Việt Nam đủ sức đại tu tiêm kích Su-30MK2 cho không quân Indonesia
Trong khi Việt Nam đã thành công việc tăng niên hạn sử dụng cho tiêm kích Su-30MK2 thì Indonesia vẫn phải trông cậy vào Belarus để kéo dài thời hạn bay của Su-30MK.
"Đấu đá nội bộ" khiến không quân Iran mất 30 tiêm kích Su-30 vào phút chót / Tiêm kích tàng hình Su-57 trang bị tên lửa R-37M khiến F-22 Mỹ khóc thét
Từ chỗ chỉ tiến hành đại tu, sửa chữa lớn tiêm kích MiG-21 và cường kích Su-22 thì trong những năm qua, nhà máy A32 đã tiến tới làm chủ công nghệ tăng tổng niên hạn phục vụ cho máy bay chiến đấu Su-27 tối tân hơn nhiều.
Dấu mốc lớn chính là tháng 5/2016, chiếc Su-27UBK số hiệu 8526 đã được sửa chữa, tăng niên hạn và bàn giao cho sư đoàn 372.
Đến đầu năm 2018, máy bay đã qua 18 tháng sử dụng, bay được 130 giờ với 193 lần cất, hạ cánh; tham gia thực hành bắn, ném trong diễn tập đảm bảo độ chính xác và không phát sinh hỏng hóc.
Đến tháng 11/2017, chiếc Su-30MK2 số hiệu 8534 được nhà máy tăng niên hạn sử dụng lên 1.300 giờ/15 năm sử dụng và đã bàn giao cho sư đoàn 370.
Với sự nỗ lực quyết tâm cao, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân nhà máy A32 đã hoàn toàn làm chủ dây chuyền công nghệ sửa chữa.
Được biết tiêm kích Su-30MK2 số hiệu 8534 thuộc lô 4 chiến đấu cơ đa năng đầu tiên mà không quân Việt Nam tiếp nhận vào năm 2004, tính đến lúc đưa vào đại tu thì máy bay đã trải qua 13 năm phục vụ liên tục.
Căn cứ vào số giờ bay của tiêm kích Su-27UBK 8526 được công bố ở trên và thời hạn sử dụng 15 năm cho 1.300 giờ bay còn lại của Su-30MK2 8534 thì dễ dàng tính ra mỗi năm chiến đấu cơ Flanker của Việt Nam hoạt động trung bình 86,67 giờ trên không.
Nhà sản xuất Sukhoi cho biết tiêm kích Su-30MK2 có tổng thời gian sử dụng là 3.000 giờ bay, trong đó sau 1.500 giờ sẽ yêu cầu tiến hành đại tu giữa vòng đời để đạt tới trạng thái giới hạn theo thiết kế.
Như vậy tay nghề của các kỹ sư hàng không Việt Nam đã tiệm cận tiêu chuẩn của Nga, đây là điều rất đáng biểu dương vì chúng ta không có trong tay dàn máy móc chuyên dụng hiện đại như phía bạn.
Ở khu vực Đông Nam Á hiện có 3 quốc gia dùng tiêm kích Su-30 đó là Việt Nam, Indonesia và Malaysia, trong đó Su-30 của chúng ta và Indonesia có sự tương đồng khi đều là phiên bản Su-30MK và Su-30MK2 do tổ hợp KnAAPO sản xuất.
Nhưng khác với Việt Nam đã tự chủ đại tu sửa chữa lớn ở trong nước thì Indonesia vẫn phải mang Su-30 của mình ra nước ngoài để tiến hành công việc.
Vừa qua họ mới được nhận lại 2 chiếc Su-30MK mang sang nhà máy sửa chữa máy bay số 558 đặt tại Belarus để tăng hạn sử dụng từ năm 2017
Thực tế trên có thể mở ra cơ hội cho Việt Nam nếu mạnh dạn nhận hợp đồng đại tu tiêm kích Su-30MK2 cho Indonesia, khi quá trình đưa máy bay sang đây sẽ nhanh gọn và có chi phí thấp hơn nhiều so với chuyên chở về tận Nga hay Belarus.
Nếu viễn cảnh trên thành hiện thực, chúng ta vừa có dịp nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ sư, thợ kỹ thuật lại vừa thu được ngoại tệ phục vụ công cuộc phát triển quân đội nói riêng cũng như kinh tế xã hội đất nước nói chung.
Theo Bạch Dương/An ninh Thủ đô
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo
Nhà máy A32 - Cục kỹ thuật - Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) được coi là cánh chim đầu đàn trong việc đảm bảo kỹ thuật cho các máy bay chiến đấu của Không quân nhân dân Việt Nam.