Ủy ban quốc hội Ukraine ủng hộ hủy bỏ hiệp ước hữu nghị với Nga
Ảnh vệ tinh Nga triển khai “rồng lửa” S-400 sát vách Ukraine / Giữa căng thẳng với Nga, Ukraine điều xe tăng án ngữ Biển Azov
Tass dẫn lời Chủ tịch Ủy Ban Đối ngoại thuộc Quốc hội Ukraine cho biết cơ quan này đã nhất trí tán thành một dự luật nhằm hủy bỏ Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraine và Nga.
Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Vasily Bondar cho biết ông kỳ vọng Quốc hội Ukraine sẽ sớm đưa ra những quyết định cần thiết để “hoàn thành các thủ tục nội bộ và sau đó thông báo với Nga về việc hủy bỏ thỏa thuận”.
Hồi giữa năm, Bộ Ngoại giao Ukraine đã đề xuất việc dừng hiệp ước hữu nghị với Nga. Tiếp đến, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine đã thông qua việc này và tiếp tục trình lên Tổng thống Petro Poroshenko. Ngày 17/9, ông Poroshenko đã ký lệnh thông qua đề xuất trên và tới ngày 3/12, ông đã trình dự luật khẩn lên Quốc hội về việc chấm dứt hiệp ước. Nếu Quốc hội Kiev thông qua dự luật, nó sẽ là dấu chấm hết cho hiệp ước đã kéo dài gần 20 năm qua giữa 2 quốc gia.
Tass dẫn lời chuyên gia Ukraine Ruslan Bortnik đánh giá quyết định trình dự luật của ông Poroshenko vào thời điểm này lên Quốc hội dường như có liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào đầu năm 2019.
Ông Bortnik cho rằng lẽ ra ông Poroshenko có thể trình dự luật lên Quốc hội Ukraine từ tháng 9, sau khi ký thông qua đề xuất từ Hội đồng An ninh. Tuy nhiên, việc trình dự luật lên lúc này dường như sẽ tạo ra lợi thế nhất định cho ông Poroshenko trong cuộc bầu cử.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Ukraine và Nga đang leo thang căng thẳng từ ngày 25/11, sau khi Moscow bắt giữ 3 tàu hải quân của Kiev với cáo buộc xâm phạm lãnh hải và có động thái "khiêu khích" gây nguy hiểm. Ukraine đã bác bỏ những thông tin trên và thông qua thiết quân luật kéo dài 30 ngày áp dụng ở những khu vực giáp với Nga, đồng thời yêu cầu thả tàu và 24 thủy thủ ngay lập tức.
Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraine và Nga được 2 bên ký thông qua hồi tháng 5/1997 và bắt đầu có hiệu lực vào tháng 4/1999. Văn kiện này quy định hiệu lực của hiệp ước kéo dài trong 10 năm và sau khi thời gian kết thúc nếu không bên nào phản đối, nó sẽ được tiếp tục gia hạn thêm 10 năm nữa. Ngược lại, hiệp ước sẽ bị hủy bỏ.
Hiệp ước này quy định rõ ràng các nguyên tắc hợp tác chiến lược giữa 2 nước và tôn trọng chủ quyền, cam kết không xâm phạm biên giới, cũng như về quyền và nghĩa vụ của 2 bên trong các hoạt động có thể gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của nhau.
End of content
Không có tin nào tiếp theo