Quốc tế

Tổng thống Iran tuyên bố không đàm phán, chỉ còn cách phản kháng Mỹ

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Mỹ đã đề nghị đàm phán ít nhất 8 lần nhưng hiện tại không phải là thời điểm để Tehran cân nhắc tới phương án này.

Tiểu đội súng trường biên chế ít nhất NATO có bao nhiêu người? / Nhà báo Nga đồng loạt từ chức sau bài viết gây tranh cãi

Tổng thống Iran tuyên bố không đàm phán, chỉ còn cách phản kháng Mỹ - 1

Tổng thống Hassan Rouhani (Ảnh: AP)

“Trong chuyến đi của tôi tới Liên Hợp Quốc hồi năm ngoái, 5 nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới đã tiếp cận chúng tôi để dàn xếp một cuộc đàm phán với Tổng thống Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gửi đề xuất tới chúng tôi 8 lần, nhưng bây giờ không phải thời điểm để đàm phán, mà là thời điểm để kháng cự và kiên định”, Tổng thống Hassan Rouhani cho biết trong thông báo do văn phòng tổng thống phát đi gần đây.

Tuyên bố của Tổng thống Rouhani được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump để ngỏ các cuộc đàm phán với Iran nếu Tehran sẵn sàng. Tuy vậy, ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo rằng bất kỳ động thái khiêu khích nào của Iran cũng sẽ vấp phải “vũ lực mạnh mẽ” từ phía Washington.

“Tôi ủng hộ các cuộc đàm phán và ngoại giao, nhưng trong điều kiện hiện tại, tôi không chấp nhận điều đó vì tình hình hiện nay không phù hợp cho các cuộc đàm phán và chúng tôi chỉ còn cách lựa chọn sự phản kháng”, Tổng thống Iran nói thêm.

Theo ông Rouhani, các nhà chức trách Iran cảm nhận được sự ủng hộ của người dân, những người không bị đánh lừa bởi thông tin do “kẻ thù” xuyên tạc rằng chính quyền Iran chính là bên khiến căng thẳng leo thang gần đây. Tổng thống Rouhani cho rằng các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ là bằng chứng rõ ràng cho thấy Iran chỉ là nạn nhân trong mối quan hệ với Washington.

“Nếu chúng tôi rời khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) (tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran) vì các hành động khiêu khích của Mỹ, thì sau đó ngoài Mỹ, Liên Hợp Quốc và cả thế giới cũng sẽ áp lệnh trừng phạt đối với chúng tôi”, tổng thống Iran khẳng định.

 

Ông Rouhani thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Iran đã gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Iran, làm suy yếu nghiêm trọng hoạt động thương mại quốc tế của Iran, trong đó 87% giao dịch tài chính toàn cầu được thực hiện theo đồng đô la. Tổng thống Rouhani chỉ ra hai mối lo ngại chính với Iran hiện nay là khả năng hạn chế trong việc ứng phó với thế giới bên ngoài và nguồn thu của chính phủ bị giảm sút.

Sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015, Tổng thống Trump đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với Tehran và đưa ra nhiều cảnh báo cứng rắn với nước cộng hòa hồi giáo này. Những ngày gần đây, Mỹ triển khai tàu sân bay, tàu chiến, máy bay ném bom, hệ thống phòng thủ tên lửa và lực lượng quân sự tới vịnh Persian nhằm phát đi thông điệp cứng rắn tới Iran.

Giữa lúc căng thẳng leo thang, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran ngày 20/5 thông báo Tehran đã quyết định tăng 4 lần sản lượng uranium làm giàu ở cấp độ thấp nhằm phản ứng trước việc châu Âu không làm gì để cứu vãn các lợi ích của Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Trước đó, Iran đã dừng tuân thủ một số nghĩa vụ trong thỏa thuận hạt nhân và cho châu Âu thời hạn 60 ngày để đảm bảo rằng các lợi ích của Tehran được bảo vệ theo thỏa thuận, nếu không nước này sẵn sàng dừng tiếp các nghĩa vụ trong thỏa thuận hạt nhân.

Vũ khí - khí tài
Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm