Quốc tế

Trung Quốc biến DF-17 thành "thanh bảo kiếm" ngăn tàu sân bay Mỹ bảo vệ Đài Loan?

Tên lửa siêu thanh DF-17 được cho đủ năng lực xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa mà Mỹ triển khai trong khu vực, cũng như ngăn tàu sân bay Mỹ bảo vệ đảo Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc phát động chiến tranh.

Nga nói lý do S-400 không bắn khi Israel không kích Syria / F-35 bị hắt hủi, Mỹ dọa Ai Cập vì mua Su-35 Nga

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), giới quan sát không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến 16 tên lửa siêu thanh DF-17 nằm trên các dàn phóng trong cuộc diễu binh kỷ niệm 70 Quốc khánh Trung Quốc 1/10. Đáng nói, hình dáng của DF-17 được thiết kế hoàn toàn khác so với các tên lửa cùng họ DF.

Tên lửa DF-17 được Trung Quốc lần đầu tiên cho ra mắt công chúng nhân dịp diễu binh kỷ niệm 70 Quốc khánh Trung Quốc 1/10. (Ảnh: AP)

Tên lửa DF-17 được Trung Quốc lần đầu tiên cho ra mắt công chúng nhân dịp diễu binh kỷ niệm 70 Quốc khánh Trung Quốc 1/10. (Ảnh: AP)

Hình ảnh phiên bản đầu tiên của tên lửa DF-17 được đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV tiết lộ vào năm 2017. Vào thời điểm này, DF-17 được định danh là DF-ZF và WU-14. Ngoài ra, theo CCTV, Trung Quốc còn cho tiến hành 7 cuộc thử nghiệm công nghệ thiết bị bay siêu thanh (HGV) từ năm 2013.

Ông Zhou Chenming, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh nhận định tên lửa DF-17 đã được mở rộng phạm vi hoạt động từ eo biển Đài Loan tới căn cứ quân sự của Mỹ ở thành phố Yokosuka của Nhật Bản. Mục tiêu ban đầu của DF-17 là răn đe các lực lượng ủng hộ giành độc lập ở Đài Loan. Nhưng hiện tại, Trung Quốc được cho dùng DF-17 để ngăn chặn khả năng nhóm tàu sân bay Mỹ can thiệp vào cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm sáp nhập Đài Loan vào đại lục.

“DF-17 được thiết kế thành vũ khí tấn công trong bối cảnh chiến lược phòng thủ của Bắc Kinh là xây dựng một hàng rào bảo vệ bên ngoài eo biển Đài Loan nhằm ngăn chặn các chiến hạm của Mỹ tiến vào bên trong cũng như can thiệp vào cuộc chiến tiềm tàng giữa quân đội Trung Quốc và Đài Loan”, ông Zhou nói.

Còn theo một chuyên gia quân sự, DF-17 là phiên bản mới nhất của dòng tên lửa DF. Vũ khí này được phát triển nhằm ngăn chặn mọi động thái giành độc lập ở Đài Loan từ thời ông Trần Thủy Biển giữ chức nhà lãnh đạo Đài Loan vào năm 2000.

Ngoài ra, DF-17 là vũ khí có giá thành cao và được cải tiến dựa trên mẫu tên lửa đạn đạo DF-15 và DF-16. Phạm vi hoạt động của DF-17 là 1.500 km và có thể đạt tốc độ Mach 5.

 

Cũng theo chuyên gia trên, “việc phát triển thành công tên lửa DF-17 sẽ truyền cảm hứng cho quân đội Trung Quốc ứng dụng công nghệ HGV vào loạt tên lửa dòng DF bởi trong những năm qua, Trung Quốc đã cho thử nghiệm rất nhiều loại HGV”.

Chuyên gia quân sự tại Macau, ông Antony Wong Dong cho rằng công nghệ HGV của Trung Quốc đã đạt đến năng lực trang bị trên các tên lửa tầm trung như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 hay còn biết tới với biệt danh “sát thủ diệt tàu sân bay” hoạt động trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Thậm chí, DF-26 còn được xem là mối đe dọa tiềm tàng với lực lượng chiến hạm của hải quân Mỹ thực hiện hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.

Đáng nói, trong 8 năm ông Trần Thủy Biển giữ chức nhà lãnh đạo Đài Loan, Trung Quốc đã cho triển khai hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trang bị các đầu đạn thông thường như DF-11, DF-15 cùng các phiên bản khác tới khu vực bờ biển tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang.

Trong bài phát biểu nhân dịp Năm mới 2007, ông Trần Thủy Biển nhấn mạnh Cơ quan Quốc phòng Đài Loan đánh giá Trung Quốc đã huy động hơn 1.300 tên lửa đạn đạo chĩa về hướng Đài Loan. Con số này tăng hơn 1/3 so với dự đoán ban đầu.

Theo chuyên gia Wong, sau khi ông Trần Thủy Biển hết nhiệm kỳ lãnh đạo Đài Loan vào năm 2008 và thay thế bằng ông Mã Anh Cửu, một người được cho có tư tưởng thân với chính quyền Bắc Kinh, nhiều công nhân sản xuất tên lửa ở Trung Quốc đã lo lắng họ sẽ bị mất công ăn việc làm.

 

Tuy nhiên, ông Mã Anh Cửu đã quyết định mua số vũ khí phòng vệ trị giá hơn 20 tỷ USD từ Mỹ trong suốt 8 năm giữ chức nhà lãnh đạo Đài Loan. Hành động của ông Mã Anh Cửu khiến Trung Quốc tiếp tục nâng cao sức mạnh quân sự nhằm ngăn chặn Đài Loan giành độc lập.

Cho tới thời điểm hiện tại, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan cho biết Trung Quốc đã cho triển khai ít nhất 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ở khu vực bờ biển phía đông nam nước này và chĩa về hướng Đài Loan bao gồm các tên lửa tầm trung hiện đại DF-16.

Theo chuyên gia quân sự tại Hong Kong Song Zhongping, tên lửa DF-17 của Trung Quốc có khả năng xuyên thủng các lá chắn tên lửa mà Mỹ triển khai ở khu vực bao gồm các hệ thống Patriot 3 ở Đài Loan và Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.

“Tất cả tên lửa DF-15, DF-16, DF-17 có thể tạo thành một mạng lưới tấn công toàn diện bao trùm bất cứ khu vực nào từ đảo Đài Loan cho tới các quốc gia láng giềng gần Trung Quốc và đặc biệt là các căn cứ quân sự ở nước ngoài mà Mỹ đặt trong khu vực”, ông Song nói.

“Ưu điểm vượt trội của DF-17 là khả năng mang theo đầu đạn siêu thanh có thể xuyên qua các mạng lưới phòng thủ tên lửa, hệ thống radar và hệ thống cảnh báo sớm cũng như tấn công cả những mục tiêu mà DF-15 và DF-16 không làm được”, ông Song chia sẻ thêm.

 

Dù Nga và Mỹ đang phát triển công nghệ siêu thanh nhưng cho tới nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất sở hữu năng lực hoạt động ban đầu đầy đủ của dòng tên lửa siêu thanh sau khi các nhà khoa học nước này đạt được bước đột phá trong việc tạo ra nguyên liệu hợp kim gốm có khả năng chịu được mức nhiệt 3.000 độ C. Với thành tựu này, DF-17 trở thành vũ khí HGV được đưa ra vào sử dụng đầu tiên trên thế giới, theo thông tin được đài truyền hình Hồ Nam của Trung Quốc công bố hồi tháng Năm.

Trước đó, hồi tháng 3/2018, Tướng John Hyten, người đứng đầu Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại về việc quân đội Mỹ không có đủ khả năng chống lại các cuộc tấn công chính xác tới từ tên lửa DF-17 dù lúc này, CCTV nhấn mạnh DF-17 được trang bị các đầu đạn truyền thống.

Còn theo nguồn tin quân sự, DF-17 sẽ dần dần thay thế các tên lửa cũ như DF-11 và DF-15, nhưng tất cả những tên lửa này cũng chỉ được trang bị đầu đạn truyền thống.

“Trung Quốc sẽ chỉ gắn đầu đạn hạt nhân lên các loại vũ khí chiến lược như tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41 với tầm bắn lên tới 15.000 km và vươn tới các mục tiêu nằm trên lãnh thổ Mỹ. Tên lửa DF-17 có thể tấn công hạm đội Mỹ hoạt động ở thành phố Yokosuka ở Nhật Bản và phá hủy THAAD. Nhưng cho tới nay, DF-17 vẫn chưa thể tấn công các chiến hạm có tốc độ di chuyển nhanh như tàu sân bay Mỹ”, nguồn tin quân sự nhận định.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm