Quốc tế

Toàn cảnh diễn biến mới nhất chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trưa 25/3

Nga tuyên bố đã chiếm được thành phố quan trọng Izyum. Giao tranh vẫn tiếp diễn ở miền đông Ukraine. Phương Tây tiếp tục gia tăng trừng phạt Nga.

Nga đóng cửa không phận: "Điều khủng khiếp" có thể xảy ra với toàn thế giới / Forbes: Ukraine tổng phản công ở Thủ đô Kyiv, 10.000 quân Nga bị bao vây

Nga tuyên bố đã chiếm được Izyum: Phong tỏa Kharkov

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã bước sang ngày thứ 30 (25/03/2022), với những diễn biến mới rất phức tạp.

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 24/03, thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga đưa ra cáo buộc đối với Mỹ về các phòng thí nghiệm sinh học bí mật ở Ukraine.

Cụ thể, các chuyên gia của lực lượng phòng chống vũ khí xạ - sinh - hóa (NBC) của Nga đã nghiên cứu các tài liệu mà phía Nga tuyên bố là thu được của Ukraine. Những tài liệu này chứng minh sự tham gia trực tiếp của Bộ Quốc phòng Mỹ vào việc phát triển vũ khí sinh học ở Ukraine - dự án UP-2.

Phía Nga còn cáo buộc Mỹ đã tiến hành lấy mẫu mầm bệnh từ các bãi chôn lấp xác động vật để tìm kiếm mầm bệnh than, thậm chí Mỹ còn kí hợp đồng với Bộ Quốc phòng Ukraine để thử nghiệm các loại thuốc chưa đăng kí lên quân nhân Ukraine.

Phía Mỹ và Ukraine phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc của Nga đưa ra.

Về tình hình chiến sự, trong đêm 23 và 24/03, phía Nga tiếp tục dùng tên lửa hàng không và tên lửa hải quân để tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine, phá hủy 13 bệ phóng tên lửa phòng không (trong đó có 9 xe phóng S-300 và 4 xe phóng Buk-M1 ở làng Danilovka, phía nam thủ đô Kiev.

Toàn cảnh diễn biến mới nhất chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trưa 25/3 - Ảnh 1.

Hình ảnh Nga tấn công hệ thống S-300 của Ukraine (Ảnh chụp từ video của Bộ Quốc phòng Nga)

Tên lửa của Nga cũng phá hủySở chỉ huy và kho vũ khí tên lửa, pháo binh ở làng Bakhmut, vùng Donetsk. Nơi này đồng thời là điểm triển khai tạm thời của tiểu đoàn chủ nghĩa dân tộc tại thành phố Lisichansk.

Lực lượng hàng không chiến thuật và không quân lục quân đã tấn công 60 cơ sở quân sự của Ukraine trong đêm.Trong đó có: 2 sở chỉ huy, 2 hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS), 4 kho đạn, 47 điểm tập kết vũ khí và trang thiết bị quân sự của Lực lượng vũ trang Ukraine.

Các hệ thống phòng không của Nga đã phá hủy 2 máy bay không người lái của Ukraine tại khu vực các khu định cư Staraya Markovka và Kharkiv.

Tổng cộng, kể từ khi bắt đầu hoạt động quân sự đặc biệt, Nga đã phá hủy 257 máy bay không người lái, 202 hệ thống tên lửa phòng không, 1.572 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 160 bệ tên lửa phóng loạt, 633 pháo dã chiến và súng cối, cũng như 1.379 đơn vị xe quân sự đặc chủng của Ukraine.

Trong khi đó, bên phía Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố: Từ ngày 24/02 đến ngày 23/03, phía Nga đã bị mất 15.600 lính, phá hủy 517 xe tăng, 1.578 phương tiện chiến đấu bọc thép, 267 khẩu pháo, 80 giàn pháo phản lực phóng loạt (MLRS), 47 hệ thống phòng không, 101 máy bay và 124 trực thăng, 1.008 xe quân sự đặc chủng, 4 tàu nhỏ, 70 téc nhiên liệu, 42 UAV chiến thuật, 15 trang bị quân sự đặc chủng.

 

Về tình hình chiến sự trên hướng bắc: Giao tranh diễn ra quyết liệt ở phía tây và tây nam Kiev. Nhiều hệ thống phòng không hiện đại S-300 và Buk-M1 của Ukraine bị tên lửa hành trình của Nga tập kích phá hủy.

Tình hình thành phố Chernihiv và Sumy không thay đổi, vẫn nằm dưới sự phong tỏa của quân đội Nga.

Về tình hình chiến sự trên hướng đông: Giao tranh vẫn tiếp tục diễn biến mạnh ở Kharkov.

Tin tức đáng chú ý nhất là đến sáng ngày 24/3, các đơn vị của quân đội Nga đã hoàn toàn giành quyền kiểm soát thành phố Izyum ở vùng Kharkov. Đây là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở phần lãnh thổ miền đông của chính phủ Ukraine.

Về tình hình chiến sự trên hướng nam: Quân đội Nga và DPR vẫn đang chiến đấu trong nội thành Mariupol.

 

Trên hướng Mikolaiv, Kherson và Zaporozhye, tình hình không có thay đổi lớn. Thành phố Odessa bị uy hiếp mạnh.

Toàn cảnh diễn biến mới nhất chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trưa 25/3 - Ảnh 2.
Phương Tây tiếp tục gia tăng trừng phạt Nga

Về tình hình đàm phán giữa hai bên: Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết, nước này và Nga đã tiến hành đợt trao đổi tù binh đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột giữa hai quốc gia láng giềng này.

Bà Vereshchuk thông báo trên Facebook, 10 tù binh người Ukraine bị quân đội Nga bắt giữ trước đó đã được thả để đổi lấy 10 binh sĩ Nga từ phía Ukraine.

Theo bà Vereshchuk, phía Ukraine cũng bàn giao thêm 11 thủy thủ dân sự người Nga được giải cứu từ một chiếc tàu bị đắm gần Odessa để đổi lấy 19 thủy thủ dân sự người Ukraine.

Cùng ngày, Quốc hội Ukraine nhất trí thông qua luật kết án tù lên đến 12 năm với những người hỗ trợ và tiếp tay cho lực lượng Nga trong cuộc chiến hiện nay giữa hai quốc gia.

 

Ngoài án tù, những người bị cáo buộc là "cố tình tiếp tay" cho Nga cũng bị cấm đảm nhiệm các chức vụ công quyền trong vòng 15 năm và có thể bị tịch thu tài sản.

Liên quan đàm phán Nga-Ukraine, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, Kiev và Moscow đã nhất trí về các vấn đề kỹ thuật, nhưng vẫn bất đồng về lãnh thổ, trong đó có Crimea.

Phát biểu với báo chí tại Brussels sau hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Erdogan cũng nói rằng, không nên xem những biện pháp đượcliên minh quân sự này thông quanhư mối đe dọa đối với Nga hay nước thứ ba nào, mà cần xem chúng như biện pháp răn đe.

Là một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có biên giới trên biển với cả Ukraine và Nga tại Biển Đen, đồng thời duy trì quan hệ hữu nghị với cả hai nước láng giềng. Ankara đã đề nghị đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột.

Ông Erdogan cho biết, mục tiêu chính của Thổ Nhĩ Kỳ trong các nỗ lực trung gian là kết nối thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine.

 

Về phản ứng quốc tế: Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế tiếp tục gia tăng trừng phạt áp đặt vào Nga.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, Ottawa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với thêm 160 thành viên nữa của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga.

Ông Trudeau nhấn mạnh, Ottawa sẽ duy trì các lệnh trừng phạt "dù là trong nhiều tháng, nhiều năm nữa nếu đó là điều cần thiết" và cam kết "liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt".

Canada cũng sẽ cấm xuất khẩu một số công nghệ sang Nga nhằm làm suy yếu và tiêu hủy dần khả năng quân sự của Moscow.

Quốc gia Bắc Mỹ đồng thời phân bổ tiếp 50 triệu CAD đóng góp cho hoạt động viện trợ nhân đạo tại Ukraine và các nước láng giềng của Ukraine thông qua các chương trình khác nhau của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR).

 

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định, Tokyo sẽ tiếp tục triển khai các bước nhằm đình chỉ quy chế tối huệ quốc đối với Nga, đồng thời ngăn chặn Moscow sử dụng các tài sản số để tránh né những biện pháp trừng phạt tài chính do Mỹ và đồng minh áp đặt liên quan xung đột tại Ukraine.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, nước này sẽ đóng băng tài sản của thêm 25 cá nhân Nga và cấm xuất khẩu hàng hóa tới 81 tổ chức của Nga.

Cùng ngày, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nói rằng, các nước Liên minh châu Âu (EU) cần tăng cường những biện pháp trừng phạt đối với Moscow và tự chuẩn bị cho việc chấm dứt phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Về phía Pháp, sau cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Brussels, Bỉ, Tổng thống Emmanuel Macron cho biết, các cường quốc phương Tây sẵn sàng tăng cường trừng phạt với Nga nếu cần thiết cho việc gây áp lực nhằm đạt được ngừng bắn.

Xung đột Nga - Ukraine
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm