Quốc tế

Tham vọng “phi công điện tử” của Không quân Mỹ

Trong điều kiện chiến tranh hiện đại, quân đội các nước đều đặt ra mục tiêu phải hạn chế đến mức thấp nhất thương vong mà vẫn duy trì hiệu quả chiến đấu ở mức cao nhất. Cũng từ xu hướng này, Không quân Mỹ đang tích cực phát triển các dự án máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) do “phi công điện tử” điều khiển.

Bộ 3 vũ khí Israel tạo cán cân hòa bình Trung Đông / Cách Mỹ kiếm tiền từ đồng minh khi dùng vũ khí Mỹ

Mới đây, Tạp chí The Drive dẫn lời tướng Jack Shanahan, lãnh đạo Trung tâm Trí tuệ nhân tạo phối hợp (JAIC) của quân đội Mỹ tuyên bố, lực lượng không quân nước này đã lên kế hoạch tổ chức một đợt diễn tập đối kháng giữa máy bay chiến đấu có người lái và UCAV vào tháng 7/2021, điều trước đây thường chỉ thấy trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng.

Được thành lập bởi Lầu Năm Góc vào năm 2018, JAIC có nhiệm vụ quan trọng nhằm đẩy nhanh quá trình tích hợp trí tuệ nhân tạo vào mọi cơ quan, tổ chức của quân đội Mỹ. Trong đó, Không quân Mỹ đang có nhu cầu cao nhất về tự động hóa do sử dụng nhiều khí tài hiện đại, đặc biệt là máy bay không người lái.

Nguyên mẫu máy bay chiến đấu không người lái XQ-58A của Không quân Mỹ (phía trên) trong một cuộc bay thử nghiệm. Ảnh: US Air Force.

Khi so sánh với máy bay chiến đấu có người lái, UCAV thể hiện một số ưu điểm rõ rệt. UCAV được kỳ vọng sẽ có chi phí thấp hơn một tiêm kích có cùng nhiệm vụ và đặc tính bay, do loại bỏ được các yêu cầu về buồng lái cho phi công. Thiết kế của UCAV cũng có thể được tối ưu hóa cho tốc độ và tính cơ động, với khả năng thực hiện các động tác bay phức tạp, vượt quá khả năng chịu đựng của con người.

Trong chiến đấu, UCAV có nhiệm vụ thâm nhập vào các vùng phòng không hoặc giao chiến với tiêm kích của đối thủ, giảm khối lượng công việc và rủi ro cho phi công. Nếu được tự động hóa hoàn toàn, UCAV thiết kế cho nhiệm vụ không kích có thể hoạt động theo mệnh lệnh của con người thay vì cần người điều khiển. Một ưu điểm khác là “bộ não điện tử” của UCAV không gặp trở ngại về tâm lý và thể chất như bộ não con người, do vậy có thể xử lý thông tin hiệu quả ngay cả trong các pha không chiến hỗn loạn. Bên cạnh đó, “bộ não điện tử” này có khả năng kết nối với các UCAV khác, qua đó giúp chia sẻ và xử lý thông tin nhanh hơn nhiều so với các biên đội máy bay có người lái.

Những năm gần đây, một trong những vấn đề “đau đầu” nhất của Không quân Mỹ là tình trạng thiếu phi công. Do đó, Không quân Mỹ đang tích cực đầu tư vào trí tuệ nhân tạo nhằm lấp khoảng trống về nhân lực.

Đến nay, hướng phát triển đạt được nhiều bước tiến nhất của Mỹ là khái niệm “trợ thủ trung thành” của các máy bay chiến đấu có người lái. Theo đó, một UCAV đi kèm sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ trinh sát, chiến đấu và cả thu hút hỏa lực địch cho các máy bay chiến đấu có người lái. “Trợ thủ” này chủ yếu hoạt động theo mệnh lệnh của con người nhưng có khả năng tự tác chiến nhờ vào trí tuệ nhân tạo. Thiết kế tiêu biểu của Mỹ trong lĩnh vực này phải kể đến UCAV XQ-58A, hiện đang trong giai đoạn cuối của quá trình phát triển. Dự kiến, XQ-58A sẽ được dùng để hỗ trợ các tiêm kích như F-22 và F-35 trong biên chế của Không quân Mỹ.

Cùng với Mỹ, các nước Nga, Anh, Pháp… cũng đang phát triển những dự án “trợ thủ trung thành” tương tự, nhằm tăng cường khả năng tác chiến cho các tiêm kích hiện đại nhất đang có trong biên chế hoặc sắp được trang bị.

 

Không chỉ hướng đến việc thiết kế và phát triển các UCAV mới, Không quân Mỹ còn thử nghiệm khả năng tự động hóa của các tiêm kích cũ trong biên chế để làm “trợ thủ trung thành”. Năm 2017, Tập đoàn Lockheed Martin đã cho bay thử một nguyên mẫu F-16 không người lái. Máy bay đã tự động thực hiện một nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất và phản ứng thành công khi gặp mối đe dọa trên không. Cuộc thử nghiệm đã mở ra cơ hội để biến những máy bay chiến đấu có người lái thành các máy bay chiến đấu điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo, hay nói cách khác là máy bay chiến đấu do “phi công điện tử” điều khiển.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng viễn cảnh UCAV tự “tung hoành” trên bầu trời vẫn còn xa vời. Hiện tại, các thử nghiệm mới chỉ được tiến hành với một nguyên mẫu và trong điều kiện lý tưởng, không có những trở ngại phức tạp về phòng không hay tác chiến điện tử.

Dẫu sao, cuộc diễn tập “đối kháng giữa người và máy” sắp tới vẫn thể hiện tham vọng lớn trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động tác chiến của quân đội Mỹ. Giới chức Mỹ cũng kỳ vọng rằng, “phi công điện tử” sẽ thay đổi bộ mặt của các cuộc không chiến trong tương lai.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm