Tiêm kích F-35 Mỹ thường xuyên gặp sự cố do lỗi sản xuất?
Đơn vị của Ukraine thiệt hại nặng do bị Nga phục kích / Nga tấn công tên lửa vào phía Tây, xóa sổ kho xuồng không người lái của Ukraine
Theo hãng thông tấn Kyodo News, hôm 3/6, hai máy bay chiến đấu tàng hình F-35A thuộc căn cứ Misawa của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản lần lượt phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Aomori.
Sự việc khiến sân bay Aomori phải đóng cửa đường băng 20 phút, không ghi nhận thiệt hại nào. Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đang điều tra nguyên nhân cụ thể.
Máy bay chiến đấu F-35A thuộc căn cứ Misawa của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản. (Ảnh: JASDF)
Hãng tin AP đưa tin, hai máy bay F-35A trên đang thực hiện các chuyến bay huấn luyện tại căn cứ Misawa. Một trong những máy bay đã gặp phải "sự cố cơ học không xác định" và yêu cầu hạ cánh khẩn cấp, rồi đáp xuống sân bay Aomori gần đó. Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản từ chối cung cấp thông tin chi tiết, bao gồm cả lý do hạ cánh khẩn cấp.
Những sự cố thường xuyên xảy ra với dòng máy bay chiến đấu F-35 khiến độ tin cậy của tiêm kích này bị nghi ngờ.
Tháng 6 năm ngoái, hai chiếc F-35A thuộc căn cứ Misawa cũng phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Aomori. Cuộc điều tra sau đó phát hiện hệ thống điện của máy bay gặp trục trặc khiến đèn cảnh báo bật sáng.
Là quốc gia sử dụng F-35 nhiều nhất, các sự cố liên quan máy bay này tại Mỹ thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Hôm 28/5, một máy bay chiến đấu F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ đã bị rơi gần Sân bay Quốc tế Albuquerque ở bang New Mexico, Mỹ.
Phi công trên máy bay bật ghế thành công ra ngoài nhưng bị thương nặng. Quan chức Lầu Năm Góc nói máy bay gặp nạn là tiêm kích tàng hình F-35B mới xuất xưởng, đang bay từ nhà máy của Lockheed Martin đến căn cứ Thủy quân lục chiến Mỹ để bàn giao.
Lockheed Martin cho biết chiếc F-35B này đang bay từ Fort Worth (bang Texas) tới Căn cứ Không quân Edwards ở bang California, đã bị rơi sau khi tiếp nhiên liệu tại Căn cứ Không quân Kirtland ở bang New Mexico.
Quân đội Mỹ vẫn đang điều tra nguyên nhân cụ thể của vụ tai nạn.
F-35B của quân đội Mỹ cũng bị rơi 2 lần trước đó vào các ngày 15/12/2022 và ngày 17/9/2023.
Máy bay chiến đấu F-35B của quân đội Mỹ. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu)
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, F-35 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới do Mỹ phát triển, bao gồm ba mẫu: F-35A cất cánh và hạ cánh thông thường, F-35B cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, F-35C phóng từ tàu sân bay.
F-35 được coi tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ nhờ hội tụ những yếu tố của một vũ khí chiến đấu uy lực như khả năng tàng hình trước radar, tốc độ ấn tượng, tính linh hoạt cao, hệ thống cảm biến hiện đại.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề đã tồn tại kể từ khi máy bay được phát triển, đặc biệt là thường phát sinh lỗi kỹ thuật ở khâu sản xuất khiến máy bay phải làm đi làm lại nhiều lần. Điều này gây ra sự chậm trễ nghiêm trọng về tiến độ và chi phí bị đội lên cao. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân biến F-35 trở thành máy bay chiến đấu đắt đỏ nhất thế giới.
Theo dữ liệu do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, máy bay chiến đấu F-35 có hơn 800 lỗi thiết kế. Do các vấn đề lâu dài chưa được giải quyết với động cơ, ghế phóng an toàn và vật liệu thân máy bay của F-35, Lầu Năm Góc đã nhiều lần yêu cầu dừng bay với dòng tiêm kích này.
Tháng 5 năm nay, Defense News của Mỹ tiết lộ, kể từ tháng 7/2023, Lầu Năm Góc đã từ chối tiếp nhận những chiếc F-35 chưa hoàn thành nâng cấp quan trọng theo yêu cầu. Sự việc khiến Lockheed Martin đành xếp hàng trăm chiếc F-35 mới cứng chật kín đường băng của nhà máy.
Defense News chỉ ra các máy bay chiến đấu dòng F-35 không chỉ sai sót về hiệu suất thiết kế mà còn có vấn đề nghiêm trọng về chất lượng sản xuất.
"Hàng loạt vấn đề" đã được phát hiện trên 5 máy bay chiến đấu hoạt động trên tàu sân bay F-35C mới được giao cho Phi đội 311 của Thủy quân lục chiến Mỹ vào năm 2023.
"Hàng loạt vấn đề" này không được tiết lộ cụ thể nhưng giới chuyên gia Mỹ đánh giá là “rất sốc và cực kỳ đáng lo ngại”.
"Từ Nhật Bản đến Mỹ, những mối nguy hiểm tiềm ẩn khác nhau mà F-35 bộc lộ đang gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của vũ khí do Mỹ sản xuất", Thời báo Hoàn Cầu bình luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo