Quốc tế

Vai trò đầy bất ngờ dành cho tên lửa đạn đạo liên lục địa hết hạn sử dụng của Nga

DNVN - Quân đội Nga thừa hưởng một kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa khổng lồ từ thời Liên Xô, nhưng hiện nay phần lớn trong số chúng đã hết hạn trực chiến, vì vậy Moskva đang phải tìm cách tận dụng lượng vũ khí khổng lồ này.

Chiêm ngưỡng những máy bay vận tải quân sự lớn nhất thế giới / 8 công nghệ tương lai giúp quân đội “biến hóa” như các siêu anh hùng

Trong thời kỳ đỉnh cao của chiến tranh Lạnh, Liên Xô được cho là đã sản xuất tới hàng ngàn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn siêu xa.

Nổi bật trong số này là những tên lửa triển khai từ giếng phóng cố định Satan hay loại Topol đặt trên khung gầm xe tải việt dã có khả năng cơ động cao.

Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga và Mỹ đã ký kết các hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân, bởi vậy mà phần lớn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên đã bị cho giải ngũ.

Mọi việc còn khó khăn hơn với người Nga khi căng thẳng giữa họ với Ukraine gia tăng, khiến Kiev quyết định ngừng bảo dưỡng các loại vũ khí đặc biệt này cho Moskva.

Tên lửa đạn đạo liên tục địa RS-12 Topol của Nga. Ảnh: Defence Blog.

Tên lửa đạn đạo liên tục địa RS-12 Topol của Nga. Ảnh: Defence Blog.

Kết quả là rất nhiều tên lửa đạn đạo tầm siêu xa Satan hay Topol đã bị loại biên, nhưng sau khi tháo đầu đạn hạt nhân thì phần tên lửa đẩy vẫn được Nga tìm cách tận dụng.

Cần lưu ý rằng công nghệ tên lửa đẩy là loại lưỡng dụng, nếu không dùng để phóng vũ khí hạt nhân thì vẫn có thể sử dụng nó để đưa vệ tinh lên trên quỹ đạo.

Chính vì vậy mà mới đây hãng thông tấn Ria Novosti dẫn nguồn tin riêng cho biết Nga đang cân nhắc khởi động dự án "tái sinh" các tên lửa Topol từng bị thải loại khỏi biên chế quân đội để hoán cải thành tên lửa phóng vệ tinh.

Trước đó vào năm 2016, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga -Thượng tướng Sergei Karakayev cho biết tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol hoàn toàn có thể được ''tái sinh'' thành tên lửa phóng vệ tinh.

 

Đáng tiếc rằng sau đó vì gặp phải một số khó khăn mà toàn bộ chương trình trên đã bị ngừng lại. Tuy nhiên thời điểm hiện tại được cho là đã đến lúc khôi phục dự án trên.

Những quả ICBM đã loại biên sẽ được tận dụng để phóng vệ tinh. Ảnh TASS.

Những quả ICBM đã loại biên sẽ được tận dụng để phóng vệ tinh. Ảnh TASS.

Hiện tại, các tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-12M Topol đang được loại biên để thay thế bằng loại RS-24 Yars. Chúng đang bị tháo dỡ để bán sắt vụn, hiện chỉ còn 70 tên lửa loại này trong biên chế Quân đội Nga.

 

Nếu việc nghiên cứu để hoán cải các tên lửa này thành công thì Nga sẽ tiết kiệm được khoản chi phí rất lớn cho các chương trình không gian của mình.

Trong quá khứ, Nga từng sử dụng tên lửa Start 1 được chế tạo trên cơ sở Topol để phóng vệ tinh vào quỹ đạo. Từ năm 1993 đến năm 2006, Nga thực hiện 7 lần phóng tên lửa Start 1, trong đó có 6 lần thành công.

Hiện tại Nga đang sở hữu tên lửa chuyên chở Dnepr, được hoán cải từ tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-20 (R-36). Có tổng cộng 22 lần phóng bằng tên lửa này được thực hiện với 21 lần thành công.

Các chuyên gia quân sự phương Tây từng phải tròn mắt sau khi chứng kiến một tên lửa đạn đạo RS-18 Satan sau 30 năm trực chiến vẫn đưa thành công một vệ tinh lên tới quỹ đạo tầm cao.

Với tiềm lực khoa học kỹ thuật của nước Nga, việc hoán cải các tên lửa RS-12 Topol được đánh giá là hoàn toàn trong tầm tay, đây sẽ là nguồn tên lửa đẩy vệ tinh phục vụ đắc lực cho chương trình chinh phục vũ trụ của họ trong tương lai.

 

Phong Vũ (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm