Trung Quốc có 'động thái mới' phục vụ tàu sân bay tương lai Type 002
Tàu ngầm không người lái bí ẩn của Hải quân Trung Quốc / "Đại bàng già nua" EP-3 Mỹ va chạm trực tiếp, làm đứt đôi chiến đấu cơ Trung Quốc
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh là ông Li Jie cho hay, máy bay huấn luyện JL-9 hay còn gọi là FTC-2000 Mountain Eagle hoặc Shanying được sản xuất tại Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Guizhou (GAIC). Máy bay này được phát triển để chuyên sử dụng trên tàu sân bay Type 002. Theo thiết kế, tàu sân bay Type 002 sẽ được trang bị hệ thống máy phóng máy bay.
Hình ảnh mô phỏng tàu sân bay Type 002 của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP) |
Dù không thể nói chính xác khi nào tàu sân bay Type 002 có thể chính thức đi vào hoạt động, song theo ông Li, mất từ “2 - 3 năm” để đào tạo đội ngũ phi công hoạt động trên tàu sân bay.
Hồi tháng Ba, GAIC, một chi nhánh của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) cũng đã ra thông báo về việc phiên bản máy bay JL-9 dùng cho lực lượng hải quân đã được hoàn thành.
Không giống như hai tàu sân bay và Liêu Ninh và Sơn Đông sử dụng đường băng kiểu nhảy cầu để phóng tiêm kích J-15, Type 002 sẽ được trang bị hệ thống phóng máy bay bằng điện từ giống với tàu sân bay USS Gerald Ford của hải quân Mỹ.
Quá trình đóng tàu Type 002 được bắt đầu từ năm 2018 và được cho sẽ hoàn thành vào năm 2021. Song chưa rõ khi nào con tàu sẵn sàng hạ thủy để chạy thử.
Trước đó, Trung Quốc tuyên bố có kế hoạch sở hữu ít nhất 4 nhóm tàu sân bay vào năm 2030. Với 4 nhóm tàu sân bay, Trung Quốc sẽ cần 200 máy bay bao gồm chiến đấu cơ, trực thăng, máy bay trinh sát và khoảng 500 phi công.
Dù chương trình đào tạo phi công thực hiện cất cánh và hạ cánh trên sàn tàu dài chưa tới 300 m sẽ mất rất nhiều thời gian, nhưng kể từ năm 2017, hải quân Trung Quốc đã tự đào tạo phi công thay vì tuyển dụng từ lực lượng không quân.
Theo nhà bình luận quân sự tại Bắc Kinh, ông Zhou Chenming, phiên bản cải tiến của máy bay huấn luyện JL-9 có giá rẻ hơn rất nhiều so với tiêm kích J-15.
“Hoạt động chuyển giao phiên bản hải quân của máy bay huấn luyện JL-9 sẽ giúp tiết kiệm được nhiều tiền. Theo đó, tiêm kích hai động cơ J-15 có giá ít nhất là 61 triệu USD, còn máy bay huấn luyện một động cơ JL-9 chỉ có giá khoảng 10 triệu USD”, ông Zhou cho hay.
Cũng theo ông Zhou, “tiêm kích J-15 đắt đỏ vì nó được tích hợp với các thiết bị hiện đại và nhiều loại vũ khí, trong khi máy bay huấn luyện lại không cần nhiều như vậy”.
Bên cạnh đó, GAIC cũng đang phát triển một phiên bản xuất khẩu của máy bay huấn luyện JL-9. Thậm chí, JL-9 còn có thể sử dụng như một chiến đấu cơ hạng nhẹ, ông Zhou nói thêm.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự tại Macau, ông Antony Wong Dong cho hay, một phiên bản máy bay huấn luyện cho tàu sân bay là JL-10 cũng đang được Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hongdu, một chi nhánh của AVIC, phát triển. Máy bay JL-10 hiện nằm trong biên chế của không quân Trung Quốc.
“Phiên bản không quân của JL-10 dựa trên nguyên mẫu máy bay Yakovlev Yak-130 của Nga”, ông Antony chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo