Quốc tế

Tên lửa Mỹ 'mất hút' khi đánh chặn

Biết trước tọa độ và quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu nhưng tên lửa đánh chặn SM-3 trên chiến hạm Aegis Mỹ lần 2 bắn hụt mục tiêu.

Tên lửa Verba Nga đã ở trong tay Hezbollah? / Iran vận chuyển hệ thống tên lửa và phòng không cho Syria

Vụ việc diễn ra hồi cuối năm 2018 nhưng đến nay thông tin mới được tiết lộ. Theo Defense News, trong cuộc thử nghiệm, khu trục hạm USS John Paul Jones trang bị đặc biệt đã xác định và theo dõi mục tiêu, nhưng không thể bắn trúng mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung được phóng từ bãi thử tên lửa của Mỹ trên đảo Kauai, Hawaii.

Cuộc tập trận này được thực hiện với sự góp mặt của nhiều lớp tên lửa đánh chặn bao gồm Hệ thống Chống tên lửa đạn đạo Aegis trên tàu USS John Paul Jones và Hệ thống Tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Ten lua My mat hut khi danh chan
Chiến hạm Mỹ phóng tên lửa đánh chặn.

Hệ thống THAAD trên đảo Wake đã dò tìm và tiêu diệt một mục tiêu tầm ngắn đầu tiên, đươc phóng từ máy bay quân sự C-17. Đến lần phóng thử thứ 2, tên lửa SM-3 phóng từ tàu USS John Paul Jones đã bắn trượt mục tiêu và phải để cho hệ thống THAAD đánh chặn ở vòng phòng thủ cuối cùng.

Trong lần phóng tiếp theo, khả năng đánh chặn của chiếc USS John Paul Jones vẫn không khá hơn. Và phải đến lần phóng cuối cùng, Hải quân Mỹ mới thành công trong việc sử dụng tên lửa Standard Missile-2 Block IIIA tiêu diệt tên lửa giả BQM-74E.

Với tỷ lệ đánh chặn thành công 1/3, chính bản thân người Mỹ cũng không dám chắc có chuyện gì xảy ra nếu tình huống diễn tập này là thật và những quả tên lửa không dùng làm mục tiêu tập bắn mà là vũ khí tấn công thực sự.

Bất chấp tỷ lệ thành công nghèo nàn và chi phí của cuộc thử nghiệm lên tới 230 triệu USD, Mỹ vẫn coi đây là lần thử nghiệm thành công: "Đây là một bài thử nghiệm cực kì phức tạp và yêu cầu các lớp tên lửa đánh chặn phải phối hợp cùng nhau nhằm phát hiện, theo dõi, phân loại và tấn công những mối đe doạ từ trên không", vị chỉ hủy cuộc tập trận cho biết.

Trước khi vụ thử không mấy ấn tượng hồi năm 2018, cuối tháng 5/2017, Mỹ tỏ ra hoan hỉ sau lần đầu đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga đã chỉ thẳng sự thật và cho rằng đây là vở kịch của Lầu Năm Góc.

 

Trao đổi với truyền thông Nga sau khi Mỹ tuyên bố hệ thống Phòng thủ tên lửa trên bộ (GMD) lần đầu tiên đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hôm 30/5, chuyên gia quân sự Alexandr Zhilin cho biết:

"Theo thông báo tại Lầu Năm Góc, mô phỏng tên lửa bay trong khu vực Thái Bình Dương và đã bị tiêu diệt hoàn toàn bằng tác động trực tiếp. Trong thực tế, đây là vụ phóng huấn luyện thông thường, mà các đơn vị lực lượng chiến lược phải thực hiện để giữ cho hệ thống phòng thủ tên lửa luôn ở trong tình trạng sẵn sàng hoạt động. Không có gì mới ở đó.

Hơn nữa vở kịch đã được đạo diễn sắp xếp để trình diễn cho người nộp thuế và để cho Hàn Quốc cùng Nhật Bản mở hầu bao.

Toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa đã được thông báo trước về vụ phóng, việc thực hiện được tiến hành sớm từ trước, quỹ đạo bay cũng được biết trước. Và do đó, kết quả tiêu diệt mục tiêu đã được đảm bảo. Bản chất của vở kịch này là áng chừng như vậy", Alexandr Zhilin nói.

Hệ thống đánh chặn tên lửa GMD là thành phần phức tạp và tốn kém nhất trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa giai đoạn giữa bằng các tên lửa đánh chặn triển khai trên mặt đất.

 

Năm 2013 Mỹ đã triển khai 30 tên lửa đánh chặn trong các hầm chứa và con số này đã tăng lên 44 tên lửa trong năm 2017. Đến nay, tỉ lệ đánh chặn thành công trong các cuộc thử nghiệm của hệ thống GMD vào khoảng 50%, một con số khiêm tốn để có thể mang lại an toàn cho Mỹ.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm