Quốc tế

Vì sao vũ khí hạt nhân chiến thuật lại là một ý tưởng rất tồi?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật đang là chủ đề thảo luận sôi nổi của các chính khách, học giả và chuyên gia nhiều lĩnh vực.

Tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Nga lần đầu tiên tấn công bằng tên lửa chống hạm / Nga chuyển quân tới Ain Issa của Syria

Vũ khí hạt nhân chiến thuật

Vũ khí hạt nhân (vũ khí nguyên tử) là thiết bị nổ mà các yếu tố hủy diệt được tạo ra bởi các phản ứng hạt nhân - phân hạch hoặc nhiệt hạch. Vũ khí hạt nhân chiến thuật (tactical nuclear weapon - TNW) hay vũ khí hạt nhân phi chiến lược (non-strategic nuclear weapon) là vũ khí hạt nhân được thiết kế để sử dụng trên chiến trường hay khu vực chiến sự, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được sử dụng để tấn công các mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ đối phương, cách xa mặt trận như các căn cứ quân sự lớn, thành phố, tổ hợp công nghiệp vũ khí và các khu vực kiên cố… bởi tên lửa tầm xa hoặc máy bay ném bom chiến lược, nhằm làm tổn hại khả năng tiến hành chiến tranh của đối phương.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật bao gồm bom trọng lực, tên lửa tầm ngắn, đạn pháo, mìn, ngư lôi…, được trang bị phần chiến đấu hạt nhân. Các loại vũ khí chiến thuật nhỏ, di động cho hai người, hoặc di động bằng xe tải (đôi khi được gọi là vũ khí hạt nhân vali), chẳng hạn như Bom phá nguyên tử đặc biệt (Special Atomic Demolition Munition) và súng trường không giật Davy Crockett (Davy Crockett recoilless rifle), đã được phát triển, nhưng khó kết hợp đủ công suất với tính di động vì vậy, việc sử dụng quân sự của chúng bị hạn chế.

Tên lửa hạt nhân chiến thuật MGR-3 Little John của Mỹ. Nguồn: wikipedia.org
Tên lửa hạt nhân chiến thuật MGR-3 Little John của Mỹ. Nguồn: wikipedia.org.

Không có giới hạn chính xác "chiến thuật" về tầm bắn hoặc công suất của vũ khí hạt nhân. Công suất của vũ khí hạt nhân chiến thuật thường thấp hơn so với vũ khí hạt nhân chiến lược, nhưng vẫn rất mạnh và một số đầu đạn có công suất khác nhau có thể sử dụng cho cả hai vai trò. Ví dụ, đầu đạn W89 200 kiloton được thiết kế để trang bị cho cả tên lửa chiến thuật chống ngầm Sea Lance và tên lửa SRAM II phóng từ máy bay ném bom chiến lược. Đầu đạn hạt nhân chiến thuật hiện đại có công suất lên tới hàng chục kiloton, vượt xa công suất bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Một số vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế đặc biệt nhằm nâng cao tính năng chiến đấu của chúng, chẳng hạn như công suất nổ thay đổi, sử dụng cho các tình huống khác nhau, hoặc vũ khí bức xạ tăng cường ("bom neutron"), tối đa hóa yếu tố sát thương bởi bức xạ ion hóa và giảm thiểu hiệu ứng nổ…

Một trong những khác biệt chính giữa vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược là ở chỗ, vũ khí chiến thuật không bị điều tiết bởi bất kỳ hiệp ước quốc tế nào. Theo Hiệp ước START, với cả Nga và Mỹ, các đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tàu ngầm và máy bay ném bom hạt nhân bị giới hạn ở mức 1.550 đơn vị và 700 phương tiện mang phóng. Tuy nhiên, chưa có thỏa thuận về việc các nước được phép sở hữu bao nhiêu đầu đạn hạt nhân nhỏ. Theo một số nguồn tin, Mỹ hiện có thể có tới 20.000 còn Nga sở hữu không quá 2.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

Tại sao vũ khí hạt nhân chiến thuật là một ý tưởng rất tồi

Sau Chiến tranh Lạnh, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã xem xét liệu có thể tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân hạn chế hay không. Mỹ phát triển "vũ khí hạt nhân chiến thuật", ban đầu được cho để sử dụng chống lại một đơn vị hay căn cứ cụ thể thay vì tiêu diệt hoàn toàn phía bên kia. Học thuyết quân sự mới của Mỹ hiện nay đang đề cập tới vai trò của các đầu đạn hạt nhân công suất thấp sử dụng trong các cuộc xung đột cục bộ, coi đó như một biện pháp răn đe, ngăn chặn các nước khác, đặc biệt là Nga sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật với niềm tin có thể thoát khỏi sự trả đũa của Mỹ.

Tên lửa hạt nhân chiến thuật Pluton của Pháp. Nguồn: francetnp.gouv.fr
Tên lửa hạt nhân chiến thuật Pluton của Pháp. Nguồn: francetnp.gouv.fr.

Một kịch bản được chính quyền Trump tính đến trong Đánh giá hoạt động hạt nhân (Nuclear Posture Review) năm 2018 là Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ngay khi bắt đầu chiến tranh vì họ tin rằng Mỹ sẽ không phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược khác để đáp trả, theo học thuyết “Leo thang để Giảm leo thang” “Escalating to De-escalate” của Moscow.

 

Mỹ hiện đang hiện đại hóa tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm BGM-109 Tomahawk - loại vũ khí có thể được sử dụng để mang đầu đạn hạt nhân, bom trọng lực hạt nhân B61 đang được nâng cấp lái dẫn bằng GPS để có thể hoạt động như những quả bom thông minh. Bộ Quốc phòng Nga hiện cũng đang cân nhắc các lựa chọn trong trường hợp gia tăng mối đe dọa bằng cách sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật trang bị cho tên lửa Iskander-M. Quân đội Nga cũng có thể cải tiến các tên lửa hành trình Kalibr trên biển cũng như tên lửa phóng từ trên không Kinzhal để gắn đầu đạn hạt nhân.

Tư lệnh lực lượng hạt nhân Quân đội Mỹ gần đây thừa nhận không ai biết liệu việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hay công suất thấp sẽ gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể bất ngờ dẫn đến leo thang nhanh chóng hoặc chiến tranh sử dụng đầy đủ và ồ ạt các vũ khí chiến lược. Trong những năm gần đây, khi Mỹ tập trung vào các cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật, Nga đã tuyên bố rõ rằng, sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân nào là khởi đầu của một cuộc chiến, bất kể Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hay chiến lược.

Tên lửa hạt nhân chiến thuật OTR-21 Tochka của Liên Xô. Nguồn: wikipedia.org
Tên lửa hạt nhân chiến thuật OTR-21 Tochka của Liên Xô. Nguồn: wikipedia.org.

Có vẻ như cuộc tranh luận về vũ khí hạt nhân “chiến thuật” là một vấn đề về ngữ nghĩa. Ngay cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis - người đã hỗ trợ phát triển tên lửa hành trình có đầu đạn hạt nhân - nói trước Quốc hội Mỹ rằng từ “chiến thuật” không được áp dụng khi mô tả vũ khí hạt nhân. Đồng ý với nhiều chuyên gia, Mattis nói vào tháng 2/2018: “Tôi không nghĩ rằng có bất kỳ thứ gì gọi là ‘vũ khí hạt nhân chiến thuật’. Vì cả hai bên dường như đồng ý rằng một khi nút (phóng tên lửa) được nhấn thì sẽ không chạy trốn nữa, nên W76-2 dường như vô dụng.

Trả lời câu hỏi của Task & Purpose liệu có tin rằng Mỹ thực sự có thể sử dụng W76-2 để chống lại Nga hoặc Trung Quốc và thoát khỏi một đòn trả đũa đầy đủ hay không, Đô đốc Chas Richard - người đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ - nói, W76-2 là phương tiện ngăn chặn bất kỳ ai khác sử dụng vũ khí hạt nhân công suất thấp ngay từ đầu để Mỹ không tham gia trả đũa hạt nhân với một quốc gia khác. Ông này hơn một lần khẳng định, không ai biết liệu một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể chỉ giới hạn trong vũ khí công suất thấp. Mỹ có nghĩa vụ làm mọi thứ trong khả năng của mình nếu một nước khác sử dụng vũ khí hạt nhân, để ngăn chặn việc trả đũa càng sớm càng tốt, nhằm hạn chế thiệt hại cho Mỹ ở mức tối đa có thể.

Theo nhiều chuyên gia, “vũ khí hạt nhân mới, nhỏ được triển khai ở châu Âu sẽ ngăn chặn sự xâm lược của Nga trong khu vực - và chúng rất quan trọng để chiến thắng” là một lập luận sai lầm sâu sắc. Mặc dù có vẻ như việc bổ sung vũ khí hạt nhân khiến Mỹ an toàn hơn, nhưng việc đưa vào trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật công suất thấp mới sẽ có tác dụng ngược lại - làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân, khiến điều không thể tưởng tượng có thể xảy ra nhiều hơn và làm mất ổn định hơn mối quan hệ Mỹ-Nga vốn đã căng thẳng.

 

Tên lửa Iskander-M có thể mang đầu đạn hạt nhân của Nga. Nguồn: TASS
Tên lửa Iskander-M có thể mang đầu đạn hạt nhân của Nga. Nguồn: TASS.

Trong một bài phát biểu vào năm 1984, Tổng thống Mỹ Reagan đã hùng hồn tuyên bố, “một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể thắng và không bao giờ được tiến hành”. Điều này tiếp tục đúng. Như hầu hết các chiến lược gia và chuyên gia về hạt nhân đều nói, vũ khí hạt nhân tồn tại để răn đe kẻ thù; nếu chúng thực sự được sử dụng, kết quả sẽ là một thảm họa không có người chiến thắng. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Perry lập luận, ngay cả một vụ nổ hạt nhân duy nhất cũng sẽ gây ra hậu quả chính trị và xã hội nghiêm trọng “ngoài những gì mọi người hiểu”. Không giống như các vũ khí hạt nhân chiến lược, vũ khí hạt nhân công suất thấp không củng cố, mà trên thực tế, phá hủy khả năng răn đe.

Perry lập luận rằng, hầu như không có kịch bản hợp lý nào mà theo đó, Mỹ cần phải tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên. Vũ khí công suất thấp mới có thể làm giảm ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên một cách nguy hiểm. Do khả năng đặc biệt của chúng, Tướng về hưu James Cartwright - cựu chỉ huy của các lực lượng hạt nhân Mỹ - đã tuyên bố rằng, vũ khí hạt nhân nhỏ hơn "dễ suy nghĩ hơn" trong chiến đấu. Tướng Norton Schwartz - cựu Tham mưu trưởng Không quân Mỹ - nói rằng, vũ khí hạt nhân nhỏ hơn với "độ chính xác được cải thiện và công suất thấp hơn là một khả năng quân sự mong muốn" - hàm ý rằng, chúng sẽ đóng một vai trò ngoài răn đe.

Kiểu suy nghĩ này cực kỳ rủi ro. Việc chỉ sử dụng một vũ khí hạt nhân nhỏ gần như chắc chắn sẽ kích hoạt một đòn trả đũa tương tự, sau đó là phản ứng tương tự hoặc mạnh hơn từ kẻ khởi xướng ban đầu và tiến tới ngày tận thế hạt nhân. Việc vượt qua ngưỡng hạt nhân có thể dẫn đến bất cứ điều gì khác ngoài sự hủy diệt khổng lồ khiến hàng trăm triệu sinh mạng gặp rủi ro. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Work đã lặp lại quan điểm này vào năm 2015, lập luận rằng: “Bất kỳ ai nghĩ rằng họ có thể kiểm soát sự leo thang thông qua việc sử dụng vũ khí hạt nhân thì đúng là đang chơi với lửa. Leo thang là leo thang, và sử dụng hạt nhân sẽ là leo thang cuối cùng".

Việc sử dụng vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ kích hoạt một đòn trả đũa và dẫn đến chiến tranh tổng lực. Nguồn: taskandpurpose.com
Việc sử dụng vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ kích hoạt một đòn trả đũa và dẫn đến chiến tranh tổng lực. Nguồn: taskandpurpose.com.

Tác giả Michael Krepon gần đây đã có một bài báo trên tờ Defense One, gọi sự phát triển tiềm năng và sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật là “không khôn ngoan” và không chắc chắn về mặt chiến lược. Những người ủng hộ vũ khí hạt nhân cho rằng "những đám mây nấm nhỏ tốt hơn những đám mây nấm lớn", quên rằng "mục đích răn đe là để không có những đám mây hình nấm". Không một học giả đáng kính hay nhà hoạch định quân sự nào đồng ý với việc đơn giản hóa quá mức này. Mục tiêu răn đe là có một phương tiện quân sự đáng tin cậy để đe dọa kẻ thù không theo đuổi một hành động cụ thể. Ngăn chặn thành công có nghĩa là không có đám mây hình nấm, dù lớn hay nhỏ.

Mỹ đã kêu gọi sự chú ý đến khả năng vũ khí hạt nhân chiến lược có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất. Nếu logic, Nga hiểu rõ rằng mọi nỗ lực leo thang sẽ không kết thúc bằng việc giảm leo thang. Nếu không hợp lý, việc triển khai vũ khí hạt nhân mới sẽ không bao giờ có thể răn đe được Kremlin. Việc triển khai các loại vũ khí công suất thấp mới, có khả năng hơn sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Nga, có khả năng dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân kiểu mới mà không có kẻ thắng, và tăng khả năng những vũ khí đó sẽ được sử dụng. Lợi ích thì vô hình, nguy hiểm cao hiện hữu và không thể bỏ qua và như Reagan đã chỉ ra, một khi vượt qua ngưỡng hạt nhân, sẽ không thể quay trở lại.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm