Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga nhận đủ cặp vũ khí tấn công cực kỳ lợi hại
Lý do khiến Hàn Quốc diễn tập phòng thủ dân sự toàn quốc đầu tiên sau 6 năm / Ukraine sẽ sớm thất vọng với xe tăng M1 Abrams nhận từ Mỹ?
Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga, tiêm kích tàng hình Su-57 Felon đã tham gia một số trận không chiến và vũ khí được nó sử dụng chính là tên lửa tầm xa R-37M. Hình ảnh của loại đạn đặc biệt này đã được ghi nhận trên bầu trời Ukraine.
Tên lửa R-37M cùng với R-77-1 được xác định là vũ khí chủ đạo dành cho tiêm kích Su-57 trong không chiến tầm xa khi có tầm bắn vượt trội mọi sản phẩm của đối phương, kèm theo độ chính xác rất cao.
Tên lửa R-37M dành cho Su-57 chính là biến thể cải tiến từ loại R-37 ra đời từ thập niên 1980. Do kích thước rất lớn: nặng tới 6 tấn và dài 4 mét mà chỉ có tiêm kích MiG-31 là đủ khả năng mang vác đạn R-37.
Phiên bản R-37M bắt đầu được nghiên cứu từ giữa những năm 2000, so với "đàn anh" thì kích thước của nó nhỏ hơn rất nhiều với trọng lượng chỉ 500 kg nhưng vẫn duy trì tầm bắn 300 km, có thể đưa vào trong khoang vũ khí của Su-57.
Cơ chế dẫn đường và vận động của R-37M cũng tương đối giống các loại tên lửa không đối không khác, khi mới phóng đi thì nó sẽ bay theo chế độ quán tính.
Bước tiếp theo là tên lửa sẽ liên tục cập nhật tham số về vị trí của mục tiêu do radar điều khiển từ máy bay mẹ truyền tới, lúc này tên lửa vẫn có thể thay đổi đối tượng tấn công.
Khi tiến sát mục tiêu, R-37M sẽ bật radar chủ động gắn trên tên lửa, động cơ phản lực được bổ sung lực đẩy để tăng nhanh vận tốc lên tới Mach 6 (tức là trên 7.000 km/h).
Vận tốc cực nhanh như vậy của tên lửa R-37M sẽ khiến máy bay đối phương gần như không có cơ hội lẩn tránh, nhất là những phi cơ ném bom hay AWACS có kích thước to lớn và nặng nề.
Các chuyên gia quân sự Nga khẳng định, với hệ thống vũ khí hiện đại trong đó có tên lửa R-37M, tiêm kích tàng hình Su-57 sẽ trở nên bất khả chiến bại nhờ giành quyền "bắn trước" khi đối đầu chiến đấu cơ địch.
Ngoài R-37M tầm xa, để nâng cao sức mạnh cho máy bay chiến đấu tàng hình Su-57 Felon, tên lửa không đối không tầm ngắn thế hệ mới RVV-MD2 - loại vũ khí theo quảng cáo là "không có sản phẩm tương tự trên thế giới" đã được phát triển.
Nhằm giảm khả năng hiển thị radar, vũ khí này được đặt ở các khoang bên trong thân chiếc tiêm kích thế hệ thứ năm. Hãng thông tấn Nga RIA Novosti cho biết sau khi tham khảo đại diện của công ty GosMKB Vympel.
"Trên lãnh thổ Nga, quá trình phát triển tên lửa không đối không thế hệ thứ năm đã đạt đến giai đoạn sản xuất công nghiệp, chúng ta đi trước từ 5 đến 10 năm so với những chương trình tương tự tại Mỹ và châu Âu", nguồn tin cho biết.
Cần lưu ý đó là tên lửa cận chiến RVV-MD lần đầu tiên được trình diễn tại Triển lãm hàng không MAKS-2009 và thu hút sự quan tâm sâu sắc từ giới truyền thông quốc tế, từ đó đến khi RVV-MD2 ra mắt là cả một câu chuyện dài về nỗ lực của các kỹ sư Nga.
Tên lửa tầm ngắn mới của Nga được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên không có mức độ cơ động cao, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, và theo bất kỳ hướng nào so với tiêm kích mang phóng.
RVV-MD2 có thân hình trụ với tổng chiều dài 2,92 mét, đường kính 0,17 mét. Trọng lượng phóng của tên lửa là 106 kg, đầu đạn mang theo 8 kg thuốc nổ và được nhồi mảnh văng để tăng xác suất phá hủy mục tiêu.
Tên lửa dẫn đường RVV-MD2 có khả năng bắn trúng mục tiêu bay với tốc độ lên tới 2.500 mét/giây ở độ cao từ 20 mét đến 20 km. Đồng thời, máy bay thực hiện thao diễn với khả năng chịu quá tải lên tới 12G cũng đảm bảo bị tiêu diệt.
Với R-37M và RVV-MD2, tiêm kích tàng hình Su-57 Felon của Nga đã hoàn thiện kho vũ khí dùng cho không chiến, khi có cả tên lửa tầm xa lẫn tầm ngắn đủ tin cậy, tương xứng với chiến đấu cơ thế hệ năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo