Uy lực “sát thủ diệt tăng” Bradley Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Thiết giáp AMX-10 RC Pháp cung cấp cho Ukraine có gì đặc biệt? / Lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt
Nhà Trắng tuần trước thông báo Mỹ sẽ gửi xe chiến đấu bọc thép Bradley cho Ukraine. Cùng lúc, lãnh đạo Đức cũng tiết lộ kế hoạch chuyển xe chiến đấu bộ binh Marder cho Kiev. Động thái của Mỹ và Đức diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo sẽ chuyển xe chiến đấu bọc thép AMX-10 RC cho Ukraine.
Cả 3 phương tiện nêu trên được kỳ vọng sẽ tăng cường hỏa lực cơ động và năng lực chiến đấu trên bộ cho quân đội , đồng thời giúp Kiev tiến hành các chiến dịch phản công.
Khoảng 50 xe M2A2 Bradley của Mỹ sẽ được đưa tới Ukraine.
Sát thủ diệt tăng
Xe chiến đấu bộ binh Bradley là phương tiện bọc thép có khả năng chở quân trên chiến trường, yểm trợ hỏa lực và thực hiện nhiệm vụ trinh sát.
Xe Bradley có tốc độ tương đối tốt, khả năng cơ động cao, do kíp lái 3 người vận hành, gồm lái xe, chỉ huy và người điều khiển pháo. Xe có thể chở tới 6 binh sỹ được trang bị đầy đủ.
Bradley đôi lúc bị nhầm lẫn là xe tăng, mặc dù các chuyên gia quân sự và quan chức chính phủ tìm cách chỉ rõ chủng loại của phương tiện này.
Khi được đề nghị mô tả sự khác biệt giữa xe Bradley với xe tăng, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder nói rằng “Đó không phải là xe tăng, mà là vũ khí diệt tăng”.
“Bradley là xe bọc thép vừa có khả năng hỏa lực, vừa có thể vận chuyển binh sỹ vào chiến trường”, ông Ryder giải thích thêm.
Bình luận của ông Ryder tương tự như nhận định của ông Mark Hertling, tướng về hưu của lục quân Mỹ. Trong một bình luận trên mạng xã hội hôm 4/1, ông Hertling nói rằng, Bradley có thể được gọi là “xe chở quân” hay “sát thủ diệt tăng”.
Hiệu quả trên chiến trường
Bradley do BAE Systems thiết kế và sản xuất, được đưa vào sử dụng đầu những năm 1980. Ban đầu xe Bradley được phát triển nhằm cạnh tranh với gia đình xe chiến đấu bộ binh của Liên Xô. Biến thể M2A2 được sử dụng trong quân đội Mỹ năm 1988.
Theo chuyên trang về quân sự Military, giống như xe tăng, Bradley sử dụng bánh thép chứ không phải bánh lốp, có tầm hoạt động khoảng 480km, di chuyển với tốc độ khoảng 64km/h.
Các phương tiện này từng hoạt động trong Chiến tranh Vùng Vịnh đầu những năm 1990 và Chiến tranh Iraq trong thập kỷ sau đó.
Một báo cáo của Văn phòng trách nhiệm giải trình chính phủ của Mỹ năm 1992 về hiệu quả xe Bradley trong Chiến tranh Vùng Vịnh nói rằng: “Xe Bradley đã chứng minh độ sát thương khi kíp lái thông báo rằng pháo tự động 25mm có hiệu quả chống lại nhiều mục tiêu. Hệ thống tên lửa TOW có khả năng tiêu diệt xe tăng”.
Ông Hertling, một cựu chỉ huy Bradley, nói rằng, xe Bradley không gặp nhiều vấn đề phức tạp với động cơ hoặc tháp pháo và ít phải bảo trì.
Pháo, tên lửa và bọc thép
Theo Military, Bradley được trang bị một pháo tự động M242 Bushmaster 25mm, một súng máy M240C 7,62mm. Xe có thể mang nhiều tên lửa chống tăng TOW – vũ khí uy lực có thể đánh trúng mục tiêu cách xa vài km.
Trong thông báo về gói viện trợ an ninh mới cho Ukraine hôm 6/1, Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ sẽ cho Ukraine gửi 500 tên lửa TOW, 250.000 viên đạn cỡ 25mm.
Ông Jeffrey Edmonds, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân, đánh giá: “Trong việc đối phó với các xe bọc thép hạng nhẹ, Bradley là ‘sát thủ’”.
Bradley có lớp giáp hợp kim nhôm phản ứng nổ và lớp giáp trước bằng thép có thể chống lại các loại đạn dược khác nhau, chẳng hạn như một số loại đạn xuyên giáp và súng chống tăng. Xe cũng được trang bị theo súng phun khói có thể tạo ra màn sương để phòng thủ.
Xe Bradley có thể giúp gì cho Ukraine?
Theo ông Edmonds, ở Ukraine, xe Bradley sẽ giúp ích đáng kể. Bradley có khả năng di chuyển trên nhiều địa hình, kích thước nhỏ gọn và sự cơ động của nó có thể giúp các lực lượng Ukraine tận dụng các bước đột phá phản công và khai thác thành công dọc theo các phòng tuyến của Nga.
Ông Ryder, Thư ký Báo chí của Lầu Năm Góc, cho biết xe Bradley sẽ “tăng cường đáng kể khả năng thiết giáp vốn đã rất ấn tượng của Ukraine”.
“Chúng tôi tin tưởng phương tiện thiết giáp này sẽ hỗ trợ Ukraine trên chiến trường”, ông Ryder đồng thời nói thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo