Vì sao vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei rúng động thị trường thế giới?
Quân đội Syria phát hiện loạt vũ khí Israel do phiến quân bỏ lại / Bất chấp Ukraine thỉnh cầu, Mỹ không định trừng phạt quân sự Nga
Bà Meng là giám đốc tài chính Huawei. (Ảnh: CBC)
Theo Washington Post, bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chính Huawei, bị giới chức Canada bắt giữ khi đang chờ chuyến bay ở Vancouver hôm 1/12. Thẩm phán đã chấp nhận đề nghị của bà Meng không cho phép cảnh sát và các công tố viên công bố thông tin liên quan đến vụ việc, do vậy những thông tin cụ thể về việc tại sao bà Meng bị bắt vẫn còn khá hạn chế.
Mặc dù vậy, hệ quả của việc bắt giữ đã thể hiện khá rõ và các bên cũng đã đưa ra những phản ứng tức thì.
Giới làm luật Mỹ chỉ trích Huawei đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Giới chức Trung Quốc đề nghị thả bà Meng ngay lập tức. Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói Ottawa đã được Mỹ thông báo về kế hoạch bắt giữ giám đốc tài chính của tập đoàn Trung Quốc Huawei Meng Wanzhou vài ngày trước đó, và động thái mà Canada thực hiện không phải vì động cơ chính trị.
Những lùm xùm liên quan đến vụ bắt giữ giám đốc Huawei khiến chỉ số chính trên thị trường chứng khoán châu Âu giảm xuống thấp nhất 2 năm, các thị trường châu Á cũng đồng loạt giảm điểm.
Bà Meng Wanzhou là ai?
Bà Meng là con gái nhà sáng lập Huawei. (Ảnh: SCMP)
Bà Meng là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc tài chính Huawei và cũng là con gái của nhà sáng lập tập đoàn.
Huawei là một trong những tập đoàn cung cấp dịch vụ và trang thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Gần đây, tập đoàn này đã vượt Apple (Mỹ) trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới sau Samsung (Hàn Quốc). Tuy nhiên, những lo ngại các thiết bị do Huawei sản xuất đe dọa đến an ninh quốc gia đã ảnh hưởng đến khả năng mở rộng thị trường nước ngoài của tập đoàn này.
Bà Meng, 46 tuổi, từng có thời gian ngắn làm việc tại Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc. Phần lớn thời gian sự nghiệp của bà là tại Huawei. Em trai bà, Meng Ping, cũng làm việc tại một công ty con của Huawei. Trước kia từng có đồn đoán rằng, anh em bà Meng sẽ trở thành người thừa kế tập đoàn từ cha. Tuy nhiên, để dập tắt dư luận, cha của bà, ông Ren Zhengfei, đã viết tâm thư cho toàn bộ nhân viên năm 2013 nói rằng các con của ông chưa đủ kinh nghiệm, năng lực cũng như tham vọng để điều hành tập đoàn.
Vụ bắt giữ nhiều uẩn khúc
Thủ tướng Canada khẳng định vụ bắt giữ không mang mục đích chính trị. (Ảnh: CBS)
Hiện tại chưa rõ cáo buộc khiến bà Meng bị bắt, song một số nguồn tin nói rằng bà có thể liên quan đến các hoạt động "lách" trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Trong thông cáo phát đi hôm qua, Huawei cho biết, bà Meng bị giới chức Canada bắt giữ theo đề nghị của Mỹ khi bà đang chờ chuyển chuyến bay ở Canada. Thông cáo nói, bà Meng phải đối mặt với các cáo buộc chưa cụ thể từ một tòa án ở New York (Mỹ). “Công ty nhận được rất ít thông tin liên quan đến cáo buộc chống lại bà Meng và cũng không biết bà Meng có bất cứ sai phạm nào”, một phát ngôn viên của Huawei nói.
Phát biểu với báo giới hôm qua, Thủ tướng Canada Trudeau cho biết, Canada thực hiện vụ bắt giữ theo yêu cầu từ phía Mỹ và hoàn toàn không có động cơ nào khác, và chính phủ Ottawa cũng không có ý định can thiệp về mặt chính trị.
“Các cơ quan chức năng phù hợp đã ra quyết định về vụ việc mà không có động cơ chính trị đằng sau", Reuters dẫn lời ông Trudeau. Khi được hỏi liệu ông đã trao đổi vụ việc với Thủ tướng hay Đại sứ Trung Quốc chưa, ông Trudeau cho biết vẫn chưa có cuộc thảo luận nào với những người đồng cấp Trung Quốc.
Về phía Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng, ông biết thông tin về kế hoạch bắt giữ từ trước. Ông cũng nói thêm rằng, Mỹ từ lâu đã có "mối lo ngại cực lớn" về hoạt động mà các doanh nghiệp Trung Quốc dùng để chiếm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ, và được coi là công cụ của chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua đã đề nghị thả bà Meng và yêu cầu giới chức Canada, Mỹ lý giải việc bắt giữ nữ giám đốc tài chính Huawei.
Số phận bấp bênh của thỏa thuận “đình chiến” thương mại
Mỹ, Trung Quốc đạt được thỏa thuận "đình chiến" thương mại trong 90 ngày. (Ảnh: Reuters)
Giới quan sát cho rằng, vụ bắt giữ bà Meng có thể đe dọa đến thỏa thuận "đình chiến" thương mại vừa đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc. "Hành động kiểu này sẽ tác động tiêu cực đến các cuộc đàm phán, khiến các cuộc đàm phán khó mang lại một kết quả hòa giải bền vững", các chuyên gia phân tích rủi ro chính trị của Eurasia Group nhận định.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6/12 nói rằng, Bắc Kinh tin tưởng thỏa thuận thương mại với Washington có thể sẽ đạt được sau thời hạn 90 ngày “đình chiến”. Tuy nhiên, rõ ràng chính phủ Trung Quốc đã vô cùng giận dữ về vụ bắt giữ bà Meng. Số phận của thỏa thuận đình chiến thương mại do đó phụ thuộc rất nhiều vào động thái tiếp theo của Bắc Kinh và Washington liên quan đến vụ bắt giữ này.
Liu Weidong, một chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng vụ bắt giữ bà Meng là một toan tính của Washington nhằm gây sức ép đàm phán thương mại với Bắc Kinh. “Chúng ta sẽ còn thấy thêm những vụ kiểu này trong 3 tháng tới, trừng phạt các doanh nghiệp và cá nhân Trung Quốc để tạo lợi thế đàm phán cho Mỹ”, ông Liu bình luận.
Tuy nhiên, ông Drew Thompson, cựu Vụ trưởng Vụ Trung Quốc, Mông Cổ, Đài Loan thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng vụ bắt giữ không nên liên hệ với các cuộc đàm phán thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc. Giám đốc điều hành một công ty đa quốc gia tại Mỹ cũng cho rằng, vụ việc có thể không phải một “chiến thuật” nào đó của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, song nó cũng có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán trong dài hạn.
Eric Harwit, giáo sư Đại học Hawaii, cho rằng vụ bắt giữ không chỉ liên quan đến việc vi phạm các lệnh trừng phạt mà nó còn phản ảnh lo ngại của Mỹ về các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ với doanh nghiệp Mỹ trong tương lai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo