Quốc tế

Vũ khí bí mật giúp trực thăng Nga né đòn tấn công của tên lửa vác vai Ukraine

Với nhiều đặc tính ưu việt và khả năng vô hiệu hóa tên lửa phòng không vác vai, hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk-25 đã giúp bảo vệ trực thăng Ka-52 trên chiến trường.

Chiến lược của phương Tây và NATO ở Ukraine ảnh hưởng thế nào tới Nga? / Israel chế tạo hệ thống đánh chặn tên lửa siêu thanh Sky Sonic

Khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nước này đã triển khai máy bay trực thăng Ka-52 mang theo nhiều loại vũ khí dội hỏa lực vào các mục tiêu của đối phương. Nhưng sau đó, sự phổ biến của các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) trên chiến trường đã khiến Ka-52 chịu tổn thất lớn.
Trực thăng Ka-52 của Nga. Ảnh: Defensenews.

Trực thăng Ka-52 của Nga. Ảnh: Defensenews.

Vũ khí bí mật của Ka-52
Theo trang web tình báo nguồn mở Oryx, Nga đã mất ít nhất 62 chiếc trực thăng tấn công kể từ khi xung đột bùng phát đến nay, bao gồm 35 chiếc trực thăng Kamov Ka-52 Alligators, 12 chiếc Mi-28 Havocs, 9 chiếc Mi-35 và 6 chiếc Mi-24 Hinds cũ. Số lượng trực thăng Ka-52 bị mất chiếm 30% phi đội Ka-52 của Nga. Sự tổn thất nặng nề này khiến các chuyên gia nghi ngờ về tương lai của trực thăng tấn công trong xung đột hiện đại.
Nhiều người cho rằng, trực thăng tấn công có thể sớm “lui vào dĩ vãng” vì chúng dễ bị bắn hạ bằng các loại vũ khí dưới mặt đất, đặc biệt là tên lửa đất đối không vác vai, nếu phi công không thay đổi chiến thuật.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà quan sát xung đột Nga-Ukraine nhận thấy Nga đã triển khai rất nhiều trực thăng Ka-52 Alligators và Mini-28 Night Hunters hoạt động sâu bên trong không phận Ukraine. Điều này cho thấy Moscow dường như đã tìm ra giải pháp chống lại tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger mà Mỹ cung cấp cho Ukraine với số lượng lớn.
Eurasia Times cho biết, trong một lần xuất kích, trực thăng Ka-52 của Nga đã lập kỳ tích khi vô hiệu hóa 18 tên lửa MANPADS bằng cách gây nhiễu tần số của chúng, hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và trở về căn cứ nguyên vẹn. Bí mật nằm ở hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk-25 do Nga phát triển, còn được biết đến với tên gọi khác dành riêng cho xuất khẩu là President-S.
“Nếu Nga không tìm ra cách thức hiệu quả để đánh lừa tên lửa đất đối không vác vai thì trực thăng có thể kết thúc số phận trong cuộc xung đột này. Sự hiện diện của máy bay không người lái cảm tử và các mối đe dọa khác trên chiến trường phi đối xứng đang khiến trực thăng dễ bị tấn công hơn”, một phi công của Không quân Ấn Độ nhận định.
Theo phi công này, thay vì đảm nhận vai trò tấn công, trực thăng có thể chỉ được sử dụng làm phương tiện sơ tán binh sỹ thương vong hoặc dân thường trong tương lai. “Trực thăng được cho là phù hợp nhất với tình huống cấp cứu đường không (CASEVAC) và sơ tán. Nhưng chúng vẫn cần sự hỗ trợ từ các máy bay chiếm ưu thế trên không khác. Chỉ huy sẽ là người ra quyết định về việc họ sẽ dành bao nhiêu nguồn lực cho các sứ mệnh giải cứu này”.
Tính năng ưu việt của Vitebsk-25
Thế nhưng hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk-25 đã mang lại “một sức sống mới” cho trực thăng Ka-52. Vitebsk-25 được giới thiệu lần đầu tiên tại triển lãm vũ khí Eurosatory 2010 ở Paris vào năm 2010. Nhưng ở thời điểm đó, các chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng làm chệch hướng tên lửa của hệ thống này.
Nga đã triển khai máy bay trực thăng tầm trung tích hợp hệ thống Vitebsk tại Syria và ghi nhận được những kết quả ấn tượng. Các quan chức Nga cho biết, không một máy bay trực thăng nào của nước này bị trúng tên lửa MANPADS của phiến quân. Trực thăng Ka-52 trang bị hệ thống Vitebsk cũng đã vượt qua các cuộc thử nghiệm khắc nghiệt của Bộ Quốc phòng Ai Cập. Quân đội nước này đã phóng 20 tên lửa phòng không vác vai IGLA nhắm vào Ka-52 nhưng không một quả nào bắn trúng mục tiêu.
Một trong những tính năng ưu việt của Vitebsk là hoạt động ở chế độ hoàn toàn tự động, cho phép nó phản ứng nhanh trước các mối đe dọa mà không cần chờ quyết định của phi hành đoàn. Thiết bị rất dễ tháo, lắp, có thể tích hợp với nhiều loại máy bay.
Hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk-25 bao gồm thiết bị theo dõi tên lửa hồng ngoại và các biện pháp đối phó bằng laser, được dùng để chống lại tên lửa đất đối không và không đối không. Khả năng phòng thủ của hệ thống được tăng cường nhờ một bệ bắn pháo sáng.
Vitebsk-25 có một trạm gây nhiễu kỹ thuật số chủ động không chỉ giúp định vị trí phương vị của kẻ thù và loại phát xạ radar, mà còn ngăn chặn tín hiệu ở các rải tần số khác nhau. Theo một số báo cáo, hệ thống có thể phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa ở góc phương vị 120 độ và độ cao 60 độ. Ngoài vô hiệu hóa tên lửa dẫn đường hồng ngoại, Vitebsk-25 còn phát hiện và gây nhiễu đầu dò radar trong tần số 4 GHz đến 18 GHz.
“Việc phát triển các hệ thống tác chiến điện tử là thế mạnh của cơ quan quốc phòng Nga. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp mang lại lợi thế cho họ trên chiến trường. Nhưng vẫn phải chờ xem hiệu quả thực sự của Vitebsk-25”, phi công nói trên cho biết.
NATO đã trang bị cho các lực lượng Ukraine nhiều hệ thống phòng không di động, bao gồm ít nhất 2.557 hệ thống FIM-92 Stinger và một số lượng không xác định các hệ thống tên lửa Piorun, Sungur, Strela-2, Igla và RBS-70. Các loại vũ khí này đã giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.
Vitebsk-25 có thể phát hiện các vụ phóng tên lửa bằng cách quét một khu vực rộng lớn bằng máy thu cảnh báo radar, radar và laze cũng như cảm biến IR & UV và cảnh báo phi hành đoàn về mối đe dọa này. Sau đó, hệ thống cung cấp khả năng bảo vệ thụ động cho máy bay bằng cách bắn pháo sáng hoặc phun khói để gây nhầm lẫn và vô hiệu hóa tên lửa.
Với tính năng phòng thủ chủ động, hệ thống sẽ trực tiếp can thiệp vào hệ thống dẫn đường của tên lửa tầm nhiệt và đánh lừa chúng. Vitebsk-25 gây nhiễu hệ thống dẫn đường, khiến tên lửa hướng tới mục tiêu mồi nhử thay vì mục tiêu thực sự.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm