Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất phi đội F-16 240 chiếc nếu tiếp tục mua Su-57E?
Tại Triển lãm hàng không quốc tế Moskva - MAKS 2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới tiêm kích tàng hình Su-57E của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố triển khai hệ thống S-400 nếu bị tấn công / Chiến đấu cơ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ suýt chiến nhau trên không phận Syria
Trong số những phái đoàn quân sự nước ngoài tới tham quan chiếc Su-57E thì Thổ Nhĩ Kỳ được chú ý nhiều nhất, bởi vì khả năng cao họ sẽ là khách hàng đầu tiên của chiếc chiến đấu cơ này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong chuyến công du tại Nga đã xem xét rất kỹ chiếc Su-57E và cho biết đã có có kế hoạch đặt mua trong tương lai gần.
Ngoài mua sắm nguyên chiếc, Thổ Nhĩ Kỳ còn mong muốn được hợp tác cùng Nga sản xuất một vài thành phần của Su-57E, cũng như dùng công nghệ để hoàn thiện chiếc tiêm kích thế hệ 5 T-FX của mình.
Việc Ankara quay sang quan tâm đến Su-57E được cho là phản ứng hợp lý trước việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đình chỉ việc bàn giao và loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chuỗi sản xuất tiêm kích tàng hình F-35 Lighting II.
Hành động hỏi mua tiêm kích tàng hình Su-57 có thể được xem như phản ứng cứng rắn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trước sức ép của Mỹ, yêu cầu họ phải trả lại Nga tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf.
Tuy nhiên, vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm vào thời điểm hiện tại đó là nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua Su-57E của Nga thì Mỹ liệu có thể áp đặt biện phát trừng phạt nào khác lên Ankara hay không?
Theo đánh giá từ giới chuyên gia quân sự, trong tay Washington vẫn còn rất nhiều con bài chiến lược để tiếp tục gây sức ép lên Ankara, không chỉ riêng tiêm kích thế hệ 5 F-35 Lightning II.
Hiện tại trong biên chế không quân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn rất nhiều máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất, cụ thể là 50 chiếc F-4E Phantom II cùng 240 chiếc F-16 Fighting Falcon.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể sản xuất được khung vỏ hay một số thành phần phụ tùng của F-16 nhưng quốc gia này vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ trong công tác đảm bảo kỹ thuật cho chúng.
Do vậy, nếu Mỹ quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách ngừng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật thì Ankara sẽ phải đối diện nguy cơ phi đội 240 chiếc F-16 của mình phải nằm đất.
Thiệt hại của việc mất số lượng lớn đến mức tê liệt cả lực lượng không quân tiêm kích như trên rõ ràng lớn hơn hẳn lợi ích mà chỉ hơn một chục chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 mang lại.
Do vậy rõ ràng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải cân nhắc thiệt hơn thật kỹ càng trước khi quyết định sẽ tiến xa hơn trong thương vụ mua sắm tiêm kích tàng hình Su-57 với Nga.
Trong hợp đồng mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf, có thể Thổ Nhĩ Kỳ còn chưa lường hết được phản ứng rất quyết liệt mà Mỹ đưa ra.
Nhưng nay khi đã rõ đường hướng của chính quyền Tổng thống Donald Trump thì rõ ràng Ankara sẽ phải cân nhắc đến tình huống xấu nhất trước khi đưa ra quyết định sau cùng.
Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo
Tại Triển lãm hàng không quốc tế Moskva - MAKS 2019, tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57E là một trong những "ngôi sao" thu hút được rất nhiều sự quan tâm của du khách tham quan.