Tính năng ưu việt của xe chiến đấu lưỡng cư mới Mỹ sản xuất cho thủy quân lục chiến
Bộ Ngoại giao Nga xác nhận cử 300 chuyên gia quân sự tới Cộng hòa Trung Phi / Nguyên mẫu xe tăng "Krab" bị chỉ trích ở Ukraine
Thủy quân lục chiến Mỹ đã trao cho BAE Systems hợp đồng trị giá 184 triệu USD để sản xuất hàng loạt, với tiến độ 80 xe chiến đấu lưỡng cư (Amphibious Combat Vehicles - ACV) mỗi năm, trong vòng 5 năm, nhằm cung cấp cho lực lượng này.
Thủy quân lục chiến có kế hoạch đặt 204 chiếc, tổng giá trị của hợp đồng dự kiến lên tới khoảng 1,2 tỷ USD. Lô ACV đầu tiên gồm 36 xe nhưng dự kiến sẽ tăng lên 72 xe vào đầu năm 2021. Khi đi vào hoạt động, ACV sẽ được sử dụng cho các hoạt động tác chiến trên biển, đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức tạp và đầy thử thách của Thủy quân lục chiến.
BAE cùng đối tác IVECO Defense Vehicle của Italy đã đánh bại Tập đoàn Quốc tế Khoa học Ứng dụng (Science Applications International Corporation - SAIC), giành hợp đồng chế tạo ACV sau giai đoạn đánh giá cạnh tranh vào tháng 6/2018, cho phép công ty bắt đầu sản xuất với nhịp độ thấp - 30 xe, vào mùa thu năm 2019, nhưng quyết định bị trì hoãn do các vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19. BAE hiện đang thực hiện một hợp đồng sửa đổi trị giá 67 triệu USD được trao vào tháng 6/2019, để phát triển các biến thể mới cho ACV, bao gồm một xe chỉ huy và một phiên bản gắn pháo cỡ 30mm.
ACV có khả năng bảo vệ gấp ba lần so với người tiền nhiệm của nó là xe tấn công lưỡng cư (Assault Amphibious Vehicle -AAV), với động cơ sáu xi-lanh, công suất mạnh, có khả năng đạt tốc độ trên đất liền hơn 90km/h và chạy cực êm. ACV của BAE có thể chở 13 lính thủy đánh bộ (một tiểu đội) và kíp xe ba thành viên. Xe có kết cấu ghế ở dạng treo, thân hình chữ V để bảo vệ khỏi các vụ nổ mìn dưới gầm xe.
Được biết, ACV là một chương trình do Thủy quân lục chiến Mỹ khởi xướng nhằm tạo một phương tiện tấn công lưỡng cư để bổ sung và cuối cùng là thay thế AAV có trong trang bị đã 40 năm. Chương trình ACV cũng thay thế chương trình xe chiến đấu viễn chinh (Expeditionary Fighting Vehicle - EFV) có mức đầu tư 3 tỷ USD, bị hủy bỏ vào năm 2011. Ban đầu chỉ là kế hoạch phát triển một phương tiện tốc độ cao trên mặt nước, dự án đã mở rộng thành chương trình nhiều giai đoạn nhằm phát triển một số loại phương tiện lội nước có khả năng đáp ứng các yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Yêu cầu đặt ra là ACV có thể đương đầu với các mối đe dọa từ hỏa lực trực tiếp, gián tiếp và mìn đất; các công nghệ giảm tín hiệu nhiệt và nhìn thấy được cũng sẽ được sử dụng, các mô-đun bảo vệ có thể được áp dụng khi cần thiết. Phương tiện phải có khả năng chuyển từ hoạt động trên mặt nước sang mặt đất mà không cần tạm dừng chiến thuật; có khả năng cơ động với M1A1 Abrams trong lực lượng đặc nhiệm cơ giới hóa. Vũ khí phải đủ sức tấn công mục tiêu từ khoảng cách ngoài tầm nhìn và đủ sức tiêu diệt các phương tiện chiến đấu tương tự nó, hỗ trợ hỏa lực trực tiếp cho bộ binh trong tấn công.
Thủy quân lục chiến xác định tốc độ lội nước là yêu cầu hàng đầu - ACV phải có khả năng tự triển khai từ một tàu tấn công đổ bộ (tàu đệm khí hoặc tàu cao tốc) ít nhất 22 km lên bờ với 17 binh lính trên xe. Nó phải có khả năng di chuyển không dưới 15km/h qua trong điều kiện sóng biển cao tới 0,9m. Phương tiện này sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2020 đến năm 2022, với 573 xe được lên kế hoạch mua sắm.
Do hạn hẹp về ngân sách và những thách thức về công nghệ liên quan, chương trình ACV được chia thành hai giai đoạn riêng biệt. Giai đoạn đầu tiên là nâng cấp các loại thiết bị hiện có trong khi thử nghiệm và thử nghiệm các giải pháp mới. Giai đoạn thứ hai là phát triển một phương tiện duy nhất, cuối cùng sử dụng công nghệ mới và các bài học kinh nghiệm vận hành các phương tiện cải tiến để thay thế thiết bị giai đoạn đầu. Giai đoạn 1.1 sẽ phát triển xe bánh lốp chở quân, có thể chở 10-13 lính thủy đánh bộ, có khả năng bơi tương tự như AAV và có khả năng cơ động tương đương hoặc cao hơn tăng M1 Abrams.
Công nghệ cải tiến được sử dụng để cung cấp thông tin về các yêu cầu chế tạo xe ACV 1.2 sau này sẽ được áp dụng cho các phiên bản 1.1 đã chuyển giao để nâng cấp chúng lên tiêu chuẩn 1.2. Mỗi ACV 1.1 sẽ có một kíp lái 3 người. Trang bị vũ khí sẽ bao gồm một súng máy M2 cỡ nòng 0,5 inch trong một trạm vũ khí điều khiển từ xa, với khả năng lắp đặt một tháp súng phóng lựu M2 hoặc Mark 19. ACV có tốc độ bơi thường 22km/h, từ tàu lên bờ với tốc độ 15km/h.
Thủy quân lục chiến tin rằng, công nghệ xe bánh lốp trên nền tảng hạng 35 tấn đã đủ tiên tiến để nâng cao khả năng sống sót và khả năng cơ động. Khả năng này đã được chứng minh khi kết hợp với gầm xe cao hơn và hệ thống điều chỉnh áp suất lốp, về cơ bản thu hẹp khoảng cách về khả năng cơ động đối với xe bánh lốp và mang lại khả năng cơ động ngang hoặc tốt hơn M1A1 và hiệu suất cao hơn AAV.
Giai đoạn 1.2 - phát triển các biến thể chuyên dụng như chỉ huy-kiểm soát và hậu cần, và vũ khí tương thích có khả năng tự triển khai từ tàu và di chuyển với tốc độ 26km/h trên mặt nước, mỗi chiếc có giá 12-14 triệu USD. Giai đoạn cuối cùng này của ACV sẽ là tạo ra một phương tiện có tốc độ mặt nước cao, nhưng chỉ khi công nghệ làm cho nó có thể đạt được mà không ảnh hưởng đến vỏ giáp và vũ khí. Cùng với ACV, Thủy quân lục chiến đang phát triển tàu chở quân (Marine Personnel Carrier MPC) để vận chuyển Thủy quân lục chiến lên bờ.
Tháng 4/2019, trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Chỉ huy Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ đã thông báo rằng, trong vào mùa thu năm 2018, các nguyên mẫu ACV 1.1 đã chứng minh khả năng di chuyển trên nước đạt yêu cầu trong điều kiện sóng cao và như vậy, đáp ứng yêu cầu áp dụng khả năng di động trên mặt nước cho ACV 1.2. Do đó, ACV 1.1 và ACV 1.2 được hợp nhất thành một biến thể duy nhất - ACV - nhằm thay thế tất cả các AAV.
Các nhà phát triển của BAE Systems cho biết, phương tiện mới đáp ứng yêu cầu của các hoạt động tác chiến trên biển tầm xa; sử dụng nước biển để làm mát động cơ giúp nó có thể mang tới 200 gallon nhiên liệu - đủ cho một hành trình 365 dặm. ACV sử dụng động cơ 690hp mạnh hơn, so với động cơ 400hp của AAV, có thể bơi khoảng 25km; khoảng 11km từ tàu vào bờ, có thể đạt tốc độ 110km/h trên đường nhựa. Không giống như các AAV hiện có, các ACV mới là loại xe bánh hơi 8X8 được thiết kế để có tốc độ, khả năng cơ động và khả năng sống sót cao hơn trên bộ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo