Quốc tế

Những thách thức lớn đối với Ukraine khi nhận tiêm kích F-16

Đối với một máy bay chiến đấu hiện đại như F-16, việc đào tạo nhân viên bảo trì có thể mất nhiều thời gian hơn so với đào tạo phi công.

Nga chế tạo tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm không thể đánh chặn / CLIP: 'Soi' sức mạnh pháo tự hành thế hệ mới 2S43 Malva của Nga

Sau nhiều tháng tuyên bố Ukraine không cần F-16, Mỹ cuối cùng cũng thay đổi quan điểm, đồng ý để các nước đồng minh gửi tiêm kích thế hệ 4 cho Kiev.

Ukraine hy vọng máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất sẽ sớm được chuyển đến nước này.

Theo các nhà phân tích, những chiếc F-16 mà Ukraine dự kiến nhận được sẽ không phải là phiên bản cũ nhất, mà là những chiếc máy bay đã trải qua quá trình nâng cấp, được những cải tiến hệ thống điện tử hàng không và phần mềm.

“Một số loại máy bay khác có nhiều khả năng hơn F-16, nhưng chúng lại ít hơn về số lượng và không sẵn có để chuyển giao”, ông Robert Hopkins, cựu phi công của Không quân Mỹ và là một cây bút về hàng không quân sự, cho biết.

nhung thach thuc lon doi voi ukraine khi nhan tiem kich f-16 hinh anh 1

Một máy bay F-16 chuẩn bị hạ cánh xuống căn cứ quân sự của Mỹ ở Spangdahlem, Đức. Ảnh: Reuters

Những máy bay khác có nhiều khả năng hơn F-16 thường được nhắc đến là F-35 và F/A-18 do Mỹ sản xuất hoặc Rafale của Pháp. Cũng có một số loại khác ít được nhắc tới hơn như Grippen.

Ông Peter Layton, cựu sĩ quan Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia và hiện là một thành viên tại Viện Griffith châu Á, cho biết: “Máy bay tốt nhất về mặt kỹ thuật có thể là Grippen của Thụy Điển vì khả năng chiến đấu, khả năng hoạt động từ các căn cứ thô sơ và bảo trì dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ sản xuất hàng năm khá thấp và chúng cũng không có sẵn”.

Hà Lan là ví dụ điển hình cho thấy F-16 có thể là câu trả lời dễ dàng nhất cho Ukraine. Nước này hiện có 48 máy bay F-16 và sẽ dư thừa hàng chục chiếc trong những năm tới khi chuyển đổi sang F-35. Bỉ, Ba Lan và Đan Mạch cũng sẽ sớm thực hiện chuyển đổi tương tự.

Dù vậy, các nhà phân tích cảnh báo, tiêm kích F-16 không phải là “viên đạn bạc” và có những lỗ hổng mà Nga có thể nắm rõ và khai thác.

Một phi công F-16 tiết lộ với CNN rằng, kỳ vọng của Ukraine đối với tiêm kích thế hệ 4 này là quá cao.

“Đối với câu hỏi liệu F-16 có thể tạo ra sự khác biệt hay không, câu trả lời là không”, viên phi công cho biết.

 

Đào tạo phi công, nhân viên bảo trì phức tạp và kéo dài

Theo Flight Global, gần 2.200 chiếc F-16 đang hoạt động trên toàn thế giới trong năm 2023 và đây là máy bay chiến đấu phổ biến nhất hành tinh, chiếm 15% phi đội toàn cầu.

Các nhà phân tích cho biết số lượng lớn F-16 đang hoạt động trên khắp thế giới có nghĩa là hệ thống hậu cần đã được thiết lập và số lượng phụ tùng thay thế có sẵn cũng rất lớn.

Dù vậy, đối với một máy bay chiến đấu hiện đại như F-16, việc đào tạo nhân viên bảo trì có thể mất nhiều thời gian hơn so với đào tạo phi công.

“Tôi nghĩ có thể dạy một phi công Ukraine lái F-16 trong 3 tháng”, ông Layton nói.

 

Trong khi đó, theo một báo cáo hồi tháng 3 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) về khả năng chuyển giao F-16, “việc đào tạo nhân viên bảo trì có thể mất nhiều tháng hoặc vài năm, tùy thuộc vào mức độ thành thạo mong muốn”.

Báo cáo của CRS cho biết, ngay cả sau khi trải qua 133 ngày huấn luyện, một nhân viên bảo trì của Không quân Mỹ vẫn cần phải có 1 năm kinh nghiệm thực tế để đạt tiêu chuẩn.

Ngoài ra, những chiếc F-16 cần được bảo trì khá nhiều: 16 giờ bảo trì cho mỗi giờ bay.

Đối với việc đào tạo phi công, ông Layton và cũng như phi công F-16 giấu tên đều cho rằng, 3 tháng đào tạo chỉ đảm bảo những điều cơ bản: đưa máy bay lên không trung, giữ nó trên bầu trời và sau đó hạ cánh an toàn. Tuy nhiên, nhiệm vụ chiến đấu phức tạp đòi hỏi cao hơn rất nhiều.

Theo viên phi công giấu tên, học cách bay với F-16 tương đối dễ dàng, nhưng sử dụng chúng một cách hiệu quả trong “môi trường rủi ro cao” có thể mất nhiều năm.

 

“Học lái F-16 chỉ là một phần trong chiến đấu. Các phi công Mỹ đầu tiên học lái máy bay, sau đó họ học cách dẫn 2 chiếc, rồi 4 chiếc F-16. Đây là một quá trình kéo dài nhiều năm và cũng chỉ là yêu cầu cơ bản đối với một đơn vị chiến thuật”, phi công F-16 cho biết.

Theo ông Layton, các phi công Ukraine đã chứng minh được năng lực của họ với phi đội máy bay hiện có và có thể nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm trên những chiếc F-16 nếu chỉ giới hạn ở nhiệm vụ phòng không, bắn hạ máy bay hoặc tên lửa Nga xâm nhập trong thời gian ngắn.

“Theo tôi, sẽ là sai lầm nếu cố gắng dạy họ tấn công mặt đất ban đêm hay tấn công trong mọi thời tiết ở độ cao thấp bằng cách sử dụng bom dẫn đường bằng laser và hệ thống hồng ngoại. Điều này mất nhiều thời gian hơn”, ông Layton nói.

Căn cứ vận hành và vũ khí triển khai

Một câu hỏi nữa đặt ra là những chiếc F-16 của Ukraine sẽ được triển khai tại căn cứ nào.

 

“Máy bay F-16 hoạt động tốt nhất trên đường băng dài, đảm bảo chất lượng và không bị hư hại. Chúng có thể gặp nhiều khó khăn khi hoạt động trên các đường băng cũ và ghồ ghề trên khắp Ukraine”, các nhà phân tích John Hoehn và William Courtney của RAND Corp nhận định.

“Để vận hành máy bay phương Tây, Ukraine cần phải sửa chữa và mở rộng một số đường băng. Quá trình này có thể bị phía Nga phát hiện. Nếu chỉ có một số sân bay phù hợp và ở những địa điểm đã biết, Nga có thể tiến hành các cuộc tấn công nhằm cản trở các máy bay F-16 của Ukraine cất cánh”.

Giả sử Ukraine có thể vượt qua các rào cản hậu cần và bảo trì, đồng thời tìm được đường băng an toàn, đủ tiêu chuẩn để F-16 xuất kích, họ vẫn cần vũ khí phù hợp để chống lại các máy bay chiến đấu chủ chốt mà Nga đang sử dụng như Su-25 và MiG-31.

Báo cáo của CRS cho biết: “Việc chuyển giao các máy bay chiến đấu tiên tiến của phương Tây nhằm giúp Kiev chiếm ưu thế trên không chỉ đem lại lợi thế nếu kết hợp với số lượng lớn vũ khí do phương Tây sản xuất”.

Tất nhiên, các vũ khí tiên tiến triển khai trên F-16 sẽ rất tốn kém. Chẳng hạn, một tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) có giá khoảng 1,2 triệu USD và phải mất khoảng 2 năm để chế tạo một quả tên lửa loại này.

 

CRS cho biết Mỹ có thể cung cấp AMRAAM và các loại vũ khí khác từ kho dự trữ của nước này. Tuy nhiên, với thời gian sản xuất tương đối dài, Washington có nguy cơ cạn kiệt kho dự trữ của chính mình và đây sẽ là rủi ro lớn nếu họ cần tới chúng trong một cuộc xung đột trực tiếp.

Bên cạnh đó, phi công F-16 cho biết, việc sở hữu những chiếc máy bay thế hệ 4 sẽ giúp nâng cao tinh thần và tăng thêm một số khả năng chiến đấu cho Ukraine, nhưng sẽ không làm thay đổi cục diện xung đột hiện nay.

“Nó có thể thực hiện một vài cuộc tấn công trong năm tới và giành được một số chiến thắng, nhưng không một chiếc máy bay nào có thể thay đổi cục diện cuộc xung đột”, viên phi công giấu tên đánh giá.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm