu tiên kiểm tra độ bền, độ tin cậy và khả năng chịu áp, thủy động học,… đối với các cấu phần của Skif đã được tiến hành với sự tham gia của tàu ngầm Sarov thuộc dự án 20120. Việc phát triển được hoàn tất vào đầu năm 2013; các cuộc thử nghiệm diễn ra vào cuối tháng 6/2013 và từ năm 2017, Skif được đưa vào trang bị cho Hải quân Nga.
Trong thực tế, Skif là tên lửa đạn đạo tầm xa dùng cho tàu ngầm, được lưu giữ dưới đáy biển trong một thùng chứa đặc biệt chịu áp suất và duy trì thường xuyên thông tin liên lạc với phòng điều khiển mặt đất, có khả năng ở chế độ chờ trong thời gian dài cho đến khi nhận lệnh phóng. Khi nhận được lệnh kích hoạt, container chứa-phóng nổi lên đến độ sâu 50m và tên lửa được phóng theo cách tương tự như từ tàu ngầm, bay với tốc độ siêu thanh và lướt qua địa hình để tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển. Hệ thống tên lửa Skif được cho là kết nối với hệ thống tên lửa "Perimeter" và được tích hợp trí tuệ nhân tạo để phối hợp thực hiện phản đòn hạt nhân và nâng cao hiệu quả của đòn tấn công.
Theo các chuyên gia Mỹ, tên lửa Skif là nguyên mẫu hiện đại của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sineva hoặc Liner - những tên lửa được phóng từ tàu ngầm lớp Dolphin. Tên lửa Liner có công suất 2 megaton, kích thước hạn chế, trong khi Skif có thể có công suất không dưới 5 megaton. Tầm bắn của tên lửa Skif, tương tự tầm bắn của Liner, khoảng 10.000km - có thể vươn đến bất kỳ điểm nào ở Mỹ, và không loại trừ các nhóm tấn công tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
Theo thông tin ít ỏi từ báo chí phương Tây, loại vũ khí nguyên tử được đặt tên là “Ngày tận thế” (“Doomsday”) này lớn đến mức nó phải được hạ xuống đáy đại dương bằng một con tàu được thiết kế đặc biệt và dùng để hủy diệt, gây ra thiệt hại, cũng như hậu quả lâu dài. "Con quái vật" Skif dài 25 mét và nặng 100 tấn này có thể ở dưới biển trong nhiều năm ở độ sâu 900 mét (3.000 feet). Sau khi được kích hoạt, tên lửa Skif có thể phóng với tốc độ 96km/h với tầm bắn 9.656km, gây ra vụ nổ làm ô nhiễm một vùng biển và bờ biển rộng lớn bằng đồng vị phóng xạ Cobalt-60.
Một số nguồn tin cho rằng, vụ nổ ngày 8/8/2019 tại một thao trường gần làng Nyonoksa và làng Sopka (vùng Arkhangelsk), mà kết quả là các nhà khoa học thử nghiệm Nga bị thiệt mạng (có phông phóng xạ được ghi lại lên tới 2 μSv/h so với mức thông thường là 0,11 μSv/h), xảy ra trong quá trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo đặt dưới đáy biển Skif.
Ưu thế của Skif
Skif có thể có 3 phiên bản - hệ thống phóng được dỡ từ tàu ngầm B-90 Sarov ở chế độ “ngủ” dưới đáy biển chờ nhận lệnh phóng; tên lửa hành trình và đạn đạo được đặt trong một container vận tải đặc biệt có chức năng phóng, được cố định sẵn ở độ sâu lớn dưới đáy biển/hồ; và một phương tiện mang được trang bị động cơ tên lửa, theo lệnh sẽ di chuyển theo một hành trình nhất định đến tọa độ dưới nước đã định, sau đó phóng một tên lửa tầm trung tấn công mục tiêu trên mặt đất.
Ban đầu, người Mỹ phản đối việc phát triển loại vũ khí này và đòi cấm chúng, lo ngại khả năng xảy ra một vụ phóng ngoài tầm kiểm soát. Khi tên lửa ở trong si-lô, hoặc trong tàu ngầm, con người dường như đều ở gần nó, kiểm soát tình hình, có những phương án đã được chứng minh để ngăn chặn một vụ phóng ngẫu nhiên. Đối với tên lửa đang nằm ở đâu đó ở phía dưới đáy nước và đợi tín hiệu radio, khó biết ăng-ten của nó có thể thu nhận những gì và vẫn chưa biết máy tính diễn giải những tín hiệu đó như thế nào.
Có thể thấy rõ lợi thế nhãn tiền của tên lửa Skif so với tàu ngầm. Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đắt hơn nhiều so với tên lửa đạn đạo, và có thể bị theo dõi bằng thủy âm. Trong trường hợp xảy ra xung đột, tàu ngầm hạt nhân có thể bị tiêu diệt, còn tên lửa bố trí dưới đáy thì không. Sẽ vô ích nếu tấn công hồ Baikal bằng vũ khí nhiệt hạch. Nước làm suy yếu một cách hiệu quả đòn tấn công hạt nhân, và trong một container chứa có độ bền cao, Skif sẽ sống sót ngay cả khi xảy ra vụ nổ ngay trên nó. Về lý thuyết, có thể tạo ra một tên lửa thần kỳ, bay đến một hồ nước xa xôi của Nga và thả một quả ngư lôi chìm sâu có đầu đạn hạt nhân. Nhưng đối với Mỹ, dò tìm Skif ở đáy Hồ Baikal không chỉ khó mà về nguyên tắc, là một nhiệm vụ bất khả thi.
Skif cũng có lợi thế hơn so với tên lửa bố trí trong các hầm mỏ. Đối phương có thể cố gắng vô hiệu hóa các hầm lò bằng một đòn tấn công hạt nhân chính xác. Hầm mỏ có hệ thống phòng thủ, nhưng ít nhất về lý thuyết, chúng vẫn có thể bị tấn công. Ngoài ra, các si-lô xây bằng bê tông hạng nặng (để chống lại một cuộc tấn công hạt nhân) và hệ thống bảo vệ tích cực của chúng đòi hỏi rất nhiều kinh phí. Skif nằm ở phía dưới đáy nước không cần tất cả những thứ này. Với cùng một khoản tiền, có thể được triển khai Skif nhiều hơn. Các khu vực triển khai vũ khí hạt nhân của Nga trên đất liền có thể bị theo dõi khá chính xác từ vệ tinh, hệ thống Skif loại trừ được nhược điểm này. Theo quan điểm của Mỹ, rất khó để thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên để giải giáp tàu ngầm hạt nhân và các si-lô ICBM, với Skif điều đó càng không thể.
Nhược điểm?
Tuy vậy, hệ thống tên lửa Skif cũng có một số điểm yếu của nó. Bản thân container chứa-vận chuyển và phóng “miễn nhiễm” trước hệ thống phòng thủ chống tên lửa và chống tàu ngầm của đối phương, nhưng khá khó để ngụy trang tàu ngầm - phương tiện vận chuyển hệ thống tên lửa. Ngoài ra, container chứa-phóng cần phải được bố trí sâu trong nước - điều khiến container chịu áp suất lớn và làm giảm đáng kể khu vực có thể triển khai Skif, và cũng có nguy cơ container bị hư hại.
Nếu bố trí một cách lộ liễu, lợi thế chính của loại vũ khí này - khả năng không bị phát hiện - có khả năng bị mất. Nhưng “ngay cả vì lý do nào đó, các vị trí triển khai tên lửa Skif bị phát hiện cũng không thể tiêu diệt chúng bằng đòn tấn công phủ đầu, vì ở độ sâu vài trăm mét, nằm trong container phóng được bảo vệ, chúng đơn giản là không thể tiếp cận", theo một chuyên gia Phương Tây.
Hiện có một hiệp ước quốc tế liên quan đến đáy biển, theo đó, vũ khí hạt nhân không được triển khai bên ngoài vùng mười hai dặm tính từ bờ biển của nước sở hữu. Hải quân Nga chỉ có thể bố trí các hệ thống Skif trong lãnh hải của Nga cũng như các vùng biển ở Bắc Cực, Biển Caspi, Biển Trắng (sâu tới 343m) và Thái Bình Dương. Với Biển Trắng và các vùng nước ven biển của Bắc Băng Dương, có quá đủ chỗ cho việc đặt tên lửa Skif làm nhiệm vụ trực chiến. Độ sâu cũng sẽ thích hợp để đặt dưới đáy hồ Ladoga, Baikal (sâu tới 1.642m), và bất kỳ hồ chứa nước sâu nào (ở Nga có mười hồ sâu hơn 200m).
Ngoài độ sâu tương đối phù hợp, đáy biển yên ả, yên tĩnh về mặt địa chấn…, nguyên nhân chính khiến giới quân sự NATO tin tưởng khu vực triển khai tổ hợp tên lửa Skif của Nga là dưới đáy biển Barents, còn vì một số lý do quan trọng khác. Khu vực này được hải quân Nga tuần tra liên tục khiến tàu ngầm đối phương không thể xâm nhập. Hơn nữa, từ đây Nga có thể tấn công hầu hết các hướng, kể cả Mỹ và châu Âu. Việc triển khai Skif ở những khu vực thích hợp sẽ giúp giảm đáng kể thời gian các tên lửa chiến lược tiếp cận lãnh thổ của kẻ thù tiềm tàng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo