Vũ khí Ukraine vươn tới mọi ngóc ngách Crimea khiến Nga đứng ngồi không yên?
Cải tiến đặc biệt trên xe tăng T-80 sản xuất mới / Tên lửa hành trình bí ẩn Izdeliye 720 chuẩn bị thực chiến
Trong một đêm trời quang trên bờ biển Odesa, ánh sáng mờ nhạt từ tên lửa chiếu qua Biển Đen. Trong phần lớn thời gian của cuộc xung đột ở Ukraine, Nga sử dụng bán đảo này trước tiên để làm bệ phóng cho chiến dịch quân sự đặc biệt và sau đó làm nơi triển khai lực lượng cho các cuộc oanh tạc trên không hàng ngày.
Ukraine, hiện được trang bị các tên lửa chính xác do Mỹ sản xuất, lần đầu tiên có khả năng vươn tới mọi ngóc ngách của Crimea.
Đây là một nỗ lực chiến lược mới khi Kiev tìm cách buộc các lực lượng của Nga, từ lâu đã sử dụng bán đảo này làm căn cứ hoạt động ngoài khơi bờ biển phía Nam của Ukraine, phải trả giá.
Mặc dù khó có thể mang đến nhiều tác động trên tiền tuyến nhưng chiến dịch của Ukraine với phiên bản tầm xa của tên lửa ATACMS dường như buộc Điện Kremlin phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về nơi triển khai một số hệ thống phòng không mạnh nhất của mình nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Washington tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, chiến dịch ở Crimea vẫn chỉ có tác động hạn chế chừng nào Moscow còn có thể di chuyển các máy bay ném bom đến nơi an toàn tại những căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Ông Zelensky đã gây sức ép buộc chính quyền Tổng thống Biden dỡ bỏ hạn chế về vũ khí để có thể mở rộng các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Kể từ khi nhận được tên lửa ATACMS vào mùa xuân này, quân đội Ukraine tuyên bố đã phá hủy hoặc gây tổn thất cho ít nhất 15 hệ thống phòng không tầm xa của Nga ở Crimea. Trong số đó có các tổ hợp S-300 và S-400 - những đối thủ đáng gờm của hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.
Trong 3 tháng qua, hình ảnh vệ tinh do các nhà phân tích quân sự xem xét đã xác nhận những tổn thất của các radar Nga cũng như các hệ thống tác chiến điện tử, tuyến hậu cần và sân bay của nước này.
"Sẽ là công bằng khi nhận định rằng Ukraine đạt được thành công khá ấn tượng trong 2 tháng qua", Justin Bronk, một học giả nghiên cứu cấp cao tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định.
Khó có thể xác nhận từng tuyên bố của Ukraine nhưng trong suốt cuộc xung đột, ông Bronk cho rằng, các vũ khí công nghệ cao mới nhìn chung ít hiệu quả hơn khi Nga tìm cách thích nghi và kho vũ khí của Ukraine ngày càng cạn kiệt.
Các cuộc tấn công vào Crimea có thể chỉ có tác động tối thiểu đến giao tranh trên tiền tuyến, đặc biệt là ở phía Đông Ukraine, nơi đang diễn ra những cuộc đối đầu dữ dội nhất và các lực lượng của Nga liên tục giành thêm lãnh thổ.
Phản ứng của NgaCác cuộc tấn công vào Bán đảo Crimea sử dụng vũ khí phương Tây đã khiến Nga giận dữ và đưa ra cảnh báo với Mỹ về "những hậu quả" mà Washington sẽ đối mặt khi cung cấp các vũ khí tiên tiến cho Kiev.
Liên quan đến những cảnh báo này, một số căn cứ của Mỹ tại châu Âu gần đây đã được đặt trong tình trạng báo động cao, 2 quan chức quân sự Mỹ và 1 quan chức tình báo phương Tây cấp cao cho hay. Những căn cứ này, trong đó có căn cứ của Lục quân Mỹ ở Stuttgart, Đức - nơi đặt trụ sở của Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ, dường như đang lo ngại về các hành vi phá hoại của Nga.
Crimea có giá trị chính trị, biểu tượng và quân sự với Nga. Kể từ khi sáp nhập bán đảo này năm 2014, Moscow đã đầu tư mạnh vào việc mở rộng các cơ sở quân sự. Từ Sevastopol ở phía Tây đến Kerch ở phía Đông, các cơ sở quân sự đã được phát hiện ở cả ven bờ biển lẫn những khu vực núi bao quanh.
Crimea giúp duy trì sự kiểm soát của Nga ở phía Nam Ukraine và là nơi đặt các hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất để nhắm vào các thành phố và thị trấn của Kiev. Thâm nhập qua các hệ thống phòng không mạnh mẽ của Nga vẫn là một thách thức nhưng mùa hè này, Ukraine có thể thực hiện các cuộc tấn công bằng cách áp đảo và đánh lạc hướng các hệ thống phòng không được sử dụng để bảo vệ Crimea nhiều năm qua.
Trong một cuộc tấn công theo nhiều hướng ngày 29/5, Ukraine đã sử dụng các UAV và xuồng không người lái sản xuất nội địa, tên lửa hành trình phương Tây và ATACMS để áp đảo các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga, các cơ quan quân sự và tình báo tiết lộ.
Cuộc tấn công đã gây tổn thất cho 2 chiếc phà đóng vai trò quan trọng trong chuỗi tiếp tế quân sự giữa Nga và Crimea.
"Cuộc tấn công của Ukraine vào những chiếc phà này và một cuộc tấn công sau đó nhằm vào kho nhiên liệu gần đó, đã cho thấy sự dễ tổn thương của eo biển trước các hoạt động bắn phá của Ukraine, bất chấp sự đầu tư lớn của Nga vào an ninh và phòng không", cơ quan tình báo quân sự Anh cho hay trong một thông báo.
Một quan chức cấp cao Mỹ nhận định, Ukraine đang sử dụng các tên lửa tầm xa do nước này cung cấp một cách "rất hiệu quả". Quan chức giấu tên này cũng nhận định, Ukraine có đủ tên lửa ATACMS để duy trì chiến dịch ở Crimea, đồng thời cho biết đạn dược đang liên tục được bổ sung.
Các cuộc tấn công liên tục vào các hệ thống phòng không Nga có thể buộc Moscow phải di dời một số chiến đấu cơ khỏi Crimea hoặc "có nguy cơ mất nhiều chiến đấu cơ hơn", cơ quan tình báo quân sự Anh nhận định.
Ukraine dọn đường cho vũ khí mới tấn công Nga
Ukraine đang gây sức ép cho chính quyền Tổng thống Biden nhằm dỡ bỏ hạn chế để có thể mở rộng chiến dịch nhằm vào các căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ Nga, hạn chế số lượng địa điểm các máy bay ném bom của Moscow có chỗ trú ẩn an toàn.
"Hãy tưởng tượng chúng ta có thể đạt được điều gì khi tất cả hạn chế này được dỡ bỏ”, ông Zelensky nói trong một bài phát biểu vào tuần trước ở Washington.
Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, người từ lâu đã ủng hộ việc cung cấp cho Ukraine các vũ khí tấn công tấn công tầm xa, cho biết ông cảm thấy ấn tượng trước kế hoạch tấn công của Kiev kể từ khi nhận được tên lửa ATACMS.
"Nhắm vào các hệ thống phòng không sẽ đặt nền tảng cho những gì xảy ra tiếp theo", ông Ben Hodges nói.
Các tiêm kích F-16 do phương Tây cung cấp dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động trên bầu trời Ukraine trong mùa hè này nhưng hiệu quả của chúng sẽ chỉ ở mức hạn chế nếu các hệ thống phòng không Nga không hề hấn gì.
"Nếu bạn muốn các UAV và tiêm kích F-16 hay bất kỳ vũ khí nào tấn công được các mục tiêu lớn thì bạn cần dọn đường cho chúng", ông Hodges đánh giá.
Theo các quan chức Ukraine và phương Tây, Nga đã phản ứng trước các cuộc tấn công tăng cường vào Crimea bằng cách triển khai các hệ thống phòng không từ Kaliningrad và các khu vực khác của đất nước.
Điện Kremlin cũng lần đầu tiên di chuyển hệ thống phòng không S-500 tới chiến trường, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine - Tướng Kyrylo Budanov nhận định với báo giới vào tháng trước.
Janes, một công ty tình báo quốc phòng ở London cho biết, phân tích của họ cũng xác nhận việc triển khai ít nhất một hệ thống radar của S-500 tới Crimea.
Nga vẫn có khả năng phòng không mạnh mẽ, điều được thể hiện rõ trong một cuộc tấn công gần đây nhằm vào căn cứ không quân Belbek ở ngay phía Bắc Sevastopol. Những mảnh vỡ từ tên lửa bị đánh chặn của Ukraine đã rơi xuống một bãi biển gần đó, khiến 5 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, các quan chức Nga cho hay.
Moscow ngay lập tức đổ lỗi cho Washington về vụ việc này. Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo, các cuộc tấn công vào Crimea đã làm dấy lên "rủi ro đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga". Dù vậy, hiện Ukraine không có dấu hiệu sẽ giảm bớt chiến dịch nhằm vào Crimea.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Tên lửa ATACMS. Ảnh: AP