Quốc tế

Ukraine sẽ nhận được vũ khí gì sau tên lửa Storm Shadow?

Sau khi Vương quốc Anh và Pháp quyết định trang bị cho Ukraine tên lửa tầm xa Storm Shadow/SCALP EG, nhà lập pháp Đức đã kêu gọi lãnh đạo nước này cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus KEPD 350 cho quân đội Ukraine.

Hải quân Nga đang nỗ lực gì với những chiến hạm lớn nhất? / Hình ảnh Su-24M mang Storm Shadow lần đầu lộ diện

Vũ khí có khả năng vươn tới Moscow

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức ngày 27/5 xác nhận Ukraine đã yêu cầu Berlin cung cấp tên lửa tầm xa phóng từ trên không Taurus tầm bắn 500km, có khả năng vươn tới Moscow.

Trước đó, báo Frankfurter Allgemeine Zeitung dẫn nguồn tin từ 2 quan chức giấu tên trong quân đội Đức cho hay, Ukraine đang rất muốn có tên lửa Taurus của Thụy Điển-Đức. Loại vũ khí này có thể trang bị trên máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất mà một số nước phương Tây đang cân nhắc chuyển cho Kiev.

ukraine se nhan duoc vu khi gi sau ten lua storm shadow hinh anh 1
Máy bay F-15 phóng tên lửa Taurus. Ảnh: Military

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky được cho là đã yêu cầu Đức cung cấp tên lửa Taurus trong cuộc gặp với Thủ tướng Olaf Scholz tại Berlin hồi đầu tháng này.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Berlin, có chấp thuận yêu cầu này hay không. Trước đó, Đức tuyên bố không có bất kỳ chiếc F-16 nào để gửi cho Kiev.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RND của Đức hôm 23/5, nghị sĩ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo đối lập tại Đức, Đại tá đã nghỉ hưu Roderich Kiesewetter kêu gọi chuyển tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine.

Ông Kiesewetter cho biết, Đức có một số lượng nhỏ tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao Taurus, nhưng chúng sẽ mang lại giá trị lớn về chất lượng cho Ukraine và cho phép Kiev tấn công cơ sở hạ tầng quân sự của Nga ở sâu phía sau tiền tuyến.

“10 năm trước, có khoảng 600 tên lửa hành trình loại này đã được mua cho Bundeswehr (quân đội Đức), nhưng hiện chỉ khoảng 150 trong số đó còn hoạt động”, ông Kiesewetter nói với giới truyền thông.

Cũng trong cuộc phỏng vấn của RND, ông Fabian Hoffmann, một chuyên gia tên lửa tại Đại học Oslo, cho rằng nhà sản xuất vũ khí châu Âu MBDA có thể bắt đầu sản xuất lại tên lửa Taurus nếu chính phủ liên bang quyết định chuyển nó cho Ukraine.

 

Theo ông, nếu có yêu cầu, MBDA cũng có thể nhanh chóng đưa một số tên lửa hành trình Taurus hiện không sử dụng được trở lại trạng thái sẵn sàng.

Thách thức tiềm tàng đối với Nga?

Việc cung cấp tên lửa tầm xa Taurus của Đức được thúc đẩy trong bối cảnh Anh đã chuyển tên lửa Storm Shadow cho Ukraine, giúp Kiev có khả năng tấn công các vị trí của Nga ở xa phía sau tiền tuyến.

Theo EurAsian Times, sau Anh, Pháp cũng đã cam kết cung cấp tên lửa SCALP-EG cho Kiev. Vũ khí này thực chất là biến thể tương tự tên lửa Storm Shadow của Anh, nhưng có tầm bắn xa hơn cũng như độ chính xác cao hơn.

Mặc dù Nga tuyên bố đánh chặn được các tên lửa Storm Shadow mà Ukraine sử dụng, nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng đây là một loại vũ khí khác mà Nga sẽ phải tìm cách khắc chế sau khi “HIMARS thay đổi cuộc chơi” được đưa vào chiến trường vào năm 2022.

 

Theo các chuyên gia quân sự, tên lửa tầm xa như Taurus sẽ đặt ra những thách thức lớn về hậu cần cho quân đội Nga.

Cho đến nay, Mỹ và các đồng minh NATO vẫn miễn cưỡng cung cấp cho Kiev tên lửa và đạn dược tầm xa. Điều này cũng được thể hiện trong tuyên bố mới nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Đức về việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine.

Hôm 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius bày tỏ nghi ngờ về ý tưởng chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine. Khi được hỏi liệu điều này có khả thi hay không, ông Pistorius nói rằng ông không muốn đi sâu vào chi tiết về mọi hệ thống vũ khí và đưa ra câu trả lời giả định cho một câu hỏi giả định.

Dù vậy, ông Pistorius nhấn mạnh, Ukraine cần được hỗ trợ đáng kể.

“Tôi tin rằng chúng tôi nên hỗ trợ Ukraine bằng tất cả các hệ thống được luật pháp quốc tế cho phép cũng như những gì chúng tôi có thể cung cấp để Kiev giành chiến thắng trong cuộc xung đột hiện nay”, ông Pistorius nói.

 

Sức mạnh tên lửa Taurus KEPD 350

Taurus là sản phẩm của liên doanh giữa MBDA Deutschland của Đức và công ty Saab Bofors Dynamics AB của Thụy Điển. Taurus có chiều dài 5m; sải cánh 2,1m; trọng lượng 1.400kg, vận tốc cận siêu thanh khoảng 1.100km/h.

ukraine se nhan duoc vu khi gi sau ten lua storm shadow hinh anh 2
Máy bay Tornado của Đức thử nghiệm phóng tên lửa Taurus tại Nam Phi. Ảnh: Bundeswehr

Taurus có thể tấn công mục tiêu như cầu, tàu trong cảng, đường băng, trung tâm chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, cơ sở cảng và các tòa nhà căn cứ không quân…

Tên lửa tầm bắn hơn 500km này được thiết kế để sử dụng trong các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu quân sự cố định, bán cố định nằm sâu trong lòng đất mà không khiến máy bay phải đối mặt với lực lượng phòng không của đối phương.

Tên lửa trang bị đầu đạn kép MEPHISTO nặng 500 kg có thể xuyên thủng lớp bê tông dày tới 6m với độ chính xác tới 2-3 m. Theo thông tin từ nhà sản xuất, đầu đạn MEPHISTO thậm chí có thể được lập trình để phát nổ trên một tầng cụ thể được chọn trước của một tòa nhà nhất định.

 

Điểm làm nên uy lực cho vũ khí này là khả năng tàng hình và thiết kế theo dạng module, có thể lắp ráp theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào nhiệm vụ tấn công.

Taurus có thể lắp đặt trên nhiều loại tiêm kích như Tornador, Gripen, FA-18, F-15... Cơ chế điều khiển tên lửa kết hợp giữa hệ thống quán tính, hệ thống tham chiếu hình ảnh, hệ thống khảo sát địa hình và dẫn đường bằng hồng ngoại trong giai đoạn cuối. Sau khi thâm nhập vào sâu bên trong mục tiêu, tên lửa sẽ phát nổ để làm tăng thiệt hại bên trong.

Điểm đặc biệt của Taurus là nếu không tự xác định được mục tiêu, tên lửa sẽ tự hủy trên không để tránh hậu quả không mong muốn.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm