Quốc tế

Ukraine “sốt ruột” khi phương Tây ngó lơ trừng phạt Nga

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi của ông đối với các đồng minh châu Âu và Mỹ nhằm trừng phạt Nga sau vụ tàu hai nước đụng độ tại eo biển Kerch hồi tháng trước.

Ảnh vệ tinh Nga triển khai “rồng lửa” S-400 sát vách Ukraine / Giữa căng thẳng với Nga, Ukraine điều xe tăng án ngữ Biển Azov

 Tổng thống Ukraine Poroshenko (Ảnh: Sputnik)

Tổng thống Ukraine Poroshenko (Ảnh: Sputnik)

Sau khi xảy ra vụ lực lượng an ninh Nga bắt 3 tàu hải quân Ukarine và 24 thủy thủ với cáo buộc xâm phạm lãnh hải Nga hôm 25/11, Tổng thống Poroshenko đã kêu gọi các đồng minh châu Âu và NATO siết chặt trừng phạt Nga. Tuy nhiên, lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Ukraine dường như không được đón nhận trong khi Nga cho đến nay vẫn chưa phải đối mặt với lệnh trừng phạt nào.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 4/12, Tổng thống Poroshenko tiếp tục nhắc lại lời thỉnh cầu của mình, kêu gọi phương Tây có hành động với Nga. Đề xuất của nhà lãnh đạo Ukraine bao gồm sự ủng hộ của NATO dành cho Kiev cũng như các lệnh trừng phạt của NATO đối với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Trong khi các đối tác phương Tây đưa ra tuyên bố mạnh mẽ, ông Putin vẫn hành động”, ông Poroshenko nói, hối thúc các đối tác của Ukraine hợp tác chặt chẽ hơn.

“Hành động có nghĩa là các lệnh trừng phạt phải nhằm vào Nga, cùng với đó là sự hiện diện tăng cường của NATO tại biển Đen và có thể cả ở biển Azov”, tổng thống Ukraine nói thêm.

Vụ đụng độ mới nhất giữa Nga và Ukraine xảy ra ở ngoài khơi bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ được Nga sáp nhập từ năm 2014. Sau vụ sáp nhập này, Nga hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây. Tuy vậy, trong vụ việc lần này tại eo biển Kerch, liên minh châu Âu (EU) dường như ít thống nhất hơn, còn Tổng thống Donald Trump cũng không quan tâm tới việc trừng phạt Nga.

 

Những lời chỉ trích cứng rắn nhằm vào Nga của các nhà lãnh đạo EU và một số quan chức Mỹ vẫn chỉ dừng lại ở các tuyên bố, thay vì chuyển thành hành động thực tế. Mặc dù Tổng thống Trump đã hủy một cuộc gặp song phương với ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina hồi cuối tháng 11, song vẫn chưa có tuyên bố chung nào của Mỹ và EU về vụ việc lần này.

Cận cảnh màn rượt đuổi của tàu chiến Nga và Ukraine

Kurt Volker, đặc phái viên của Mỹ về xung đột Nga - Ukraine ngày 5/12 cho biết việc áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung hay siết chặt các biện pháp trừng phạt hiện thời đang được thảo luận tại châu Âu và là “điều nên làm”. Ông Volker cho biết Mỹ cũng đang xem xét vấn đề này và điều đó thể hiện rằng “chúng ta thống nhất quan điểm với nhau trong việc đối phó với Nga”. Quan chức Mỹ cũng kêu gọi Nga thả các tàu cũng như thủy thủ Ukraine và xem đây là hành động thiện chí của Moscow trước lễ Giáng sinh.

 

Chủ tịch Quốc hội Ukraine Andriy Parubiy hối thúc Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence “sử dụng tất cả các biện pháp sẵn có để ngăn chặn sự gây hấn của Nga đối với Ukraine, đồng thời ngăn chặn Nga vi phạm luật lệ quốc tế bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính và năng lượng bổ sung”.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Tổng thống Poroshenko cho biết ông “hy vọng và cầu mong” sức ép từ cộng đồng quốc tế sẽ giúp các thủy thủ Ukraine được thả. Ông nói rằng sau khi sự gây hấn của Nga lắng xuống và các thủy thủ được thả, lệnh thiết quân luật kéo dài 30 ngày được Ukraine áp dụng sau vụ đụng độ tại eo biển Kerch sẽ kết thúc.

Tổng thống Poroshenko nhắc lại lời cảnh báo ông nhiều lần đưa ra gần đây rằng Ukraine đang có nguy cơ đối mặt với sự xâm chiếm từ Nga khi hàng loạt khí tài quân sự được Nga triển khai dọc biên giới với Ukraine. Một quan chức Ukraine hồi đầu tuần cho biết Nga đã dở bỏ phong tỏa một phần các cảng biển của Ukraine tại biển Azov và cho phép các tàu ra vào cảng Ukraine tự do hơn. Khi được hỏi liệu động thái này có chấm dứt căng thẳng với Nga không, ông Poroshenko khẳng định “chắc chắn là không”.


Theo dantri.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm