Ukraine muốn bắt giữ tàu Nga sau vụ đụng độ ở eo biển Kerch
Ukraine áp lệnh cấm nhập cảnh với công dân Nga / Sức mạnh của quân đội Mỹ khi “so găng” với Nga ở biển Đen
Trong bài trả lời phỏng vấn đăng tải trên nhật báo Die Welt, Đức ngày 30/11, Thủ tướng Ukraine Vladimir Groisman đã kêu gọi bắt giữ tàu Nga sau vụ đụng độ giữa 2 nước tại khu vực eo biển Kerch.
“Vì Nga đã bắt giữ bất hợp pháp tàu và giam các thủy thủ của Ukraine, vì vậy tàu Nga cũng phải bị bắt giữ”, ông Groisman nói.
Trước đó, theo trang tin Unian của Ukraine, sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Berlin, ông Groisman ngày 29/11 đã kêu gọi các nước có biện pháp trừng phạt với Nga.
Theo cáo buộc từ Nga, 3 tàu hải quân Ukraine ngày 25/11 đã xâm nhập trái phép vào lãnh hải của Nga. Các tàu này đã “phớt lờ” các cảnh báo liên tục từ phía Moscow và có hành động “gây nguy hiểm” khiến lực lượng Nga buộc phải sử dụng vũ khí để trấn áp.
Sau đó, Nga đã tạm giữ các tàu chiến của Ukraine. Ba trên số 24 thủy thủ Moscow bắt giam bị thương nhẹ và đã được chăm sóc y tế.
Trong khi Nga gọi động thái của Ukraine ở eo biểu Kerch là “khiêu khích nguy hiểm”, thì Kiev bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc từ Nga cũng như yêu cầu Moscow trả tàu và thả người ngay lập tức.
Quốc hội Ukraine đã thống nhất ban hành thiết quân luật trong 30 ngày tại các điểm giáp với Nga. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko gọi các thủy thủ bị bắt là “tù nhân chiến tranh”, đồng thời kêu gọi sức ép từ cộng đồng quốc tế để buộc Nga làm theo đề nghị từ Ukraine.
Ngày 29/11, một quan chức Ukraine cáo buộc Nga ngăn cản tàu thuyền tiếp cận các cảng của Kiev trên biển Azov. Tuy nhiên, Crimea đã bác bỏ các cáo buộc này. Sau đó, Tư lệnh Hải quân Ukraine Igor Voronchenko nói rằng Kiev sẽ đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ cấm tàu Nga qua eo biển Bosporus nhằm đáp trả vụ Nga bắt tàu Ukraine.
Sự việc eo biển Kerch giống như chất xúc tác khiến quan hệ Nga Ukraine thêm phần căng thẳng. Mối quan hệ này vốn dĩ đã không êm đềm trong 4 năm qua sau sự kiện bán đảo Crimea tuyên bố ly khai Kiev và trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga năm 2014.
End of content
Không có tin nào tiếp theo