UAV cảm tử Lancet nhận bệ phóng đặc biệt để tấn công theo 'bầy đàn'
JAS-39 Gripen sắp tham chiến có điểm nổi trội nào so với MiG-29 và Su-27? / Pantsir-S cải tiến sẽ nhận được 48 tên lửa mini để chống UAV
Truyền thông Nga vừa đăng tải hình ảnh một tổ hợp trinh sát và tấn công thế hệ mới, được thiết kế để phóng UAV cảm tử Lancet và phương tiện này đã thu hút sự quan tâm rất lớn.
Chiếc xe tải việt dã nói trên có bề ngoài tương tự một hệ thống pháo phản lực phóng loạt, nhưng từ 16 ống phóng, không phải đạn rocket mà là máy bay không người lái cảm tử được triển khai.
Trên khung gầm bọc thép có một cabin điều khiển được lắp đặt, trong đó đủ chỗ cho kíp vận hành. Căn cứ theo mô hình đăng tải, có vẻ như xe tải bọc thép Asteys sẽ là phương tiện mang bệ phóng.
Thiết kế mới của UAV cảm tử Lancet với đôi cánh gấp cho phép đưa vào trong ống phóng thay vì phải dùng ray như phiên bản cũ là một bước đi mang tính cách mạng, tạo thuận lợi cho việc tung số lượng lớn tấn công mục tiêu.
Nhà thiết kế chính của chiếc máy bay không người lái - ông Alexander Zakharov cho biết: "phiên bản mới của UAV cảm tử Lancet hoàn toàn độc đáo và có tính bảo mật cao. Hãy tưởng tượng nhiều bệ phóng trên chiến trường đồng thời tấn công một số mục tiêu".
"Sau khi được đưa lên bầu trời, các máy bay không người lái cảm tử này sẽ tự hoạt động, chúng chia sẻ thông tin và thực hiện lập bản đồ trên đường đến mục tiêu".
"Thiết kế của máy bay không người lái hoàn toàn khác, nó không còn có cánh hình chữ thập nữa mà chuyển sang dạng hình tròn với góc 45 độ nhằm tối ưu hóa cho việc gập cánh lại để vừa với ống phóng".
"Chúng hoạt động theo bầy đàn và điều quan trọng là nếu một máy bay không người lái xác định được mục tiêu, nó sẽ nhanh chóng thông báo với phần còn lại của nhóm, tạo điều kiện cho một cuộc tấn công phối hợp".
"Nếu nhiều mục tiêu được xác định, tất cả các đối tượng bị đánh dấu đều bị tấn công", ông Zakharov tự tin khẳng định rằng “việc đánh chặn hầu như là không thể, phiên bản mới hiệu quả hơn nhiều so với Lancet-2”.
Bên cạnh đó, nhà thiết kế làm rõ rằng UAV cảm tử Lancet không sử dụng trí tuệ nhân tạo mà hoạt động dựa trên các thuật toán đặc biệt, chỉ diễn ra trong một phần nhỏ của giây.
Tuyên bố này là để đáp lại một nhận định mà truyền thông phương Tây đưa ra cách đây ít lâu, trong đó các nhà phân tích gợi ý rằng loại đạn tuần kích nói trên hoạt động dựa vào trí tuệ nhân tạo.
Trong trường hợp được triển khai ngoài thực địa, số lượng lớn máy bay không người lái cảm tử tấn công cùng lúc chắc chắn sẽ gây cho đối phương thiệt hại lớn gấp nhiều lần so với khi sử dụng riêng lẻ như hiện tại.
Mặc dù vậy, cần nhấn mạnh thực tế chưa có bằng chứng về một cuộc tấn công theo "bầy đàn" của máy bay không người lái cảm tử trên chiến trường mà tất cả mới chỉ dừng lại ở lý thuyết và cảnh báo.
Để thực hiện cuộc tấn công như vậy sẽ yêu cầu chuẩn bị cơ sở hạ tầng khá phức tạp, ngoài ra còn dễ "đánh động" đối phương, từ đó kẻ địch có thể triển khai các hệ thống tác chiến điện tử để vô hiệu hóa cùng lúc cả bầy UAV đang bay tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo