Thượng đỉnh G7: Cơ hội “có một không hai” giúp ông Biden khôi phục lòng tin với châu Âu
Mỹ lần đầu tái trang bị bản mặt đất của Tomahawk / Những nữ tình báo nổi tiếng nhất thời Liên Xô
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden không chỉ dừng lại ở những bức ảnh tươi cười và những bản thông cáo được được gọt giũa về câu từ. Nhiều người coi việc ông tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) là cơ hội có một không hai, không chỉ để hàn gắn lại quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tácvốnbị rạn nứt dưới thời chính quyền Donald Trump mà còn để tái khẳng định vai trò của Mỹ và phương Tây với thế giới.
Xây dựng một hình ảnh khác Trump
Chuyến công du cũng bị phủ bóng bởi những câu hỏi liệu Tổng thống Biden có tập hợp được một mặt trận thống nhất để đối phó với đối thủ cạnh tranh chiến lược là Trung Quốc hay không. Ông Fabrice Pothier, Giám đốc chiến lược của công ty tư vấn Rasmussen Global ở Brussels nhận định: “Sau 4 năm nhiều sóng gió dưới thời chính quyền Donald Trump, châu Âu giờ đã có được sự lãnh đạo của Mỹ mà họ mong muốn”.
Khi xuất hiện tại các hội nghị thượng đỉnh quốc tế, cựu Tổng thống Trump từng có những lời lẽ và hành động gây mất lòng các đồng minh và đối tác. Hiện giờ, Tổng thống Biden đang tận dụng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông để chứng minh mọi thứ sẽ diễn ra khác biệt. Khi chụp “bức ảnh gia đình” với các nhà lãnh đạo khác của G7 tại Vịnh Carbis, ở Cornwall, Anh vào chiều 11/6, ông Biden giơ ngón tay cái theo những con sóng và nói đùa rằng: “Mọi người đang ở dưới nước”.
Thủ tướng Boris Johnson của Anh – nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay ca ngợi sự có mặt của ông Joe Biden như một “làn không khí mát lành” sau cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai bên: “Thật tuyệt vời khi lắng nghe Tổng thống Biden và chính quyền của ông. Có rất nhiều thứ họ muốn làm việc với chúng tôi, về an ninh, NATO, về biến đổi khí hậu. Điều này giống như một làn không khí mát lành”
Giới phân tích cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh G7 và hội nghị NATO vừa là thách thức lại vừa là cơ hội để Tổng thống Biden thiết lập lại đường lối ngoại giao của Mỹ sau 4 năm xáo trộn dưới thời chính quyền Donald Trump. Brett Bruen, cựu nhân viên ngoại giao và là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama nhận định: “Các nhà lãnh đạo châu Âu muốn thấy ông Biden hoạch định một cách chi tiết về giải pháp cho những vấn đề lớn như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, chứ không chỉ dừng lại ở các thông cáo báo chí. Áp lực sẽ gia tăng và một số nhà lãnh đạo thậm chí sẽ đặt câu hỏi Mỹ sẽ làm gì để khôi phục lại lòng tin và sự tín nhiệm?”.
Trong ngày đầu tiên của Hội nghị G7, Tổng thống Biden đã cam kết đóng góp 500 triệu liều vaccine cho cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu. Sau đó, ông Biden sẽ gặp gỡ các đồng minh để tìm ra cách thức hợp tác nhằm ngăn chặn đại dịch, biến đổi khí hậu, đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy và gửi thông điệp cứng rắn đến Tổng thống Nga Putin.
Truyền tải thông điệp "Nước Mỹ trở lại"
Bằng lời nói và hành động, Tổng thống Biden đang gửi đi thông điệp rằng, Mỹ đã trở lại sân khấu quốc tế và nước này muốn hợp tác với các đồng minh phương Tây trong nhiều vấn đề lớn.
John Hudak, một thành viên cấp cao của Viện Brookings nhận xét rằng: “Tổng thống Biden đang áp dụng một cách tiếp cận cởi mở, cho thấy sự thiện chí và ông ấy cần tiếp tục làm điều đó. Hội nghị Thượng đỉnh G7 là bước tiến lớn đầu tiên chứng minh cho thế giới thấy rằng Mỹ đang trở lại vị thế mà nước này từng nắm giữ”.
Thay vì yêu cầu các nước khác tăng cường chi tiêu quốc phòng và tuân thủ các cam kết với NATO, hành động đầu tiên trong chuyến công du của Tổng thống Biden là cùng Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson ký vào bản Hiến chương Đại Tây Dương mới về thương mại, quốc phòng, tấn công mạng, biến đổi khí hậu và cả Covid-19.
Hiến chương Đại Tây Dương do Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill ký vào năm 1941, vạch ra mục tiêu sau Thế chiến 2, với thông điệp là “nước Mỹ cùng hành động” (America Together).
“Hiến chương Đại Tây Dương mới dựa trên những cam kết và nguyện vọng được đề ra cách đây 80 năm, khẳng định cam kết không ngừng của chúng tôi trong việc duy trì các giá trị lâu dài của chúng tôi và bảo vệ những giá trị đótrước những thách thức mới và cũ”, văn kiện chung nêu rõ.
Việc ký kết bản hiến chương mới là một ví dụ cho thấy Tổng thống Biden muốn tạo ra sự thay đổi lớn so với người tiền nhiệm Donald Trump.
Châu Âu giờ đã khác trước
Dù cố gắng mang đến một luồng gió mới cho Thượng đỉnh G7 nhưng những thách thức Tổng thống Biden phải đối mặt không hề nhỏ do sự biến động địa chính trị trên thế giới thời gian qua.
Theo các cuộc khảo sát thường xuyên của Trung tâm Nghiên cứu Pew, suốt 4 năm qua, nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ, đặc biệt là phương Tây đã tỏ ra hoài nghi về vai trò của Washington.
Kể từ khi ông Joe Biden đắc cử tổng thống, đã có “sự thay đổi đáng kể trong hình ảnh quốc tế của Mỹ”, trung tâm này cho biết. Hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu đều cảm thấy nhẹ nhõm khi chính sách “nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Trump bị đẩy lùi về phía sau. Họ hoan nghênh việc quay trở lại chủ nghĩa đa phương của Tổng thống Biden. Nhưng họ vẫn sẽ cảnh giác. Một trong những lý do quan trọng là châu Âu tỏ ra dè dặt hơn Tổng thống Biden trong việc theo đuổi lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Liên minh châu Âu đã tạm dừng Hiệp định toàn diện về đầu tư với Trung Quốc do căng thẳng leo thang giữa hai bên, nhưng một số chính trị gia, trong đó có Tổng thống Pháp Macron cho rằng cách tiếp cận đối đầu theo kiểu “tất cả cùng chống lại Trung Quốc” là “phản tác dụng”. Dù Hiệp định này đã bị tạm dừng song quan hệ hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc với một số thành viên của EU vẫn được giữ vững. Chẳng hạn, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức.
Bên cạnh đó, một số quan chức châu Âu cũng tỏ ra thận trọng khi ủng hộ Tổng thống Biden vì sợ rằng ông có thể bị cựu Tổng thống Donald Trump hoặc một nhân vật giống Trump thay thế trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2024. Tại Mỹ, các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa và các đối thủ tiềm tàng của Biden đang chuẩn bị đưa chính sách đối ngoại trở thành một vấn đề chính trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022và bầu cử tổng thống vào năm 2024.
Chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden đã tác động đến cách nhìn của thế giới đối với Mỹ. Theo cuộc khảo sát được công bố ngày 10/6 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, tỷ lệ người dân có cái nhìn tích cực đối với Mỹ trên toàn thế giới đã tăng từ 34% vào cuối giai đoạn chính quyền Trump lên đến 65% vào tháng 6/2021, sau 5 tháng chính quyền Biden lên nắm quyền.
Tuy vậy, nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump đã tạo ra nhiều thay đổi về địa chính trị toàn cầu. Theo chuyên gia Brett Bruen, nỗ lực của ông Trump đưa Mỹ ra khỏi cácthỏa thuận quốc tế như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran đã giúp châu Âu gây dựngảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế. Các nhà lãnh đạo châu Âu không muốn từ bỏ điều đó. Bruen nói: “Họ muốn tiếp tục đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự toàn cầu”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo