Quốc tế

Tham vọng và thách thức của Nhật Bản khi tham gia “cuộc đua” siêu vượt âm

Nhật Bản tuyên bố đang trong quá trình nghiên cứu-phát triển một loại tên lửa hành trình và một đầu đạn lượn siêu vượt âm. Theo kế hoạch, hai vũ khí này sẽ được thử nghiệm vào năm 2024 và được triển khai kể từ năm 2026 – tiến trình được coi là khá nhanh và rất tham vọng đối với một quốc gia chịu nhiều hạn chế về phát triển vũ khí chiến lược.

Nhật Bản ưu tiên nội địa hóa chiến đấu cơ thế hệ mới / Hai máy bay MV-22B Osprey đầu tiên của JGSDF đã đến Nhật Bản

Xuất phát sau trong cuộc đua

Bên cạnh Nhật Bản, công nghệ động cơ đẩy siêu vượt âm (vận tốc gấp 5 lần tốc độ âm thanh trở lên) cho vũ khí cũng đang được phát triển bởi Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, các nước trên có xuất phát điểm sớm hơn nhiều. Mỹ và Liên Xô (Nga ngày nay) đã tiến hành những nghiên cứu đầu tiên về vật bay siêu vượt âm kể từ Chiến tranh Lạnh. Nga là nước đầu tiên trang bị vũ khí siêu vượt âm với đầu đạn lượn “Avangard”, đồng thời sắp hoàn tất quá trình thử nghiệm tên lửa hành trình 3M22 “Zircon”. Hai loại vũ khí trên vốn có nguồn gốc từ một số dự án giai đoạn những năm 1970.

Cuộc chạy đua giữa hai siêu cường là động lực phát triển công nghệ lớn nhất giúp hiện thực hóa vật bay siêu vượt âm. Nga và Mỹ là hai nước có xuất phát điểm cao hơn trong lĩnh vực này. Mặc dù đi sau, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn có lợi thế nhờ hợp tác, mua bán công nghệ quốc phòng. Do đó hai nước trên vẫn đạt được một số thành tựu nhất định.

Ảnh đồ họa tên lửa hành trình siêu vượt âm của Nhật Bản. (Ảnh: ATLA)

Trong khi đó, Nhật Bản ở vào thế bị “gò bó” nhiều hơn về quốc phòng, đặc biệt trong phát triển vũ khí có tính răn đe chiến lược. Kể từ sau khi thua trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản phải phụ thuộc vào ô bảo vệ của Mỹ, đồng thời không được phát triển các loại tên lửa có tầm bắn trên 500km, đặc biệt là tên lửa đạn đạo.

Công nghệ lõi có nguồn gốc dân sự

Tuy nhiên, về phát triển hàng không vũ trụ dân sự, Nhật Bản không gặp phải ràng buộc nào và hiện nay đang là một trong những cường quốc về lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao này. Kể từ những năm 1960 đến nay, Nhật Bản đã đạt được những bước tiến dài trong phát triển tên lửa đẩy, vệ tinh và tàu vũ trụ.

Những công nghệ sử dụng trong thiết bị bay vũ trụ dân sự, đặc biệt về động cơ đẩy và vật liệu chịu nhiệt cũng đóng vai trò then chốt, hoàn toàn có thể áp dụng vào vũ khí. Do đó, đội ngũ nhân sự của Nhật Bản đã sở hữu lượng kiến thức đáng kể, cũng như có hàng chục năm kinh nghiệm thực tế.

Theo kế hoạch được công bố bởi Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản (ATLA), đơn vị chịu trách nhiệm phát triển tên lửa hành trình siêu vượt âm, loại động cơ chủ chốt để tên lửa đạt vận tốc hơn 5 lần vận tốc âm thanh sẽ do Cơ quan thám hiểm vũ trụ (JAXA) đảm nhiệm.

 

JAXA đã có nhiều kinh nghiệm với loại động cơ này. Vào cuối những năm 1990, tiền thân của cơ quan này là Viện không gian và hàng không vũ trụ (ISAS) đã đạt được một số thành công trong thử nghiệm một loại động cơ phản lực dòng thẳng tăng áp (ATREX). Động cơ này dự kiến được áp dụng cho dự án tàu vũ trụ tương tự tàu con thoi do Nhật Bản tự thiết kế.

Động cơ ATREX trong quá trình thử nghiệm (Ảnh: JAXA)

Đối với dự án đầu đạn lượn siêu vượt âm, ATLA tuyên bố vũ khí này sẽ sử dụng động cơ rocket nhiên liệu rắn. Đây là lựa chọn dễ tiếp cận hơn do JAXA đã có nhiều kinh nghiệm về tên lửa đẩy, hoàn toàn tự chủ về phóng vệ tinh và các chuyến bay chở hàng lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Có thể thấy, Nhật Bản đã nắm được, hoặc có những bước đi đầu tiên trong công nghệ lõi về vũ khí siêu vượt âm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản sẽ còn gặp một số thách thức khác. Giới chuyên gia nhận định, ngay cả khi sản xuất được vũ khí, vẫn cần phải có một hệ thống điều khiển phức tạp để xác định, theo dõi, khóa mục tiêu, sau đó dẫn đường cho đạn tấn công chính xác mục tiêu đó. Quá trình này khó khăn hơn so với trên đạn siêu âm truyền thống do đặc tính bay của đạn ở dải tốc độ siêu vượt âm có nhiều khác biệt.

Mục đích sử dụng của Tokyo

Qua những tuyên bố từ phía Nhật Bản, có thể thấy được chiến lược sắp tới của Tokyo. Truyền thông Nhật Bản nhận định, tên lửa hành trình siêu vượt âm có thể sẽ được triển khai trên các đảo thuộc chủ quyền nằm cách xa lãnh thổ nước này, đặc biệt là quần đảo Nansei ở phía Nam. Tốc độ cao của tên lửa sẽ tăng khả năng phản ứng của Lực lượng phòng vệ mặt đất trước các mối đe dọa từ phía biển, giảm bớt sự phụ thuộc vào tàu chiến và máy bay của các lực lượng khác mà vẫn tăng cường tính răn đe.

 

Theo tạp chí quân sự Jane’s, vũ khí siêu vượt âm của Nhật Bản sẽ được trang bị hai loại đầu đạn, bao gồm đầu đạn chuyên dụng để tiêu diệt tàu mặt nước cỡ lớn và đầu đạn dùng để “chế áp diện rộng”. Tờ Mainichi cho biết sau năm 2026, đầu đạn đối hạm có thể được nâng cấp chuyên biệt để “đâm thủng boong tàu sân bay”.

Đáng chú ý hơn, loại đầu đạn “chế áp diện rộng”, đặc biệt khi sử dụng trên đạn lượn siêu vượt âm còn có các đặc điểm của vũ khí tấn công đất đối đất. Điều này đang làm dấy lên nhiều nghi vấn về khả năng Tokyo sẽ tách rời khỏi chiến lược phòng thủ thuần túy.

Hình minh họa phiên bản đầu tiên (bên trái) và nâng cấp (bên phải) của đầu đạn lượn siêu vượt âm do Nhật Bản phát triển (Ảnh: ATLA)

Kể từ năm 2006, một số quan chức Nhật Bản đã nhắc tới khái niệm “tấn công căn cứ đối thủ” (teki kichi kōgeki), khiến giới truyền thông đưa ra nhận định rằng đây là động thái cho thấy Lực lượng phòng vệ Nhật Bản hướng tới tấn công phủ đầu. Tuy nhiên, tới năm 2009, Tokyo khẳng định “tấn công căn cứ đối thủ” sẽ chỉ được triển khai với mục đích “phản công” (hangeki), tiến hành sau khi lãnh thổ Nhật Bản bị tấn công.

Hiện tại, tầm bắn của tên lửa và đầu đạn lượn siêu vượt âm Nhật Bản đang phát triển vẫn chưa được tiết lộ. Xét về tình hình khu vực và đặc thù địa chính trị của nước này, yếu tố tầm bắn có thể sẽ được xác định tùy thuộc vào các thay đổi trong nước cũng như quốc tế.

Giới phân tích quân sự công nhận, chưa quốc gia nào sở hữu biện pháp đánh chặn hiệu quả vũ khí siêu vượt âm. Nếu loại vũ khí này được Nhật Bản phát triển đúng tiến độ đề ra, cán cân quân sự khu vực Đông Bắc Á sẽ chứng kiến nhiều thay đổi lớn trong những năm tới.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm