Việt Nam mua động cơ tàu tên lửa Molniya làm gì?
DNVN - Ukraine đã hoàn thành hợp đồng cung cấp một loạt thành phần tổ hợp máy tuabin khí M15E.1 công suất 4.000 mã lực trang bị trên tàu tên lửa Molniya cho Việt Nam.
Tìm hiểu loại xe tăng đang ‘làm mưa làm gió’ tại đấu trường Nga / "Rồng lửa" S-125 Liên Xô vừa bắn hạ "niềm tự hào" Trung Quốc sản xuất
Mạng Defense Express (của Ukraine) dẫn nguồn tin từ tổ hợp nghiên cứu - sản xuất động cơ tuabin khí Zorya-Mashproekt - công ty con của Tập đoàn quản lý xuất nhập khẩu vũ khí Nhà nước Ukraine (Ukroboronprom) cho hay, đơn vị này đã chuyển giao 5 thành phần động cơ tuabin khí (trang bị trên các tàu chiến) cho Hải quân Nhân dân Việt Nam trong tháng 5/2019.
Cụ thể, theo nhà sản xuất, họ đã chuyển giao 3 động cơ tuabin khí DR76P, một động cơ DR76L và một loại DS761.L1 thuộc thành phần tổ máy tuabin khí chính M15E.1, công suất 4.000 mã lực cho phía Việt Nam.
Tàu tên lửa Molniya. Nguồn: QĐND
Những động cơ tuabin khí này được sử dụng trên các tàu tên lửa Molniya đề án 12418 do Liên Xô/Nga thiết kế, bán giấy phép sản xuất cho Việt Nam tự đóng trong nước.
Hiện vẫn chưa rõ liệu lô hàng động cơ tuabin khí này phục vụ cho việc dự trữ các tàu đang hoạt động hay sẽ dùng để trang bị cho các tàu đóng mới?
Đề án 12418 Molniya là loại tàu chiến tấn công nhanh được thiết kế cho nhiệm vụ tuần tra bảo vệ bờ biển, tác chiến hải đối hải, có khả năng tiêu diệt mục tiêu mặt nước cỡ lớn hơn tàu gấp nhiều lần nhờ hệ thống vũ khí hiện đại, sức công phá lớn, tự động hóa cao.
Tàu có chiều dài khoảng 56,9m, lượng giãn nước toàn tải 563 tấn, trang bị động cơ tuabin khí do Ukraine sản xuất, đạt tốc độ tối đa 42 hải lý/h.
Đội tàu tên lửa Molniya do Việt Nam sản xuất. Nguồn ảnh: QĐND
Hỏa lực chính của con tàu có tới 4 bệ phóng KT-184 cho phép triển khai 16 tên lửa hành trình chống hạm Kh-35E Uran-E do Tổng Công ty Tên lửa chiến dịch - chiến thuật (KTRV) phát triển.
Tên lửa Kh-35E Uran-E có trọng lượng 520kg, trang bị đầu nổ nặng 145kg, tầm bắn tối đa 130km với tốc độ bay cận âm sử dụng động cơ turbofan.
Uran-E sử dụng hệ dẫn đường quán tính suốt hành trình bay kết hợp đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-35 pha cuối. Nghĩa là, khi cách mục tiêu khoảng 20-25km, radar tên lửa tự kích hoạt – tìm kiếm – khóa mục tiêu và tấn công mà không cần tàu mẹ chỉ thị.
Tàu M phóng tên lửa Uran-E. Nguồn: QPVN
Ngoài Uran-E, tàu còn được trang bị một loạt hệ thống vũ khí phòng thủ có tính tự động hóa cao gồm pháo hạm AK-176M và pháo phòng không AK-630.
Trong đó hải pháo AK-176M trang bị khẩu 76,2mm có tốc độ bắn 30-120 phát/phút, tầm bắn tối đa 15km, tầm bắn hiệu quả 10km, có thể bắn cao 10km. Do đó, pháo có thể sử dụng để phòng không khi cần.
AK-176M được trang bị hệ thống cảm biến quang - điện kết hợp với radar MR-123-02 phát hiện - chỉ thị mục tiêu nên độ chính xác cao.
Về phần AK-630M là tổ hợp phòng không cao tốc trang bị khẩu pháo tự động AO-18 có 6 nòng pháo 30mm đạt tốc độ bắn lý thuyết 4.000-5.000 phát/phút. Tầm bắn hiệu quả 4.000 mét với mục tiêu trên không và 5000 mét với mục tiêu mặt nước.
Thực tế, AK-630M có chế độ bắn thông thường 4-5 loạt bắn với mỗi loạt từ 20 – 25 viên đạn từ tầm bắn tối đa, trên tầm bắn hiệu quả, loạt bắn có thể kéo dài với số lượng lên đến 400 viên ngắt đoạn ngắn từ 3-5 giây.
Về động cơ, mỗi tàu tên lửa Molniya trang bị hai máy tuabin khí M15E.1 cho phép con tàu di chuyển với tốc độ tối đa 40 hải lý/h, tốc độ hành trình 12 hải lý/h, dự trữ hành trình 10 ngày.
Thanh Nga (tổng hợp)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo