Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Nga tính mở căn cứ ở 'sân sau' của Mỹ
Nga: Khủng bố Syria ồ ạt tháo chạy tới châu Phi làm loạn / Tổng thống Putin “mục sở thị” dàn vũ khí Nga tịch thu ở Syria
Một máy bay ném bom Tu-160 của Nga đáp xuống Venezuela hồi giữa tháng này. (Ảnh: Sputnik)
Đầu tháng này, Nga đã điều một biên đội gồm 2 máy bay ném bom Tu-16 cùng máy bay vận tải đến Venezuela để diễn tập chung. Động thái này đã khiến Mỹ lo ngại về việc Moscow có thể mở rộng hiện diện quân sự ở quốc gia này.
Nhật báo Nezavisimaya Gazeta của Nga ngày 19/12 dẫn các nguồn tin ngoại giao và quân sự nói rằng, đây có thể là "khúc dạo đầu" cho một kế hoạch tham vọng hơn của Nga ở Venezuela.
Nguồn tin nói rằng, Nga đang tìm cách lập một căn cứ bán thường trực dành cho phi đội của Nga trên một trong các hòn đảo của Venezuela ở Caribbe để chuẩn bị cho "sự hiện diện quân sự lâu dài" ở sân sau của Mỹ.
Căn cứ được cho là sẽ được lập trên đảo Orchila nằm trên biển Caribbe, cách thủ đô Caracas của Venezuela khoảng 160km. Venezuela cũng có một căn cứ không quân và hải quân ở đây. Cách đây 10 năm, Venezuela từng đề nghị cho Nga mở căn cứ, song thời điểm đó Moscow do dự không nhận lời.
Các chuyên gia tin rằng, một căn cứ không quân ở Venezuela sẽ cho phép Nga đưa các máy bay ném bom tầm xa tới đồn trú tại đây và coi đó là một trong những biện pháp đối phó nếu Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Việc rút khỏi INF sẽ cho phép Mỹ triển khai các tên lửa hạt nhân ở châu Âu và tạo ra mối đe dọa với Nga, do vậy lập căn cứ chiến lược sâu trong "sân sau" của Mỹ có thể là cách đáp trả khả thi của Nga.
Nga chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin trên, trong khi giới chức Venezuela công khai bác bỏ về khả năng hiện diện của một căn cứ quân sự Nga trên đất Venezuela. Mặc dù vậy, giới chức Venezuela cũng tuyên bố sẵn sàng cân nhắc phương án đó với mục đích giúp quan hệ hợp tác quân sự Nga-Venezuela "hiệu quả" hơn.
Một cản trở lớn với kế hoạch lập căn cứ quân sự Nga ở Venezuela đó là luật pháp Venezuela không cho phép sự hiện diện lâu dài của căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của họ. Khi đó, các máy bay quân sự Nga có thể sẽ được triển khai luân phiên thay vì đồn trú lâu dài ở Venezuela.
Thông tin trên đưa ra trong bối cảnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 10 bất ngờ tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF với cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận này. Giới chức Nga cho biết, Washington đã xác nhận quyết định cuối cùng về việc rút khỏi INF và vấn đề chỉ còn là thời gian.
Hiệp ước INF được ký kết năm 1987 giữa Nga và Mỹ, yêu cầu loại bỏ các tên lửa hạt nhân và tên lửa thường tầm ngắn và tầm trung từ 500km đến 5.500km của cả hai quốc gia. Moscow lo ngại, nếu rút khỏi INF, Mỹ có thể triển khai các tên lửa cấm ở châu Âu và đe dọa đến an ninh của Nga.
End of content
Không có tin nào tiếp theo