Quốc tế

Vì sao quân đội Iran không phải là mục tiêu “dễ nhằn” đối với Mỹ?

Sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ được đánh giá chỉ tấn công vào những mục tiêu thiếu năng lực quân sự và không có đồng minh chống lưng, nhưng với Iran, Washington sẽ phải đối mặt với một đối thủ "khó nhằn".

Mỹ nói Iran "photoshop" bệ phóng tên lửa, phóng đại về khả năng quân sự / “Cơn ác mộng” 90.000 tấn giúp Mỹ răn đe Iran

Theo RT, giới chuyên gia nhận định nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Iran ngày càng tới gần, khi mà Washington điều động lực lượng cùng vũ khí rầm rộ tới vịnh Péc-xích cùng những lời khiêu chiến từ phía quan chức Mỹ.

Khu trục hạm nội địa đầu tiên của Iran Jamaran phóng thử tên lửa Nour trên vịnh Péc-xích.

Tuy nhiên, việc xảy ra một cuộc chiến tổng lực là điều không thể bởi không giống với những quốc gia khác, Iran hiện là “mục tiêu không dễ nhằn” với Mỹ.

Hồi đầu tháng này, Mỹ đã cho triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln cùng nhóm oanh tạc cơ chiến lược tới Trung Đông. Lầu Năm Góc cũng thông báo, các tổ hợp tên lửa Patriot cùng tàu vận tải USS Arlington đang trên đường tới vịnh Péc-xích.

Việc những quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump như Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton nhiều lần có những tuyên bố mang tính hiếu chiến cùng lời cáo buộc Iran là thủ phạm tấn công 4 tàu chở dầu ở vịnh Péc-xích càng khiến nhiều người tin rằng, một cuộc chiến sắp bùng nổ ở Trung Đông.

Song theo nhà báo Neil Clark, một người có kinh nghiệm làm việc với rất nhiều tờ báo lớn trên thế giới như Guardian và RT, Mỹ sẽ không tấn công Iran dù dàn vũ khí đã có mặt và sẵn sàng trực chiến ở vịnh Péc-xích.

Cụ thể, theo ông Clark, kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, tất cả các nước bị Mỹ hay các nước đồng minh trực tiếp tấn công hay xâm lược đều là những “mục tiêu mềm”. Nói cách khác, đây là những mục tiêu có sức mạnh quân sự yếu, không có đồng minh chống lưng và không có năng lực đáp trả mạnh mẽ.

 

Như vụ tấn công của NATO, liên minh quân sự mà Mỹ là thành viên, nhằm vào Cộng hòa Liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư vào năm 1999. Dù có đội quân hùng mạnh và hệ thống phòng không tốt, nhưng Nam Tư lại bị cộng đồng quốc tế cô lập bởi lệnh trừng phạt và không có bất cứ đồng minh nào hỗ trợ.

Chỉ hai năm sau, vào năm 2001, Mỹ tấn công vào Afghanistan. Lúc này, không quân Afghanistan bị đánh giá quá yếu. Sự chia rẽ trong quân đội đã nhanh chóng đẩy chính quyền Taliban ở thủ đô Kabul bị lật đổ chỉ sau chưa đầy hai tháng.

Tới tháng 3/2003, Iraq bị lực lượng đa quốc gia do Mỹ đứng đầu tấn công. Sau nhiều năm bị lệnh trừng phạt bao vây, nền kinh tế Iraq dường như sụp đổ. Hệ thống phòng không và cảnh báo sớm của Iraq cũng bị hủy hoại nghiêm trọng sau những trận tấn công dồn dập của “quân đồng minh”, trong khi đó, không quân Iraq chỉ nắm trong tay gần 90 chiếc máy bay sẵn sàng chiến đấu.

Tám năm sau cuộc chiến Iraq, quân đội Mỹ có mặt ở Libya. Một lần nữa mục tiêu tấn công của Mỹ được đánh giá là “dễ nhằn” và chính quyền của nhà độc tài Muammar Gaddafi cũng nhanh chóng bị lật đổ.

Tuy nhiên, với Iran lại là một trường hợp khác. Tổ chức Global Firepower từng xếp Cộng hòa Hồi giáo Iran đứng thứ 14 trong danh sách các cường quốc quân sự. Với vị trí này, Iran còn đứng trước Israel tới hai bậc.

 

Nếu Mỹ muốn tấn công đổ bộ, Mỹ cần tính tới việc quân đội Iran có hơn nửa triệu binh sĩ trong biên chế và 350.000 quân dự bị. Đó là chưa kể tới lực lượng mà Iran gọi là “Trục kháng cự” gồm các tay súng Hezbollah, Shia ở Iraq đang chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Lực lượng này có thể được triệu tập để tấn công các mục tiêu của Mỹ trong khu vực.

Liên quan tới sức mạnh không quân, Iran có hơn 500 máy bay bao gồm 142 chiến đấu cơ. Iran còn có 1.634 xe tăng chiến đấu, 2.345 xe chiến đấu bọc thép và 1.900 ống phóng tên lửa.

Nếu Mỹ tấn công trên biển, Iran có tới 400 tàu hải quân. Ngoài ra, Iran còn sở hữu dàn tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho tới tầm trung với khả năng tấn công những mục tiêu của đồng minh Mỹ trong khu vực như Israel và các nước vùng Vịnh.

Thậm chí, hồi tháng Hai, Iran đã chính thức cho ra mắt tên lửa hành trình tầm xa phóng từ mặt đất mang tên Hoveizeh với tầm bắn lên tới 1.350 km.

Đặc biệt, ngoài năng lực quân sự, Iran còn nắm giữ khả năng “bóp nghẹt nền kinh tế thế giới” như tờ Deutsche Welletừng nhận định bằng việc phong tỏa eo biển Hormuz, một trong năm tuyến đường buôn bán dầu mỏ quan trọng bậc nhất thế giới. Hãy tưởng tượng nếu Iran cho phong tỏa eo biển Hormuz, giá dầu trên thế giới sẽ tăng tới mức nào?

 

Không thể phủ nhận, Mỹ hiện là cường quốc quân sự số 1 thế giới và không ai nghi ngờ nếu Mỹ tấn công Iran, phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về Mỹ.

Nhà phân tích quân sự Nga Mikhail Khodarenoktừng cho rằng, Mỹ có thể tấn công Cộng hòa Hồi giáo Iran từ xa bằng phương án chiến tranh điện tử để làm tê liệt hệ thống phòng không của Iran. Một cuộc tấn công quy mô lớn và bất ngờ từ trên không và trên biển phối hợp với quân đội Israel cũng sẽ khiến Iran loạng choạng. Nhưng nguy cơ đối với Mỹ còn khá cao, bởi các lực lượng ủy nhiệm của Iran vẫn là mối đe dọa. Nguồn cung cấp dầu mỏ cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nói cách khác, đối với Mỹ, cuộc chiến chống lại Iran khác xa với Afghanistan, Nam Tư, Iraq hay Libya. Song Mỹ cũng sẽ tìm mọi cách để gây bất ổn cho Iran mà vẫn tránh được việc phải tiến hành một cuộc chiến tổng lực, nhà báo Clark kết luận.

Theo infonet.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm