Thị trường tiền tệ thế giới vẫn đối mặt nhiều rủi ro biến động
IMF: Triển vọng kinh tế châu Âu xấu đi / Kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn dự kiến
Cặp Euro/USD: Áp lực vẫn còn lớn
Cặp tiền tệ Euro/USD đã tăng trong tuần thứ hai liên tiếp, kết thúc ở mức 1 Euro đổi 0,9950 USD sau khi giảm từ mức cao nhất trong một tháng là 1 Euro đổi 1,0094 USD.
Đồng USD đã khởi động tuần mới không mấy lạc quan khi kéo dài đà giảm của tuần trước đó, trong bối cảnh thị trường dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Tương tự, đồng Euro khá trầm lắng do các số liệu gần đây của châu Âu cho thấy khả năng suy thoái kinh tế tiếp tục gia tăng.
Nhưng tình hình đã thay đổi vào thứ Năm (27/10), khi một loạt yếu tố tại châu Âu lẫn Mỹ khiến giới giao dịch bất ngờ và bối rối.
Trọng tâm chú ý vẫn là động thái của các ngân hàng trung ương, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên 2%. Đây là lần tăng lãi suất thứ ba liên tiếp và là lần tăng lớn thứ hai trong lịch sử của ngân hàng này.
Các biện pháp của ECB được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) tiếp tục tăng trong tháng Chín lên mức cao kỷ lục. So với cùng kỳ tháng 9/2021, giá tiêu dùng tăng 9,9%, mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được đưa vào sử dụng năm 1999. Dự kiến, ECB có thể tiếp tục tiếp tục xem xét tăng lãi suất trong tháng 12 tới để ứng phó với mức lạm phát cao hiện nay.
Các nhà kinh tế cho rằng việc tăng lãi suất cao hơn là cần thiết để chống lạm phát hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại rằng nền kinh tế vốn đang bị tắc nghẽn nguồn cung và hậu quả của cuộc chiến tranh Ukraine đối với thị trường năng lượng có thể bị chững lại.
Tại Mỹ, chính phủ nước này đã công bố ước tính sơ bộ về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III, cho thấy nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 2,6% - vượt dự báo 2,4% trước đó và đảo ngược xu hướng tiêu cực của hai quý trước. Đồng bạc xanh đã có thời điểm tăng nhờ các số liệu tăng trưởng lạc quan, nhưng kỳ vọng về một Fed ôn hòa hơn đã xóa đi mức tăng đó.
FED như thường lệ vẫn dẫn đầu xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi ECB thuộc nhóm phản ứng chậm hơn. Trong khi giới quan sát nhận định FED đã đủ mạnh tay, ECB vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Tăng trưởng ở Mỹ đã chứng tỏ khả năng phục hồi, trong khi các nhà chức trách Liên minh châu Âu (EU) đang vẽ nên một bức tranh ảm đạm phía trước.
Hiện giới quan sát đang hy vọng FED có thể làm chậm tốc độ điều chỉnh chính sách và mức lãi suất 3,25% sẽ có thể hạ nhiệt lạm phát mà không làm tổn hại đến tăng trưởng. Mặt khác, ECB không những phải đối phó với lạm phát kỷ lục và tăng trưởng chậm lại mà còn phải giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng khu vực.
Nhìn chung, cặp Euro/USD sẽ còn một chặng đường gập ghềnh phía trước với bất lợi nghiêng về phía đồng tiền chung châu Âu.
Cặp Bảng Anh/USD: Đà phục hồi mong manh
Thủ tướng mới của Vương quốc Anh, ông Rishi Sunak đã thổi luồng sinh khí mới vào cặp Bảng Anh/USD, khi cặp này kéo dài đà tăng sang tuần thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, thị trường vẫn thận trọng xem xét liệu cặp tiền tệ này có duy trì được đợt phục hồi trước các sự kiện vĩ mô quan trọng của tuần tới hay không.
Sau một giai đoạn củng cố ngắn ngủi, đồng Bảng đã tiếp tục đà phục hồi từ mức đáy của nhiều thập kỷ là 1,030 USD đổi 1 bảng lên 1,115 USD đổi 1 bảng. Đà tăng kéo dài của cặp này nhiều khả năng nhờ sự lạc quan đối với vị tân Thủ tướng của Vương quốc Anh, cùng khuôn khổ chính sách tài chính quốc gia mới.
Ngoài ra, những nhận định thiên về hướng đồng USD cùng lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ sẽ yếu đi – dựa trên kỳ vọng rằng FED sẽ chuyển hướng sang lập trường chính sách ôn hòa - đã hỗ trợ tâm lý lạc quan cho các nhà giao dịch.
Dữ liệu do Cơ quan Phân tích Kinh tế của Mỹ công bố hôm thứ Sáu (28/10) cho thấy Chỉ số Giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) – một thước đo lạm phát quan trọng của Mỹ - đã tăng lên 5,1% trong tháng Chín so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 4,9% ghi nhận trọng tháng Tám. Do số liệu này yếu hơn một chút so với kỳ vọng của thị trường là 5,2%, đồng USD đã phải vật lộn để tiếp tục duy trì đà khởi sắc và giúp cặp bảng Anh/USD hạn chế mức giảm.
Các nhà kinh tế tại Scotiabank tin rằng đồng bảng Anh đã thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất trong cuộc hỗn loạn gần đây. Việc khôi phục uy tín của Chính phủ Anh đối với thị trường tài chính có thể giúp đồng bảng lấy lại vùng 1,20 USD đổi 1 Bảng Anh sau khi phục hồi qua vùng 1,14 USD đổi 1 bảng. Tuy nhiên, việc chính phủ mới trì hoãn công bố bản cập nhật chính sách tài khóa khiến đồng Bảng có thể chịu biến động theo đồng USD trong thời gian chờ đợi.
* Cặp Yen/USD: BoJ ôn hòa khiến đồng Yen tiếp tục yếu đi
Sự phục hồi mạnh mẽ của đồng bạc xanh ghi nhận trong phiên giao dịch ở châu Á và đầu phiên ở châu Âu đã chấm dứt sau khi cặp này chạm mức 147,85 Yen đổi 1 USD. Khép phiên 28/10, đồng USD ở quanh mức 147,50 Yen đổi 1 USD sau khi tăng từ mức thấp nhất trong phiên là gần 146 Yen đổi 1 USD.
Đồng Yen của Nhật Bản cũng mất một phần mức tăng của những ngày trước đó, bị ảnh hưởng bởi những lời phát biểu về quyết định chính sách tiền tệ theo hướng ôn hòa của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Như dự báo của giới quan sát, BoJ vẫn giữ nguyên mục tiêu lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và tái khẳng định cam kết giữ lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm gần mức 0%.
Ngoài ra, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda tuyên bố rằng ngân hàng trung ương này không có kế hoạch tăng lãi suất hoặc tìm cách rút lại chính sách hiện tại bất kỳ lúc nào. Chính điều này đã kích hoạt sự đảo chiều của đồng Yen trên diện rộng. Hiện một số nhà quan sát nhận định đồng yen có thể rơi xuống ngưỡng 150 Yen đổi 1 USD trong thời gian tới.
Trong các phiên trước đó, đồng Yen đã mạnh lên và neo quanh ngưỡng 146 Yen đổi 1 USD sau khi Bộ Tài chính Nhật Bản liên tục đưa ra cảnh báo sẽ hành động quyết liệt để kiểm soát rủi ro trên thị trường tài chính, cùng như việc giới đầu tư kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất của FED chậm dần.
Các ngân hàng trung ương tiếp tục là tâm điểm chú ý
Trọng tâm chú ý trong tuần đầu tiên của tháng 11/2022 là động thái của các ngân hàng trung ương: Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), FED và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ lần lượt đưa ra quyết định lãi suất vào các ngày từ 1 – 3/11.
Thị trường dự kiến FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Ngược lại, BoE vào thứ Năm có khả năng sẽ giữ vững lập trường thận trọng trong khi quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. RBS thậm chí nhiều khả năng đưa ra mức tăng chỉ 25 điểm.
Ngoài quyết định lãi suất của các ngân hàng trung ương, thị trường cùng sẽ dõi theo các số liệu kinh tế vĩ mô Mỹ, gồm chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 cho lĩnh vực chế tạo và dịch vụ. Vào thứ Sáu (4/11), Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 10, dự kiến cho thấy nền kinh tế đã bổ sung 200.000 vị trí việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức 3,5% hiện tại lên 3,6%.
Các báo cáo về thị trường lao động từ New Zealand (Niu Di-lân), Đức và Canada cũng sẽ được công bố trong tuần tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng thống Donald Trump nhậm chức: Giá vàng thay đổi chóng mặt, Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Nhiệm kỳ lần thứ 2 của Tổng thống Donald Trump đánh dấu kỷ nguyên mới cho tiền điện tử
Quá khứ 'hot boy nổi loạn' của Tổng thống Donald Trump và cú thay đổi ngoạn mục sau khi chuyển trường
Ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký gần 100 sắc lệnh hành pháp
Vì sao Tổng thống Donald Trump tuyệt đối không nhắc đến Nga hay Ukraine khi phát biểu nhậm chức?