Quốc tế

Việt Nam coi chính sách cấm vận của Mỹ chống lại Cuba là bước thụt lùi

Trong hai ngày 31/10 và 1/11, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 73 đã tổ chức phiên họp toàn thể, thảo luận và bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết số A/73/L.3 về “Sự cần thiết phải dỡ bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ đối với Cuba.”.

Đức ráo riết gia hạn trừng phạt Nga / Syria: Khủng bố khiêu khích ở vùng đệm Idlib bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa

Phát biểu tại Phiên thảo luận chung, thay mặt Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh những tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ-Cuba vài năm trước đây đang dần mất đi khi các biện pháp cấm vận và trừng phạt được chính quyền Tổng thống Donald Trump tái củng cố và gia tăng kể từ tháng 4/2017; khẳng định chính sách này của Mỹ là bước thụt lùi và làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ hai nước.

Chia sẻ từ kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh chỉ thông qua giải pháp đối thoại và can dự tích cực mới có thể thúc đẩy niềm tin và tạo chuyển biến tích cực cho tình hình, cấm vận và các hình thức áp đặt khác chỉ làm cho vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là chống sự áp đặt các biện pháp cấm vận và gây sức ép đơn phương của bất kỳ quốc gia nào; khẳng định Việt Nam sẽ bỏ phiếu thuận đối với dự thảo nghị quyết của Cuba và mong muốn cùng với cộng đồng quốc tế kêu gọi Mỹ dỡ bỏ ngay chính sách cấm vận, tạo điều kiện cho Cuba có thể khai thác tối đa tiềm năng phát triển, hội nhập kinh tế và thương mại thế giới một cách công bằng và bình đẳng, xây dựng đất nước một cách tự do, đáp ứng nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế cũng như của nhân dân hai nước.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận. (Ảnh: TTXVN)

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận. (Ảnh: TTXVN)

Ông Đặng Đình Quý cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với tình bạn, sự hợp tác và đoàn kết với Cuba, và cam kết mạnh mẽ bảo vệ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được đề cao trong Hiến chương Liên hợp quốc.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc phát biểu nhắc lại việc các bên cần theo đuổi việc tham vấn, hợp tác lẫn nhau để cùng đối phó với những thách thức, tìm kiếm cơ hội và con đường mới cho phát triển, sử dụng lợi thế cạnh tranh để giúp đỡ lẫn nhau, thúc đẩy việc giải quyết mâu thuẫn theo nguyên tắc cùng thắng (win-win).

Trung Quốc phản đối mọi sự cấm vận, trừng phạt của một nước nhằm vào nước khác thông qua các công cụ quân sự, kinh tế, ngoại giao hay bất kỳ công cụ nào khác. Trung Quốc kêu gọi Mỹ cần dỡ bỏ chính sách cấm vận đối với Cuba ngay lập tức; hy vọng hai bên sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đối thoại để giải quyết khác biệt trong thời gian tới.

Đại diện bảy nhóm nước khu vực và hơn 40 nước đều khẳng định sự ủng hộ đối với nghị quyết, kêu gọi Mỹ sớm dỡ bỏ chính sách cấm vận và phong tỏa đối với Cuba, ghi nhận những chuyển biến tích cực trong chính sách Cuba của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đồng thời bày tỏ quan ngại về những hệ lụy nguy hiểm từ chính sách tái củng cố và tăng cường các biện pháp cấm vận Cuba của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Đại diện các Nhóm châu Phi, Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) và Cộng đồng các nước Caribe (CARICOM) có chung quan điểm cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ đã tạo ra những cản trở và khó khăn cốt lõi đối với sự phát triển của Cuba, vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Ai Cập - Đại diện G77 + Trung Quốc, lên án việc Mỹ tăng cường cấm vận đối với Cuba là đi ngược lại nguyện vọng của cộng đồng quốc tế; kêu gọi quốc tế cần tăng cường các nỗ lực để tác động và khuyến khích Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba.

Venezuela thay mặt nhóm các nước thuộc Phong trào Không liên kết (NAM) phản đối mạnh mẽ việc đơn phương sử dụng các biện pháp cấm vận về kinh tế để gây áp lực với quốc gia khác, nhất là đối với các nước đang phát triển; cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ là nhân tố cản trở sự phát triển hòa bình ở khu vực nói chung và Cuba nói riêng; kêu gọi các nước phản đối mạnh mẽ các đề nghị bổ sung của Mỹ, cho rằng các đề nghị này không phù hợp với nội dung và mục đích của dự thảo nghị quyết do Cuba đưa ra.

Bangladesh, thay mặt Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), cho rằng cấm vận của Mỹ đang cản trở việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Cuba, gây tổn hại cho lợi ích của nhân dân hai nước và quan hệ giữa các bên.

Singapore, đại diện cho ASEAN, nhấn mạnh các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế như tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; khẳng định sự ủng hộ của ASEAN trong suốt 17 năm qua đối với nghị quyết chống cấm vận Cuba; nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các cơ chế của chủ nghĩa đa phương trước các hành động chèn ép đơn phương của các nước lớn.

Áo, thay mặt Liên minh châu Âu (EU), đánh giá lệnh cấm vận của Mỹ đang gây thiệt hại lớn đối với cả Cuba và EU; kêu gọi Mỹ mở cửa đối thoại và hợp tác với Cuba... EU không ủng hộ đề nghị bổ sung của Mỹ vì lý do “không phù hợp về nội dung và đề mục nghị sự," nhấn mạnh tất cả các nước EU sẽ bỏ phiếu thuận đối với dự thảo nghị quyết do Cuba đưa ra.

Trong khi đó, Đại sứ Nikki Haley, Trưởng Phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc, nói rằng trong 27 năm qua Mỹ chỉ có một lần duy nhất thay đổi phiếu, nhưng năm nay Mỹ tiếp tục theo đuổi mục tiêu đã đặt ra trước đây để bảo vệ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, cho dù Mỹ bị cô lập.

Trước đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết với tỷ lệ đồng thuận áp đảo, 189 trên 193 phiếu thuận kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận nhiều thập kỷ qua đối với Cuba. Mỹ và Israel bỏ phiếu chống còn Ukraine và Moldova là hai nước không tham gia bỏ phiếu. Tổ chức gồm 193 nước thành viên này cũng bác bỏ việc Mỹ chỉ trích Cuba vi phạm nhân quyền.

Đây là lần thứ 27 liên tiếp Đại hội đồng Liên hợp quốc ra nghị quyết kêu gọi việc dỡ bỏ lệnh cấm vận Mỹ đã áp đặt với Cuba kể từ năm 1962. Tuy nhiên, nghị quyết này không có tính ràng buộc./.

Theo TTXVN
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm