Quốc tế

Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam có thể thông qua hiệp ước hòa bình

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và thông qua hiệp ước hòa bình trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại Việt Nam sắp tới.

F-22 đánh bại máy bay thế hệ 5 đầu tiên của Nga như thế nào? / Kẹt đạn như cơm bữa, vì sao Mỹ vẫn tin dùng M2 Browning?

Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam có thể thông qua hiệp ước hòa bình - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ký tuyên bố chung trong cuộc gặp hồi tháng 9/2018. (Ảnh: Korea Herald)

Theo báo Dong-a Ilbo (Hàn Quốc), Mỹ và Triều Tiên được cho là đã dàn xếp những bất đồng giữa hai bên trong các cuộc hội đàm làm việc kéo dài 3 ngày tại Bình Nhưỡng. Theo đó, Mỹ và Triều Tiên nhất trí đưa tuyên bố kết thúc chiến tranh và báo cáo sơ bộ về cơ sở hạt nhân Yongbyon vào tuyên bố chung Hà Nội do hai nước thông qua tại hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Việt Nam sắp tới.

Dong-a Ilbo đưa tin Mỹ và Triều Tiên cũng lên kế hoạch xây dựng thỏa thuận về lộ trình phi hạt nhân hóa tại các cuộc họp dự kiến diễn ra vào tuần tới ở nước thứ ba tại châu Á, có thể tại Việt Nam.

“Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun nói rằng các cuộc hội đàm làm việc tại Bình Nhưỡng đã góp phần chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần hai. Tuyên bố kết thúc chiến tranh và báo cáo sơ bộ về cơ sở hạt nhân Yongbyon có thể được đưa vào tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội”, một nguồn tin ngoại giao cho biết.

Theo báo Hàn Quốc, điều này đồng nghĩa với việc hai nước đã đạt được một thỏa thận về các biện pháp mà Bình Nhưỡng cần thực hiện trong giai đoạn đầu của tiến trình phi hạt nhân hóa.

Đặc phái viên Stephen Biegun đã có các cuộc hội đàm làm việc với người đồng cấp Triều Tiên Kim Hyok Chol từ ngày 6-8/2 tại Bình Nhưỡng trước khi thông báo cho Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong về kết quả của các cuộc hội đàm này. Đặc phái viên Biegun đã quay về Washington hôm 9/2.

 

“Biegun cho biết ông đã thảo luận với Triều Tiên về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa. Đặc phái viên Mỹ nói rằng ông và ông Kim Hyok Chol đã thảo luận về các chi tiết mà chưa từng được trao đổi công khai trước đây”, một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc tiết lộ.

Trong cuộc họp với các nhà lập pháp Hàn Quốc, ông Biegun nói rằng Triều Tiên hiện tại nhiệt tình hơn nhiều so với trước đây. Một số chuyên gia cho biết Triều Tiên đã đề nghị đóng cửa một số cơ sở hạt nhân làm giàu uranium khác thay vì tổ hợp hạt nhân Yongbyon để đổi lấy việc Mỹ nới lỏng trừng phạt Bình Nhưỡng.

“Chúng ta vẫn còn một số công việc khó khăn cần làm với Triều Tiên”, ông Biegun nói với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha.

Triển vọng hiệp ước hòa bình

Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam có thể thông qua hiệp ước hòa bình - 2

Lễ ký thỏa thuận đình chiến năm 1953. (Ảnh: Korea Times)

 

Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do hai nước mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), chứ chưa phải một hiệp ước hòa bình. Ngoài Hàn Quốc và Triều Tiên, các bên ký thỏa thuận đình chiến còn có Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu, lực lượng sát cánh cùng quân đội Hàn Quốc, và lực lượng Trung Quốc hậu thuẫn cho Triều Tiên.

Tuyên bố kết thúc chiến tranh từng là một trong những thỏa thuận đầu tiên giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp hồi năm ngoái. Tuy nhiên, hai bên không đạt được nhiều tiến triển vì Mỹ và Triều Tiên vẫn tranh cãi về kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới, ông Kim Jong-un đã kêu gọi tiến hành “các cuộc đàm phán đa phương để thay thế thỏa thuận đình chiến hiện thời bằng một cơ chế hòa bình ràng buộc chặt chẽ với các bên đã ký thỏa thuận đình chiến trước đây”.

Đối với Bình Nhưỡng, một hiệp ước hòa bình đóng vai trò sống còn với sự tồn vong của chế độ vì ký hiệp ước hòa bình đồng nghĩa với việc Mỹ và Triều Tiên không còn là kẻ thù nữa.

Tổng thống Moon Jae-in, người nêu cao khẩu hiệu xây dựng một bán đảo Triều Tiên “không còn chiến tranh”, ủng hộ mạnh mẽ việc ký hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, Mỹ dường như cảnh giác hơn vì hiệp ước hòa bình có thể làm dấy lên tranh cãi về liên minh quân sự của Washington với Seoul cũng như sự hiện diện của 28.500 binh sĩ Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc.

 

“Mỹ lo sợ rằng sự thay đổi đột ngột trong trật tự khu vực sẽ ảnh hưởng tới chính lợi ích của họ và điều này là không tốt khi Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh”, Giáo sư Koh Yu-hwan chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk nhận định.

Một số chuyên gia cho rằng khả năng các bên thông qua hiệp ước hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam không cao do tính phức tạp của vấn đề này.

Theo Giáo sư Koo Kab-woo tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, việc thông qua hiệp ước hòa bình đòi hỏi “nhiều vấn đề thay đổi lớn”, từ việc sửa chữa hiến pháp của cả Hàn Quốc và Triều Tiên cho tới việc điều chỉnh lại vai trò của lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc.

Nhà phân tích Kim Dong-yub tại Viện nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul dự đoán các cuộc đàm phán để thông qua hiệp ước hòa bình có thể cần tới hơn 3 năm.

Một kịch bản khả thi hơn là các bên liên quan, gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc, tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh và xem đây là tuyên bố chính trị.

 

“Điều này sẽ mở đường cho một hiệp ước hòa bình”, nhà phân tích Go Myong-hyun tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul nhận định.

“Một tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ chấm dứt mối quan hệ thù địch bằng lời nói. Còn hiệp ước hòa bình sẽ kết thúc mối quan hệ thù địch bằng cách ràng buộc về mặt pháp lý”, Giáo sư Koh cho biết thêm.

Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm