Thế khó của ông Trump sau vụ tấn công tên lửa của Iran
Tướng Mỹ tiết lộ chủ đích của Iran trong vụ tấn công căn cứ quân sự / Vì sao chiến hạm Mỹ loại biên lại khiến Nga, Trung e ngại?
Tổng thống Donald Trump đã đứng trước lựa chọn khó khăn sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran: Thực hiện lời cảnh báo do ông đưa ra trước đó về việc đáp trả mạnh mẽ Iran nếu Tehran trả đũa vụ Mỹ không kích giết chết tướng cấp cao của nước này, hay chấp nhận tín hiệu “xuống thang” từ Iran khi nước này chỉ thực hiện cuộc tấn công ở mức độ hạn chế, không gây bất kỳ thương vong cho lính Mỹ?
Quyết định của Iran khi thách thức Tổng thống Trump và không kích hai căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú tại Iraq đã đặt ông chủ Nhà Trắng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tổng thống Trump có thể bị chỉ trích là yếu đuối nếu dịu giọng trước Iran, nhưng nếu cứng rắn, ông có thể đẩy Mỹ vào một cuộc chiến mới ở Trung Đông mà bản thân ông từng thề sẽ chấm dứt.
Nếu không bên nào lùi bước, Mỹ có thể đứng trên bờ vực của cuộc chiến tranh nóng đầu tiên với Iran sau 40 năm chứng kiến các cuộc xung đột ủy nhiệm, những lời dọa nạt sắc lạnh và những lần tan băng ngoại giao ngắn ngủi.
Một kịch bản khác là mỗi bên cân nhắc việc giữ thể diện sau vài ngày lời qua tiếng lại và rút chân khỏi cuộc đối đầu đang có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát.
Tuy nhiên động thái hòa dịu như vậy chưa đủ để dập tắt những căng thẳng cố hữu giữa Mỹ và Iran. Tehran có thể sẽ tăng cường nỗ lực để "hất cẳng" Mỹ ra khỏi khu vực, trong khi Washington cũng đẩy mạnh việc gây sức ép về chính trị, ngoại giao, kinh tế với Tehran.
Tuy nhiên, hai nước vẫn kiềm chế để tránh không xảy ra xung đột trực diện. Các quan chức Mỹ nói với CNN rằng, ngày càng nhiều người trong chính quyền Trump tin cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran cố tình tránh các khu vực đông dân để không làm kích động Mỹ.
Một cuộc chiến với Iran có thể khoét sâu thêm những khó khăn của đời sống chính trị Mỹ trong bối cảnh ông Trump đang phải đối mặt với cuộc chiến luận tội và dốc sức cho chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 vào tháng 11 tới.
Hai lựa chọn của Tổng thống Trump
Thứ nhất, ông Trump có thể tiếp tục thực hiện những lời đe dọa mà ông từng đưa ra trước đó và tiến thêm một bước trong chu kỳ leo thang với Iran. Lấy lý do Iran phóng tên lửa từ lãnh thổ nước này và nhắm mục tiêu vào người Mỹ, Washington có thể tấn công vào lãnh thổ Iran. Với tinh thần dân tộc sẵn có, Iran có thể bước vào cuộc chiến tranh toàn diện với Mỹ.
“Nếu Iran làm bất kỳ điều gì mà họ không nên làm, họ sẽ phải gánh chịu hậu quả rất mạnh”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu Dục hôm 7/1.
Mọi động thái sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ đánh giá như thế nào về cuộc tấn công của Iran nhằm vào hai căn cứ quân sự ở Iraq.
Tổng thống Trump có thể lựa chọn chấp thuận cách chơi của Iran khi nước này phản ứng chừng mực trước vụ tướng cấp cao bị giết trong cuộc không kích của Mỹ. Theo đó, ông Trump có thể kiềm chế cơn thịnh nộ của quân đội Mỹ.
Mặc dù Iran đã phóng tên lửa tấn công trực diện các căn cứ có lính Mỹ đồn trú, nhưng nếu không có sự kiềm chế, Tehran hoàn toàn có thể gây ra thương vong lớn hơn cho Washington.
"Khoảng lặng" cần thiết
Nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột giữa Mỹ và Iran. Tuy nhiên, vào thời điểm quan trọng khi nhiệm kỳ tổng thống của ông bị cuốn vào các cuộc tranh cãi chính trị, Tổng thống Trump có thể lựa chọn một hướng đi khác.
Ông Trump vẫn thể hiện quyết tâm đưa lính Mỹ từ những nơi nguy hiểm trên thế giới về nước. Ông cũng xem việc triển khai quân ở nước ngoài là lãng phí tiền bạc. Tổng thống cũng hứa với những người ủng hộ rằng ông sẽ khác với những người tiền nhiệm trong việc đưa quân ra nước ngoài, đặc biệt ở Iraq.
Khác với dự tính của nhiều nhiều người, Mỹ đã không đáp trả Iran ngay lập tức sau cuộc tấn công bằng tên lửa vào rạng sáng 8/1.
“Bây giờ là thời điểm kiên nhẫn và kiềm chế”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết.
Tổng thống Trump cũng tìm cách trấn an rằng, không có người Mỹ nào thiệt mạng trong cuộc tấn công của Iran, bất chấp những báo cáo về con số thương vong của lính Mỹ do Iran tiết lộ.
Việc xác nhận không có lính Mỹ thiệt mạng có thể tạo ra cho Tổng thống Trump cái cớ để tránh thực hiện tấn công đáp trả nhằm vào Iran. Ngoài ra, việc ông Trump quyết định không đưa ra bài phát biểu quan trọng ngay sau khi cuộc tấn công của Iran nổ ra cũng được xem là lựa chọn khôn ngoan.
Có lẽ một khoảng lặng sẽ giúp tổng thống Mỹ có thêm thời gian để suy tính.
Trung tướng về hưu Mark Hertling, một nhà phân tích quân sự, cũng nhắc tới một bài học trong lịch sử Mỹ gần đây và đưa ra lời khuyên rằng Tổng thống Trump nên kiềm chế.
“Rất dễ để rơi vào và bắt đầu một cuộc chiến. Nhưng để tránh không bị cuốn vào cuộc chiến đó còn khó hơn nhiều”, Tướng Hertling nhận định.
Robert Menendez, Thượng nghị sĩ Dân chủ cấp cao tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cũng hối thúc Tổng thống Trump lùi lại trong cuộc đối đầu với Iran trước khi quá muộn.
“Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng khi vẫn có cơ hội theo đuổi các kênh ngoại giao. Người dân Mỹ không quan tâm tới việc tham gia vào một cuộc chiến bất tận khác ở Trung Đông mà không có chiến lược hay mục tiêu rõ ràng”, nghị sĩ Menendez cho biết.
Một câu hỏi quan trọng được đặt ra trong những ngày tới là liệu Tổng thống Trump có đủ khả năng gắn kết cả hệ thống chính trị Mỹ, vốn có nhiều chia rẽ, hay không, nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn. Rốt cuộc đây vẫn là một bài toán khó đối với ông chủ Nhà Trắng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo