Quốc tế

Vũ khí Nga chiếm lĩnh thị trường Mỹ Latinh

Hiện nay, Mỹ Latinh là thị trường buôn bán vũ khí và trang thiết bị quân sự chủ chốt đối với Nga. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2000, Moscow đã hợp tác kỹ thuật quân sự với 7 quốc gia Mỹ Latinh bao gồm Argentina, Brazil, Venezuela, Colombia, Peru, Uruguay và Ecuador.

Tàu chiến Mỹ bị gắn... máy quay trộm trong nhà vệ sinh nữ / Nga hoán cải tàu ngầm Borei mang tên lửa Kalibr, Mỹ-NATO “khóc thét”

Không quân Argentina hiện đang sử dụng 2 trực thăng vận tải quân sự Mi-171E để thực hiện nhiệm vụ cung cấp thiết bị cho các trạm đặt tại tỉnh Tierra del Fuego ở phía Nam đất nước, cũng như tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Theo các nhà vận hành trực thăng, trực thăng Mi-171E dễ sử dụng và đáng tin cậy.

Trong khi đó, Không quân Brazil sử dụng 12 trực thăng vận tải chiến đấu Mi-35M để tuần tra các khu vực biên giới của đất nước ở các tỉnh Amazonas và Roraima. Những chiếc trực thăng này đã được Brazil mua trong giai đoạn 2008-2012 với tổng chi phí ước tính khoảng 150 triệu USD. Vào năm 2016, Brazil đã nhận được lô hàng lớn các hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Igla-S từ Nga. Đáng chú ý, Igla-S được tích hợp với radar phát hiện mục tiêu M-60 Sabre do công ty điện tử vô tuyến BRADAR của Brazil chế tạo. Do đó, lực lượng vũ trang Brazil đã nhận được một tổ hợp phòng thủ tầm gần hiệu quả cao loại VSHORAD.

Máy bay chiến đấu MiG-29 của Không quân Peru. Nguồn:en.wikipedia.org

Tại khu vực Mỹ Latinh, Venezuela là đối tác lớn nhất của Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự. Trong giai đoạn năm 2005-2013, Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga đã ký kết khoảng 30 hợp đồng có tổng trị giá 11 tỷ USD với Bộ Quốc phòng Venezuela. Theo SIPRI, một số lượng lớn vũ khí và trang thiết bị quân sự của Nga đang phục vụ cho Quân đội Venezuela. Quốc gia Mỹ Latinh này sở hữu xe tăng chiến đấu T- 72B1, xe chiến đấu bộ binh BMP-3M, xe bọc thép chở quân BTR-80A, xe bọc thép chở quân chỉ huy BTR-80K và xe bọc thép sửa chữa cứu kéo BREM-K. Quân đội Venezuela hiện sử dụng tổ hợp pháo tự hành Msta-S và Nona-SVK, hệ thống phản lực phóng loạt Grad và Smerch và hệ thống súng cối Sani. Venezuela cũng đang sở hữu khá nhiều phương tiện phòng không do Nga sản xuất, bao gồm: Hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Igla-S, tổ hợp tên lửa phòng không Pechora-2M, Buk-M2E, Tor-M1 và S-300VM. Đương nhiên, Venezuela cũng sở hữu dàn máy bay các loại của Nga: Trực thăng vận tải quân sự Mi-17-1V Panare và Mi-26T2 Pemon, trực thăng vận tải chiến đấu Mi-35M2 Caribe (phiên bản “nhiệt đới” của trực thăng Mi-35M) và máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-30MK2V.

TASS dẫn một nguồn tin trong Không quân Venezuela cho biết, hiện tại, trực thăng Mi-35M2 đang tích cực tham gia vào cuộc chiến chống nạn buôn bán ma túy ở các bang Barinas, Apure và Amazonas của Venezuela. Những chiếc trực thăng này được sử dụng để phát hiện và tiêu diệt các đoàn buôn ma túy di chuyển bằng đường bộ và đường sông. Theo nguồn tin này, Mi-35M2 đặc biệt hiệu quả trong việc phá hủy các cơ sở sản xuất ma túy nằm ở khu vực khó tiếp cận. Nguồn tin trên cho biết: “Một chiếc Mi-35M2 có khả năng chở theo một nhóm đặc nhiệm gồm 5 hoặc 6 sĩ quan, hỗ trợ hỏa lực cho nhóm này và sơ tán sau khi hoàn thành nhiệm vụ”. Các đơn vị bộ binh của Quân đội Venezuela được trang bị súng của Nga, bao gồm súng trường tấn công AK-103 Kalashnikov và súng trường bắn tỉa Dragunov SVD.

Peru cũng là đối tác lớn của Nga trong hợp tác kỹ thuật quân sự. Theo dữ liệu của SIPRI, trực thăng chiến đấu Mi-24P và trực thăng vận tải quân sự Mi-171Sh, cũng như các máy bay vận tải hạng nhẹ IL-103 do Nga sản xuất đã được chuyển đến nước này. Peru cũng đã nhận được từ Nga 24 trực thăng vận tải quân sự Mi-171Sh-P. Bình luận viên quân sự của TASS Viktor Litovkin nhận định: “Mi-171 là phiên bản hiện đại hóa của Mi-8, một trong những loại trực thăng phổ biến nhất trên thế giới. Trực thăng này cũng đáng tin cậy như súng máy Kalashnikov, và có giá cả phải chăng so với trực thăng AH-64 Apache hoặc S-61 / SH-3 Sea King của Mỹ”. Trong năm 2008, Tập đoàn chế tạo máy bay MiG và Bộ Quốc phòng Peru đã ký hợp đồng trị giá 106,7 triệu USD để hiện đại hóa 19 máy bay chiến đấu MiG-29. Cũng trong năm này, Peru đã mua một lô lớn các hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-E với tổng trị giá 23 triệu USD từ Nga. Đáng chú ý là Kornet-E cũng được tích hợp vào thành phần vũ khí trên xe tăng AMX-13 lỗi thời của Lục quân Peru giúp tăng đáng kể hỏa lực.

Đất nước Colombia là một “nhà thám hiểm” lớn của Mỹ Latinh về trực thăng Nga. 10 trực thăng vận tải quân sự của “gia đình” trực thăng Mi-8/17 đã được chuyển cho Không quân Colombia, trong đó có phiên bản Mi-17-1V và Mi-17V-5. TASS cho biết, Lục quân Uruguay sử dụng xe quân sự đa năng GAZ-3937 Vodnik của Nga. Theo dữ liệu của SIPRI, quân đội Ecuador hiện sử dụng trực thăng vận tải quân sự Mi-171E và hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Igla-S.

Kể từ năm 2000, Nga đã tăng cường đáng kể sự hiện diện của mình trên thị trường vũ khí Mỹ Latinh. Theo thống kê của SIPRI, các quốc gia trong khu vực có nhu cầu đặc biệt về xe tăng do Nga sản xuất. Giải thích cho điều nay, bình luận viên quân sự của TASS Viktor Litovkin cho biết, xe tăng Nga được ưu chuộng vì chúng dễ sử dụng và sửa chữa. Vị chuyên gia này tin tưởng, xe tăng Nga không chỉ không thua kém xe tăng Mỹ và châu Âu về tính năng kỹ chiến thuật, mà còn vượt trội hơn nhiều về giá cả và chất lượng.

 

Vũ khí - khí tài
Theo qdnd.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm