Quốc tế

Toàn bộ MiG-29 Ukraine nhận được đều không hoạt động

Theo tình báo Anh, tất cả những chiếc tiêm kích MiG-29 Ba Lan và Slovakia vừa bàn giao cho Ukraine đều không thể hoạt động.

Không quân Mỹ tham vọng mở rộng phi đội máy bay ném bom / Mỹ phục hồi thành công tiêm kích F-22 bị rơi một năm trước

Tình báo Anh cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Ba Lan và Slovakia đã chuyển khoảng 8 chiếc tiêm kích MiG-29 cho Không quân Ukraine.

Đầu tháng 4/2023, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thông báo Warsaw đã bàn giao 4 máy bay phản lực MiG-29 cho Ukraine, và 4 chiếc nữa sẽ được chuyển cho Kiev.

Ba Lan và Slovakia là hai quốc gia thành viên NATO đã đồng ý chuyển giao các máy bay phản lực MiG-29 cũ của họ cho Không quân Ukraine. Ngày 17/3, Slovakia cũng thông báo họ sẽ giao 13 chiếc MiG-29 đã hết hạn sử dụng cho Kiev.

Tiêm kích MiG-29.

Tiêm kích MiG-29.

Sau đó, Bratislava được cho là đã chuyển giao lô 4 máy bay chiến đấu MiG-29 đầu tiên vào ngày 24/3. Điều bất ngờ là tất cả số MiG-29 Không quân Ukraine tiếp nhận đều không thể hoạt động.

"Tình trạng của phi đội MiG-29 đã khiến Ukraine phải tháo rời linh kiện của chúng và lắp ráp lên những chiếc MiG-29 khác của mình đang ngừng hoạt động do thiếu bộ phận thay thế", tình báo Anh cho biết.

Cùng với đó, Evgeny Mikhailov, chuyên gia quân sự và nhà quan sát chính trị người Nga cho biết, ngay cả khi Ukraine nhận được tất cả số tiêm kích MiG-29 như đã hứa, chúng vẫn không thể giúp Ukraine thay đổi cục diện chiến trường trong xung đột với Nga.

"Tôi nghĩ rằng Ba Lan sẽ không gửi máy bay đang hoạt động bình thường đến Ukraine. Những chiếc máy bay mà Ba Lan đang chuyển giao có lẽ trong tình trạng rất tồi tệ.

 

Chúng tôi đã thấy trước đó rằng các quốc gia khác cũng bàn giao những chiếc máy bay trong tình trạng gần như không thể sử dụng được. Do đó, tôi nghi ngờ rằng những chiếc MiG-29 này có thể thay đổi cuộc chơi cho Lực lượng Vũ trang Ukraine", chuyên gia Nga nói.

Về phần mình, Dmitry Drozdenko, Tổng biên tập tạp chí quân sự "Kho vũ khí Tổ quốc" của Nga cho rằng, vấn đề là các máy bay chiến đấu trên không được bảo dưỡng đúng cách sau khi NATO kết nạp các đồng minh mới từng là thành viên của Hiệp ước Warsaw.

Chiến đấu cơ MiG-29 được Liên Xô thiết kế vào năm 1974 như một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không để đối phó với máy bay chiến đấu F-15 Eagle của Mỹ. Những chiếc MiG-29 đầu tiên đi vào hoạt động năm 1982 được NATO định danh là Fulcrum.

Các nhà quan sát quân sự phương Tây đã ca ngợi MiG-29 về khả năng siêu cơ động và nói thêm rằng sau khi nước Đức thống nhất, các phi công phương Tây đã có cơ hội trải nghiệm bay những chiếc MiG-29. Hơn nữa, Mỹ được cho là đã bí mật mua một lượng lớn 21 chiếc MiG-29 từ Moldova vào tháng 11/1997.

Những chuyên gia được Sputnik phỏng vấn có chung nhận định rằng những chiếc máy bay được viện trợ có khả năng sẽ được triển khai và cất cánh từ lãnh thổ Ukraine vì quân đội nước này có phi công, chuyên gia, nhân viên dịch vụ và cơ sở hạ tầng để khai thác loại máy bay chiến đấu trên.

 

Nhưng các chuyên gia lưu ý, khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã phá hủy hầu hết các sân bay quân sự ở những vùng lãnh thổ mà họ có kế hoạch tiến vào.

Theo ông Mikhailov, mặc dù một số sân bay vẫn được duy trì ở các vùng Kherson, Sumy và Dnepropetrovsk, nhưng chúng khó có khả năng đáp ứng các điều kiện để những chiếc MiG của Ukraine có thể cất cánh và hạ cánh trực tiếp, đặc biệt là trong môi trường đang giao tranh, nơi chúng có thể bị lực lượng phòng không của Nga tiêu diệt.

Ngoài ra, có một số vấn đề nhất định trong việc bảo trì các thiết bị quân sự của quân đội Ukraine, trong đó có MiG-29, do Nga đã phá hủy và tiếp tục làm hư hại các xưởng bảo trì, bảo dưỡng của Kiev, cả ở các khu vực như Kharkov và Dnepropetrovsk, cũng như ở các thành phố khác gần với khu vực chiến sự ở Ukraine.

Chính vì vậy, chuyên gia Mikhailov cho rằng vài chục chiếc MiG trên khó có thể thay đổi cán cân trên chiến trường theo hướng có lợi cho Kiev.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Nga đã loại bỏ khoảng 400 máy bay chiến đấu, hơn 220 máy bay trực thăng và 3.600 máy bay không người lái của Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra hồi đầu năm 2022.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm